Đề nghị Chính phủ tạm dừng hoạt động của Uber và Grabtaxi
Ngày 19/10/2015, Hiệp hội Vận tài Hà Nội đã có văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan chức năng của Hà Nội tạm dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ taxi của Uber và Grab nhằm đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, công bằng với taxi truyền thống.
Hiệp hội Vận tải Hà Nội nêu ra 4 lý do để đưa ra kiến nghị nêu trên là: hiện nay Uber và Grab taxi sử dụng xe không biển hiệu, logo, tem mào. Điều này trái với các quy định về vận chuyển hành khách công cộng, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong điều hành và điều tiết giao thông.
“Tại các tuyến phố cấm taxi nhưng Uber và Grab vẫn hoạt động tự do gây nên ùn tắc, không phù hợp với hạ tầng và phá vỡ quy hoạch giao thông của thành phố. Hiện tại có khoảng hơn 3.000 xe tham gia vào mạng lưới hoạt động Uber và Grabtaxi ở Hà Nội”, công văn của Hiệp hội Vận tải Hà Nội nêu rõ.
Về giá cước vận tải, hiện nay doanh nghiệp tự xây dựng giá dưới sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên Hiệp hội này cho rằng taxi Uber và Grab tự đặt ra giá vận chuyển và không có sự quản lý của Nhà nước, thậm chí có thể tăng giá tùy từng thời điểm, không phù hợp với Luật Giá và không đảm bảo quyền lợi khách hàng.
Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng đề cập đến vấn đề chất lượng dịch vụ, trong đó phương tiện và người lái của taxi Uber và Grab chưa có chế tài để kiểm soát về tập huấn nghiệp vụ của lái xe và niên hạn sử dụng phương tiện.
Theo Hiệp hội Vận tải Hà Nội, ba bất cập nêu trên là do chính những doanh nghiệp taxi đã từng hợp tác với Uber và Grabtaxi phát hiện và nêu ra trong một hội nghị tổ chức hôm 19/9/2015.
Hiệp hội này đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng có thẩm quyền kịp thời ban hành văn bản pháp luật quy định đầy đủ và rõ ràng về hoạt động của taxi Uber, Grab; đồng thời tạm dừng hoạt động phương tiện không phù hiệu, không tem mào của taxi Uber và Grab tại Việt Nam trong thời gian chờ ban hành văn bản pháp luật quy định, nhằm đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, lành mạnh với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi.
Như ICTnews đã đưa tin, mới đây Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký văn bản về việc Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Giao thông vận tải cho thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Trong đó, có việc sử dụng thông điệp dữ liệu điện tử trong giao dịch thuê xe ô tô thay cho hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh và người thuê vận tải tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa. Thời gian thí điểm 2 năm.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố trong phạm vi thí điểm để hướng dẫn doanh nghiệp triển khai thực hiện, bảo đảm quản lý chặt chẽ việc thực hiện thí điểm, đặc biệt là công tác quản lý thuế; trong đó lưu ý bảo đảm cạnh tranh lành mạnh cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Bộ Giao thông vận tải rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn (trong đó có việc xem xét thông điệp dữ liệu điện tử có giá trị như hợp đồng bằng văn bản), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ đạo được Phó Thủ tướng đưa ra sau khi xem xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải và ý kiến các Bộ Công an, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông.
Theo Đề án của Bộ Giao thông vận tải, Công ty TNHH GrabTaxi là doanh nghiệp đầu tiên được cho phép triển khai dịch vụ kết nối cho loại xe chở khách dưới 9 chỗ theo hình thức hợp đồng (xe hợp đồng điện tử) tại Việt Nam.
Về quy trình kết nối - giao kết hợp đồng thực hiện theo Đề án thí điểm, Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam hỗ trợ lái xe của các đơn vị vận tải cài đặt ứng dụng kết nối vào thiết bị di động. Hành khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ đặt xe ô tô sẽ tải ứng dụng GrabTaxi vào thiết bị di động thông minh và đăng ký tài khoản sử dụng, sẽ được thông báo rõ các điều khoản và điều kiện áp dụng dịch vụ kết nối trên giao diện của ứng dụng và qua thư điện tử.
Việc hành khách tải ứng dụng kết nối, đăng ký tài khoản và thao tác nhấn nút đặt xe ô tô có giá trị thay cho hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa hành khách và đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Các nội dung cơ bản của hợp đồng vận tải hành khách (bao gồm: quyền lợi của hành khách, địa chỉ nơi đi và đến, thời gian thực hiện và giá trị hợp đồng) sẽ được thể hiện rõ trong quá trình khách hàng tải ứng dụng kết nối, đăng ký tài khoản và đặt xe.
Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam tự đầu tư toàn bộ kinh phí để xây dựng và triển khai thực hiện Đề án thí điểm.
ICTnews