MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp nhỏ cần có “võ”

12-04-2015 - 10:45 AM | Doanh nghiệp

Nói là mở cửa, nhưng thực tế doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều rào cản kỹ thuật để xâm nhập thị trường khác. Nhưng nếu biết cách, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) vẫn có cơ hội trong cuộc chiến giành giật thị trường khác.

Phát biểu tại buổi tọa đàm “Cộng đồng kinh tế ASEAN và chiến lược cạnh tranh cho SMEs Việt Nam” do Mylink tổ chức ngày 11/4 tại Hà Nội, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá Cộng đồng kinh tế ASEAN bắt đầu vào cuối năm 2015 sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Vô vàn rào cản

“Với khoảng hơn 600 triệu dân, ASEAN biến thành thị trường lớn thứ 7 thế giới. Đó là cơ hội rất lớn cho hàng tiêu dùng. Khi đó, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam với các nước ASEAN sẽ không dừng lại ở con số 18% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu như hiện nay”, bà Lan đánh giá.

Tuy nhiên, lý thuyết là vậy nhưng thực tế không dễ dàng. Kinh nghiệm cho thấy, các nước tuy tuyên bố mở cửa, nhưng lại dựng lên rất nhiều hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo hộ cho thị trường nội địa nước đó. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh ví von các rào cản kỹ thuật của các nước vô cùng ma mãnh, chi tiết, mánh khóe. “Riêng bao bì bánh đậu xanh xuất sang một số thị trường yêu cầu đến 5 lớp bao bì bảo quản. Khi đó, doanh nghiệp Việt Nam muốn vào thị trường họ buộc phải liên kết với các doanh nghiệp nước đó”, ông nói. Vị này còn đưa ra kinh nghiệm về trường hợp hàng rào tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của châu Âu từng áp dụng với Việt Nam.

“Họ yêu cầu tôm có chất kháng sinh vô cùng thấp, gần như không thể. Tỷ lệ đó chỉ gây bệnh nếu mỗi người dân ăn 1 cân tôm trong suốt 30 ngày. Thực tế không có ai có thể ăn tôm trong thời gian dài như thế, nhưng họ vẫn dựng lên”, ông Doanh chia sẻ.

Tìm cách dựa kẻ mạnh

Xâm nhập thị trường nước khác khó là vậy, nhưng việc giữ thị trường nội địa cũng không đơn giản. Thay vì đối đầu với cuộc đổ bộ sắp tới của các doanh nghiệp ngoại, cộng đồng DNVVN nên tìm đối tác phù hợp để thực hiện liên doanh, liên kết tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn cho biết, doanh nghiệp này có đến hệ thống khoảng 180.000 đại lý trên toàn quốc, phân phối đa ngành từ máy móc thiết bị, dược phẩm, quần áo cho đến thuốc thú y. “Song dưới sức ép hội nhập rất lớn, chúng tôi bứt phá bằng cách liên doanh, liên kết với nước ngoài. Chấp nhận bán cổ phần cho đối tác nước ngoài. Đó là xu hướng giúp doanh nghiệp phát triển trong điều kiện mới”.

Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse cũng cho biết đơn vị này đang hợp tác với một đối tác Hàn Quốc để nâng cao năng lực cạnh tranh, đa dạng ngành nghề. “Chúng tôi đang học cách làm của Samsung, tận dụng tối đa ưu việt nhất của các thị trường trên toàn cầu để mang đến sản phẩm tốt nhất”, ông Phú tiết lộ.

Một giải pháp được Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đưa ra là các doanh nghiệp nên liên kết với các hãng thương mại trực tuyến. Ông đưa ra ví dụ, một công ty đá hoa cương ở Thanh Hóa gặp khó khăn về đầu ra, nhưng sau khi kết hợp với một hãng thương mại điện tử lớn đã xuất được hàng sang Trung Đông. “Cần bán hay cần mua gì cứ liên hệ qua mạng. Hãy tranh thủ tối đa liên kết trên mạng”, ông nói.

Bà Phạm Chi Lan bổ sung thêm rằng, DNVVN muốn liên kết cũng phải cần tạo bản sắc riêng trong sản phẩm. “Trên kệ siêu thị có rất nhiều sản phẩm, nếu không có khác biệt sẽ bị người tiêu dùng bỏ qua. Không cần thị trường ASEAN 600 triệu dân hay 90 triệu dân trong nước, mà DNVVN cần phải nghiên cứu tìm ra sản phẩm phù hợp, tránh đầu tư dàn trải”, vị này nói.

Theo Tuấn Đức

PV

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên