MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đi qua sóng gió, nhiều doanh nghiệp hồi sinh bất ngờ

05-02-2014 - 17:00 PM | Doanh nghiệp

Đừng bao giờ từ bỏ hy vọng và tiếp tục nỗ lực cứu mình thì sẽ có lúc thành công!

Ai đó đã nói rằng, đừng đánh giá người ta qua những thành công, hãy đánh giá người ta qua những lần họ đứng dậy được sau vấp ngã. Câu nói đó thực sự có ý nghĩa kể cả trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bài viết này chúng tôi nhìn lại những doanh nghiệp từng trải qua những sóng gió tưởng chừng không thể vượt qua được nhưng rồi đã và đang hoạt động đủ để nhà đầu tư có thể nhìn thấy hy vọng từ cuối đường hầm.

Đầu tiên phải kể đến là doanh nghiệp nổi danh thị trường chứng khoán: SHN-Hanic (Công ty Cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội). Doanh nghiệp này không phải nổi danh vì hoạt động kinh doanh quá tốt hay thuộc hàng bluechips trên thị trường mà bởi vì cổ phiếu SHN có tính đầu cơ cực cao. Hệ số Beta của cổ phiếu SHN luôn ở mức trên 2.x tức "nhạy" hơn biến động chung của thị trường trên 2 lần.

Vụ việc "siêu lừa" Nguyễn Anh Quân dùng mác "biển đỏ" lừa đảo [xem thêm], SHN lao đao và vị chủ tịch SHN đã từng phải công bố với cổ đông: Doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản. Hụt khả năng thanh toán, cổ phiếu rớt thảm thương đến cọng hành còn...đắt giá hơn, bị rơi vào trạng thái cổ phiếu bị cảnh báo, kiểm soát...Nói tóm lại: "Bão" Nguyễn Anh Quân đã khiến SHN suy sụp hoàn toàn trong gần 2 năm ròng và cổ đông tưởng chừng như SHN chỉ còn chờ "chết".

Tuy nhiên, có vẻ như SHN không chết. Cuối năm 2013, cổ đông chứng kiến sự đứng dậy của SHN với động thái mạnh tay tái cơ cấu. Bán quyền, mua quyền theo đuổi dự án nọ, dự án kia. Thông tin dự kiến phát hành 25 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược và cơ cấu nợ cũng thổi một luồng sinh khí hy vọng cho cổ đông. Đang đứng dậy còn trụ được bao lâu thì cần thời gian để có thể trả lời câu hỏi nhưng một điều cổ đông có thể nhìn thấy ngay được là: SHN đang cố sống!

Sacombank-SBS (Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín) bây giờ đã để "Thông báo thay đổi nộp tiền vào tài khoản chứng khoán" thay vì "SBS: Sự trở lại từ vực sâu” mà công ty đăng tải ở vị trí to nhất, trang trọng nhất website chính thức của mình.

Phải nói là chuyện của SBS quá lớn để nhắc lại trong một bài viết đầu xuân năm mới. Khi biến cố ở Sacombank nổ ra thì những "ung nhọt" của công ty chứng khoán vốn được ngân hàng lớn đứng đằng sau cũng bắt đầu phát tác. Công tác soát xét đặc biệt và cú sốc lớn của cổ đông khi doanh nghiệp chứng khoán hàng đầu thị trường bị âm hàng trăm tỷ đồng vốn chủ sở hữu, cắt hoàn toàn hoạt động margin, cổ phiếu giảm sàn liên tục, bị huỷ niêm yết, bị kiểm soát đặc biệt...đã khiến SBS thuộc dạng "chết nhưng không thể chôn" bởi sự liên đới đến quyền lợi của nhà đầu tư mở tài khoản...

Nhắc lại chuyện cũ chỉ để thấy rằng, từ việc tỷ lệ an toàn tài chính âm nặng, SBS đã dần phục hồi khi vốn chủ sở hữu của SBS đã dương 191 tỷ, lỗ lũy kế giảm từ 1.767 tỷ xuống còn 1.324 tỷ. SBS hiện đang là CTCK lãi lớn nhất năm 2013 (cao hơn SSI - công ty mẹ, HSC..). Sự hồi sinh đã đến sau hàng loạt nỗ lực tìm đường phù hợp cho SBS của lãnh đạo công ty.

Hồi tháng 6 năm 2013, Tổng Công ty Cổ phần Xuất khẩu Đông Nam Á Hamico (KSD) lao đao khi sản phẩm chủ lực móc áo của công ty bị đánh thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu hàng vào thị trường trọng điểm là Mỹ. Sau khi bị áp thuế chống bán phá giá, KSD đã đưa ra hàng loạt kế hoạch kinh doanh mới như tìm ngành hàng mới thay thế sản phẩm mắc áo như mặt hàng mây tre đan, dây thép mạ kẽm để xuất khẩu. Ngoài ra, công ty cũng từng có kế hoạch sang Lào xây dựng nhà máy sản xuất móc áo để xuất khẩu sang Mỹ nhằm tránh thuế chống bán phá giá.

Những kế hoạch, nỗ lực của công ty chưa biết được đang tiến hành đến đâu, tuy nhiên, sang quý 4/2013 thì báo cáo tài chính của công ty đã bắt đầu có sự tăng trưởng doanh thu thuần 11% lên gần 22 tỷ đồng. Lãi sau thuế riêng quý 4 là 1,65 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ gần 7 tỷ đồng cùng kỳ. Nỗi lo ngại khi công ty công bố thu hẹp sản xuất kinh doanh ở Việt Nam, cho thuê bớt nhà xưởng đã dần xa cùng với việc công ty báo lãi.

Lafooco (LAF) cũng là một điển hình của việc nhận thức được khó khăn, sai lầm và khắc phục. Hồi năm 2012, sau kết quả thua lỗ nặng nề, công ty đã thẳng thắn nhìn lại hoạt động kinh doanh và những yếu kém của mình.

Công ty cho rằng "tập quán" đến mùa vụ điều các doanh nghiệp sản xuất điều đều mua nguyên liệu dự trữ để sản xuất đến giáp vụ khiến hoạt động kinh doanh của công ty thiếu an toàn. Nếu giá cả tăng mạnh, lợi nhuận tăng đột biến, và ngược lại. Công ty đưa ra định hướng kinh doanh mới trong đó việc không dự trữ nguyên liệu điều thô để sản xuất giáp vụ năm sau, cố gắng gắn kết mua vào cân đối với hợp đồng xuất bán, không mở rộng quy mô đối với lĩnh vực thu mua nguyên liệu thô được công ty quán triệt.  Với chính sách bán hàng mới, công ty có lãi gần 15 tỷ đồng quý 4/2013 nâng lợi nhuận luỹ kế cả năm 2013 lên 43 tỷ đồng.

Còn rất nhiều doanh nghiệp đi lên từ vực thẳm. 4 doanh nghiệp nêu trên chỉ là những điển hình trên thị trường chứng khoán. Đừng bao giờ từ bỏ hy vọng và tiếp tục nỗ lực cứu mình thì sẽ có lúc thành công!

Thanh Hiên

thanhhuong

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên