MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ Khoáng sản Fecon: “Không có xu cổ tức nào, cổ đông sẽ rút hết”

21-03-2015 - 15:17 PM | Doanh nghiệp

Đây là phát biểu của cổ đông trong ĐHĐCĐ CTCP Khoáng sản Fecon (mã FCM) tổ chức sáng nay (21/3).

Ông Hà Thế Phương, Chủ tịch HĐQT Khoáng sản Fecon cho biết, kế hoạch doanh thu năm 2015 của FCM sẽ là 600 tỷ đồng, tăng 23,5% so với kết quả đã thực hiện năm 2014 (485,7 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế là 40 tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2014 (26,8%). Tỷ lệ chi trả cổ tức là 5%.

Ngoài ra, FCM cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 410 tỷ lên 610 tỷ.

Đồng thời, công ty dự kiến phát hành 20 triệu cổ phần với giá phát hành bằng mệnh giá cho cổ đông chiến lược nước ngoài, tương đương với 48,8% vốn điều lệ tại thời điểm 31/12/2014. Mục đích của việc phát hành nhằm đầu tư cải tạo nhà máy, máy móc, thiết bị và đầu tư vào mỏ đá.

Đại diện Khoáng sản Fecon thông tin, đối tác chiến lược sẽ là 1-2 đối tác nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản có năng lực tài chính và lĩnh vực hoạt động tương đồng với hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Có thể phát hành một đợt hoặc nhiều đợt đến khi phát hành đủ 20 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài.

Thời gian chào bán dự kiến quý III, quý IV sau khi được Ủy ban Chứng khoán nhà nước chấp nhận.

Ngoài ra, ông Hà Thế Phương cũng cho biết, năm 2014 doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 486 tỷ đồng, tăng 14,33% so với năm 2013, lợi nhuận gộp tăng 45,5%.

Tuy nhiên, các chỉ tiêu như doanh thu hợp nhất, lợi nhuận trước thuế, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt từ 37-70% so với kế hoạch đã từng đặt ra.

Cụ thể, doanh thu hợp nhất năm 2014 chưa có doanh thu khoáng sản đạt 485,7 tỷ đồng, đạt 73,6% so với kế hoạch, lợi nhuận trước thuế đạt 32,5 tỷ đồng, đạt 37% so với kế hoạch, lợi nhuận sau thuế đạt 26,8 tỷ đồng, đạt 40,7%.

Tại sao chọn đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản? Điều này mang lại thuận lợi gì cho FCM?

Ông Hà Thế Phương: Việc huy động nguồn lực nước ngoài là do mặt bằng yêu cầu kỹ thuật của cọc ngày càng nâng lên nhiều, hết công trình này đến công trình khác, yêu cầu rất cao nên công ty phải hướng đến làm thế nào huy động nguồn lực nước ngoài.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang cạnh tranh với chúng ta, năm vừa qua thị trường miền nam là Phan Vũ đã liên kết với một doanh nghiệp top đầu của Nhật Bản đưa ra những sản phẩm chất lượng. Và công ty này cũng đã mở rộng ra thị trường phía bắc, mua nhà máy sản xuất cọc ở Hải Dương, cải tạo và lắp đặt 1 dây chuyền nữa ở Hải Dương.

Cũng ở Hải Dương có đối thủ là Kiến Hoa Đất Việt những năm vừa rồi khá yên ắng, là thầu phụ nhưng có vốn mạnh ở Kiến Hoa (Trung Quốc) với 44 nhà máy, tổng công suất 1 nhà máy mạnh nhất bằng tổng công suất các nhà máy ở miền bắc Việt Nam, có máy móc thiết bị công nghệ cao.

Minh Đức trước đây là đối thủ cạnh tranh với FCM nhưng Minh Đức đã chấp nhận đứng sau.

Vì những lý do đó nên cần tăng cường, sử dụng nguồn lực của đối tác nước ngoài, nâng tầm để nhận công trình lớn đòi hỏi chất lượng cao, tiến độ đáp ứng được và vì lý do đó mà chúng tôi đã mời gọi và đối tác nước ngoài cũng đang có 2-3 đối tác tiến tới bước tìm hiểu đàm phán các điều kiện để hợp đồng với nhau ở 2 nền kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc.

Khi nhà đầu tư ngoại đầu tư, FCM sẽ có công nghệ, kinh nghiệm và thương hiệu được nâng lên vì các công trình lớn đều có yếu tố nước ngoài. Họ được cái là họ sẽ mở rộng thị trường ra các nước trong khu vực trong đó có Việt Nam, Malaysia.

Tại sao công ty không chia cổ tức năm 2014? Năm 2015, sau khi tăng vốn điều lệ vì sao cổ tức chỉ có 5%?

Ông Hà Thế Phương: Chia cổ tức theo lợi nhuận sau thuế thu được là 18 tỷ đồng nếu mang chia cho khối lượng cổ đông hưởng thì ít quá mà nhu cầu đồng vốn phát triển sản xuất kinh doanh của công ty rất nhiều.

Mỗi công trình phải chuẩn bị nguyên vật liệu, vật tư chuẩn bị sẵn đòi hỏi đồng vốn chuẩn bị phải trước đó, ký được hợp đồng phải làm công tác ép cọc luôn. Nên rất mong quý vị cổ đông thông cảm chia sẻ với ban điều hành để làm tăng thêm nguồn vốn, chính là tăng thêm năng lực cạnh tranh cho sản phẩm.

Có thể cùng lúc phải chuẩn bị cho mấy công trình nên mong cổ đông chấp thuận và đây là tích lũy lại cho những năm sau, chia cổ tức cho những năm sau.

Sau khi chủ tịch FCM trả lời, cổ đông cho rằng không chia cổ tức vì phần vốn để lại cũng được nhưng phải chia cổ phiếu cho cổ đông như một số đơn vị khác có làm. Vấn đề mình có nhiệt tình để thực hiện hay không. Nếu làm được uy tín sẽ tăng cao, huy động bao nhiêu cổ đông cũng mua. Phải minh bạch để cổ đông tin được.

"Báo cáo tài chính quá sơ sài với đồng vốn 268 tỷ. Đã là công ty quần chúng phải chuẩn và chính xác. Nếu độ tin cậy bao nhiêu sức mạnh càng tăng lên. Có công ty vốn điều lệ 10 tỷ mà đã lên hàng trăm tỷ, công ty của mình nếu không biết vận dụng sẽ là cái đáng buồn".

Cổ đông khác lại phản biện: "Tôi không ủng hộ chia cổ phiếu, vì cổ phiếu cũng như cái bánh, nếu Chủ tịch HĐQT nói tập trung vốn để giải quyết vốn lưu động cũng được".

Ông Hà Thế Lộng, Thành viên HĐQT chia sẻ: "Việc xây dựng kế hoạch chia cổ tức bản thân tôi cũng thấy là thấp. Lợi nhuận được tích lũy lại để năm sau có thể được chia đến 7-8% thay vì 5% như mục tiêu đặt ra. FCM đã lên sàn, bây giờ để lại không phải là mất mà tăng giá trị. Nên tôi mạnh dạn đề xuất không chia cổ tức".

Các dự án tại Hà Nam khởi công như bệnh viện Bạch Mai, nhà máy Nutifood, công ty có kế hoạch tham gia như thế nào?

Ông Hà Thế Phương, Chủ tịch HĐQT: Công trình xây dựng nhà máy Nutifood chúng tôi đang nắm bắt thông tin để có thể tham gia dự thầu.

Ông Hà Thế Lộng, Thành viên HĐQT: Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức đã khởi công, chúng tôi đã liên hệ với các lãnh đạo đơn vị này làm thế nào để cố gắng tiếp cận chỗ gần để tiết kiệm chi phí vận tải.

Cổ đông số 0991 chia sẻ trong đại hội: "FCM dù có biện minh nào hay thành đạt đến đâu và kinh doanh kết quả thế nào mà khi báo cáo năm 2014 không có xu nào để chia cho cổ đông thì khi thị trường chứng khoán người ta nhìn vào cái này người ta sẽ rút hết.

Đây là cái hại chứ không phải cái lợi. Tôi vừa tham gia vào mà không có chút cổ tức nào, quả thật tôi cũng thấy băn khoăn.

Tôi rất thông cảm với HĐQT có thể mình nói với cổ đông để làm thế nào đồng ý để số tiền 18 tỷ làm vốn nhưng hại là hại hơn rất nhiều.

Với báo cáo về tương lai dự án năm tới, đề nghị đưa lên 10% cho năm 2015. Nếu như làm được việc này tôi nghĩ uy tín của FCM lên hơn nhiều".

Ông Hà Thế Lộng cho biết lợi nhuận của năm 2015 tính toán khá chắc chắn để đạt được 40 tỷ. Lợi nhuận được ghi nhận sẽ là 18 tỷ năm 2014 và 40 tỷ đồng năm 2015. Đề nghị ban điều hành sẽ có xem xét để có phúc đáp sau.

Kết thúc đại hội, cổ đông đã thông qua tất cả các tờ trình đồng thời thông qua danh sách HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2015 – 2019.

Theo TÂM AN

PV

Bizlive

Trở lên trên