MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp ô tô FDI không tạo cơ hội cho phụ tùng Việt tham gia chuỗi sản xuất?

01-11-2014 - 07:27 AM | Doanh nghiệp

Theo phía doanh nghiệp phụ tùng Việt thì “tỷ lệ nội địa hóa” thấp không phải do kỹ thuật kém mà là do họ không thể tham gia vào chuỗi sản xuất của doanh nghiệp FDI

Sau gần 20 năm hình thành và phát triển, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có sự góp mặt của những tên tuổi lớn trên thế giới như Ford, Mercedes, Toyota… Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), ngành này đang có 18 doanh nghiệp FDI và 38 doanh nghiệp trong nước tham gia sản xuất với năng lực khoảng 460 nghìn xe/năm, bao gồm đầy đủ các chủng loại xe con, xe tải, xe khách…

Nói riêng về doanh nghiệp FDI ngành này, chúng ta mong muốn họ nâng cao tỷ lệ nội địa hóa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phụ tùng nội địa. Nhưng cũng trong từng đó năm, có một nút thắt vẫn được nhắc đi nhắc lại, đó là sự yếu kém của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam khiến cho các doanh nghiệp FDI có muốn cũng không sử dụng được phụ tùng trong nước.

Tuy nhiên, phía các doanh nghiệp Việt trực tiếp sản xuất phụ tùng không cho là như vậy.

Doanh nghiệp ô tô FDI mua phụ tùng ở đâu?

Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa là điều mà các chuyên gia vẫn nhắc đến khi nói về ngành ô tô. Theo mục tiêu đề ra, vào năm 2005, tỷ lệ nội địa hóa phải đạt 40% và tiếp tục tăng lên đến 60% vào năm 2010 đối với các loại xe thông dụng. Tuy nhiên đến năm 2013, tỷ lệ này mới chỉ đạt từ 7 - 10% đối với xe con và từ 35 - 40% đối với xe tải nhẹ.

Với tỷ lệ như vậy, chỉ có một số ít các doanh nghiệp Việt Nam trở thành đơn vị cung cấp phụ tùng cho doanh nghiệp FDI.

Ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam từng cho biết hiện nay các doanh nghiệp phụ tùng 100% Việt Nam chỉ làm được vỏ, gò hàn, sơn, một số nội thất cấp thấp, còn các phụ tùng khác đều phải nhập.

Chúng tôi đã thống kê một số đơn vị cung cấp phụ tùng ô tô, xe máy cho các doanh nghiệp FDI ngành ô tô tại Việt Nam. Đây đều là doanh nghiệp FDI do các tập đoàn quốc tế chuyên sản xuất phụ tùng thành lập hoặc là công ty có vốn góp của chính các Tập đoàn sản xuất và kinh doanh ô tô đã có mặt tại Việt Nam.

Doanh nghiệp nội kêu doanh nghiệp FDI “không hợp tác”

Tại một buổi hội thảo của Bộ công thương về phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, ông Mai Văn Đáng, Giám đốc Công ty Mai Văn Đáng - một công ty đã có 20 năm sản xuất linh kiện xe máy từng xuất khẩu sang EU đã khẳng định: Công nghệ không phải là vấn đề, vì ông đã từng làm ống bô xe máy thì cũng làm được ống bô ô tô.

“Nhưng vì sao ta vẫn không phát triển được công nghiệp hỗ trợ? Là vì từ phía các ông chủ FDI” – ông Đáng phát biểu.

Theo đó, ông Mai Văn Đáng cho biết, các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam mang cả “anh em, họ hàng” sang và đương nhiên các đơn hàng thường được ưu tiên cho các anh em họ hàng này. Doanh nghiệp Việt Nam rất khó để chen vào.

"Thậm chí, gặp trực tiếp họ để đàm phán là rất khó, chưa dám nói là đi vào thăm quan được nhà xưởng của họ để nắm bắt xem họ cần tiêu chuẩn công nghệ như thế nào. Doanh nghiệp FDI muốn gì? Họ không bao giờ nói cho chúng ta biết” - ông Đáng cho hay.

Nói thêm về việc khó tiếp cận doanh nghiệp FDI, ông Đáng nêu quan điểm cho rằng các doanh nghiệp này “có nhiều chiêu trò” để ngăn doanh nghiệp Việt bước vào hệ thống của họ.

“Chẳng hạn, khi tôi nói tôi có thể làm được cả một cụm chi tiết mà họ mua của Trung Quốc, thì phía chính hãng lại đưa ra những điều kiện về giá thành khiến chúng ta khó đáp ứng".

Vị giám đốc này còn bày tỏ sự nghi ngại về việc doanh nghiệp FDI sẽ thực hiện chuyển giá thông qua các công ty cung cấp phụ tùng là họ hàng của họ.

Cũng tại buổi hội thảo này, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần ô tô Trường Hải nhận xét, một số các doanh nghiệp FDI vào đầu tư tại Việt Nam để sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, nắm công nghệ nguồn, nhưng ở mỗi công đoạn của chuỗi sản xuất lại có những công nghệ do chính các doanh nghiệp vệ tinh của họ nắm giữ.

Ví dụ Hyundai sản xuất xe ô tô nhưng doanh nghiệp vệ tinh cung cấp ghế cho Huyndai mới là đơn vị sản xuất chiếc ghế và nắm trong tay công nghệ sản xuất chiếc ghế đó. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải có quan hệ và bắt tay với các nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 của doanh nghiệp FDI để làm cho họ thay vì bắt chước làm linh kiện giống họ.

“Nếu chúng ta làm được khuôn mẫu linh kiện như họ thì họ đã chuyển sang khuôn mẫu khác, cái chúng ta làm được đã lỗi thời và họ không còn dùng nữa” - ông Dương cho biết.

Tóm lại, theo phía doanh nghiệp phụ tùng Việt thì “tỷ lệ nội địa hóa” thấp không phải do kỹ thuật kém mà là do họ không thể tham gia vào chuỗi sản xuất của doanh nghiệp FDI. Và thực tế các doanh nghiệp ô tô FDI với lý do phụ tùng do doanh nghiệp Việt sản xuất không đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật và sự đồng bộ sản phẩm nên chủ yếu sử dụng phụ tùng từ những công ty phụ tùng FDI như trên.

Bài viết cùng chủ đề Vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp FDI:

Ông Đặng Thành Tâm: Sẽ bùng nổ làn sóng mới hút vốn đầu tư nước ngoài

Top 10 hàng xuất nhập khẩu có hàm lượng FDI cao nhất 9 tháng đầu 2014

> Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư Nhật và Hoa Kỳ

Bảo Ngọc

trangminh

Tài chính Plus

Trở lên trên