MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp lữ hành "choáng váng" vì đô la

25-06-2008 - 09:51 AM | Doanh nghiệp

Các DN lữ hành không thể mua giá đô niêm yết của NH, nhưng cũng không thể yêu cầu khách hàng thanh toán theo giá tự do.

Doanh nghiệp lữ hành kinh doanh mảng outbound đang gặp khó vì đồng đô la Mỹ tăng giá cao trên thị trường.
Khó khăn tìm mua đô la

Theo các doanh nghiệp lữ hành kinh doanh mảng du lịch nước ngoài (outbound), dù ngân hàng vẫn niêm yết giá đô la Mỹ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên khó mua được với giá này. Doanh nghiệp, nếu muốn mua được ngoại tệ này, phải chịu mua với giá cũng gần bằng giá trên thị trường tự do. Vì thế, doanh nghiệp không thể tránh được chuyện bán tour du lịch lỗ vốn.

Với việc phải chịu thêm khoản chênh lệch do mua đô la Mỹ trên thị trường tự do thì hợp đồng trị giá 30.000 đô la Mỹ cho 100 khách đi Campuchia của Viking đã mất khoảng 90 triệu đồng.

Giám đốc Công ty du lịch Hoàn Mỹ, ông Nguyễn Thế Khải thì dùng từ "choáng váng" khi nói về chuyện thanh lý các hợp đồng tính bằng đô la Mỹ của công ty. Doanh nghiệp này chuyên tổ chức các tour outbound đến Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... nên các hợp đồng thường có giá trị lớn. Vì thế, khi giá đô la tăng quá cao thì mức thiệt hại cũng lớn.

Hoàn Mỹ đang phải thanh lý khoảng năm hợp đồng. Với bốn hợp đồng đầu, giá ký kết là 16.100 đồng/đô la Mỹ, hợp đồng còn lại ký với giá là 17.100 đồng/đô la Mỹ. Bốn hợp đồng đầu mức thiệt hại không lớn bằng hợp đồng sau cùng vì chỉ phải thanh toán 20% trong khi đó hợp đồng cuối có giá trị lớn, lên đến một tỉ đồng mà lại phải thanh toán đến 50%.

"Lỗ là chuyện đương nhiên nhưng vấn đề đau đầu lại là không mua được đô la Mỹ để thanh toán", ông Khải nói .

Thường thì khi ký hợp đồng, doanh nghiệp outbound cũng đã tính mức giá dự phòng khi đồng đô la tăng, giảm. Tuy nhiên, với tình hình tăng, giảm thất thường như thời gian gần đây thì khó có doanh nghiệp nào có thể dự tính trước được. Vả lại, nếu để dành một mức dao động lớn khi tính giá tour thì lại gặp khó trong việc cạnh tranh giá.

Ông Lưu Đình Phục, Giám đốc Viettours tính toán, cứ mỗi 1.000 đô la Mỹ mua vào thì công ty ông mất 150 đô la vì ngoài tỷ giá chính thức, công ty buộc phải cộng thêm 2.900 đồng phụ phí trên 1 đô la.

Viettours chuyên làm tour cho khách đoàn trong và ngoài nước. Mỗi tháng, công ty có khoảng từ 1.000 đến 1.500 khách outbound. Hiện công ty cũng có một số hợp đồng phải thanh lý nhưng may mắn hơn Hoàn Mỹ, mỗi hợp đồng chỉ phải thanh toán 20% còn lại.

Chưa có giải pháp tốt nhất

Hiện chưa có công ty lữ hành nào có giải pháp tốt nhất để xoay chuyển trong tình hình thiếu đô la Mỹ như hiện nay.

Hoàn Mỹ và những doanh nghiệp khác cũng đã áp dụng một giải pháp linh hoạt, nếu khách hàng không đồng ý thanh toán theo tỷ giá trên thị trường tự do thì sẽ thanh toán trực tiếp bằng đô la. "Hai tuần nay chúng tôi đã áp dụng cách thanh toán này. Lượng khách đăng ký tour cũng ít đi", ông Hùng của Viking than.

Trong tình hình lạm phát, người dân đang cắt giảm chi tiêu mà giá tour cao thì lượng khách giảm là chuyện đương nhiên. Một số khách, thường là khách lẻ, trẻ tuổi thì đổi cách đi du lịch tự do để tiết kiệm. Thay vì mua tour trọn gói ở các công ty lữ hành, họ chọn cách tự đi, tự đặt dịch vụ để có thể thanh toán bằng thẻ tín dụng, tiết kiệm hơn.

Theo các doanh nghiệp, chỉ có những công ty lớn, có lượng khách inbound nhiều thì mới có thể dùng khoản lời của mảng dịch vụ này bù cho mảng outbound.

Một số doanh nghiệp khác, vốn còn đô la nhiều trong tài khoản, cũng có thể sử dụng để thanh toán trong ngắn hạn mà không phải mua thêm ngoại tệ. Hiện nay, tại TPHCM chỉ có vài công ty như Dịch vụ lữ hành Saigontourist, Vietravel chấp nhận thanh toán giá tour theo tỷ giá niêm yết của ngân hàng.

Cũng tương tự như nhận định của các doanh nghiệp, ông Tài cho rằng hiện vẫn chưa có những cách giải quyết triệt để nhất cho vấn đề này.

Trước mắt chỉ là những cách thức xoay sở tức thời để giải quyết khó khăn. Khi tình hình tỷ giá không ổn định, công ty phải cân đối chặt chẽ hơn nữa nguồn cung, những bộ phận cấu thành giá của tour, cũng như đàm phán với các đối tác nước ngoài về giá để đảm bảo vẫn kiểm soát được tình hình kinh doanh trong giai đoạn khó khăn.

Tuy nhiên, theo như ông Phục, Giám đốc Viettours, trong lúc này công ty ông chỉ cần ngân hàng niêm yết chính thức cả tỷ giá lẫn những phụ phí khi khách hàng mua đô la. Như thế, doanh nghiệp mới có căn cứ để đàm phán với khách hàng. "Khách cứ nói tại sao ngân hàng bán đô la giá thấp mà doanh nghiệp lại tính giá cao. Nếu không có công bố chính thức thì khách không chấp nhận", ông nói.
 
Theo Đào Loan
TBKTSG

thaonp

Trở lên trên