MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp phụ tùng Việt và doanh nghiệp ô tô FDI “chưa hiểu nhau”

05-11-2014 - 11:00 AM | Doanh nghiệp

Như sự bày tỏ của 2 bên doanh nghiệp phụ tùng nội và doanh nghiệp sản xuất FDI thì cái còn thiếu ở đây là sự gặp gỡ trao đổi song phương và đa phương giữa các doanh nghiệp của các quốc gia

Như đã phản ánh trong bài viết trước, các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy cho rằng kỹ thuật chế tạo không phải là vấn đề khó, điều quan trọng là họ không thể tham gia vào chuỗi sản xuất của doanh nghiệp ô tô FDI do phía này không tạo điều kiện tiếp xúc.

Cũng trước vấn đề tỷ lệ nội địa hóa của ngành ô tô chưa đạt kỳ vọng, có ý kiến cho rằng khi cấp phép đầu tư nên yêu cầu doanh nghiệp FDI ô tô cam kết sử dụng phụ kiện Việt Nam như đã từng áp dụng với ngành xe máy.

Những người trong cuộc nói gì?

Doanh nghiệp FDI nói luôn “mở” với Doanh nghiệp Việt nhưng …

Trong buổi gặp mặt các nhà máy FDI tại Việt Nam tổ chức tại khu công nghiệp VSIP tỉnh Bắc Ninh vừa qua, ông Deepak Kumar - Tổng Giám đốc công ty TNHH Linh kiện tự động MINDA Việt Nam, công ty thuộc Tập đoàn Spark Minda (Ấn Độ) chuyên sản xuất linh kiện ô tô, xe máy khẳng định: Trong quá trình hoạt động, công ty đã rất cố gắng để nội địa hóa sản phẩm của mình. Theo đó, tỷ lệ này đã được nâng từ dưới 30% lên 50% nhưng hiện tại, việc tiếp tục nâng tỷ lệ nội địa hóa trở nên rất khó bởi vì ngành ô tô xe máy yêu cầu kỹ thuật rất cao mà doanh nghiệp Việt Nam khó thực hiện được.

“Tiêu chuẩn kỹ thuật và sự đồng bộ” là điều mà các doanh nghiệp FDI luôn băn khoăn khi sử dụng sản phẩm nội địa Việt Nam.

“Chúng tôi rất “mở” với các Doanh nghiệp trong nước và từ trước đến nay cũng đã tìm rất nhiều các đối tác trong nước. Trong quá trình làm việc, có Doanh nghiệp thành công và Doanh nghiệp chưa thành công nhưng chúng tôi luôn mở với họ.” – ông Deepak Kumar nhấn mạnh.

Theo lời ông Mai Văn Đáng – giám đốc công ty sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy Mai Văn Đáng thì công nghệ không phải là vấn đề khó. Nhưng mới đây, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) đã hợp tác với đối tác Nhật Bản để khảo sát hoạt động sản xuất của các công ty Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam.

Theo đó, họ lựa chọn 150 doanh nghiệp sản xuất lớn nhất của Nhật Bản tại Việt Nam để điều tra hiện trạng và nhu cầu cung cấp các sản phẩm phụ trợ của các doanh nghiệp Nhật Bản từ các doanh nghiệp Việt Nam. Sau đó tiến hành tham quan khảo sát và làm việc với 10 công ty Nhật Bản điển hình đang hoạt động tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh như Toyota, Honda, Canon, Denso, Juki... nhằm tìm hiểu sâu hơn về nhu cầu của các doanh nghiệp.

Báo cáo của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho thấy sự yếu kém rõ rệt của các doanh nghiệp trong nước về khả năng cung cấp các sản phẩm trung gian trong chuỗi giá trị của các sản phẩm có hàm lượng công nghệ từ trung bình trở lên.

Theo Công ty Toyota, tỷ lệ nội địa hóa của Công ty hiện nay là khoảng 30-40%. Phần khung, sơn tự làm, 10% còn lại do các công ty ở Việt Nam cung cấp nhưng lại là các công ty nước ngoài tại Việt Nam. Việt Nam chỉ có duy nhất 1 công ty tại Thái Nguyên cung cấp bộ cờ lê cho Toyota. Song đáng nói là bộ cờ lê không phải là một linh kiện được tích hợp hay gắn với các sản phẩm khác trong một chiếc ô tô.

Và nỗi niềm của những “nhà chính sách”

Trước nhiều ý kiến yêu cầu nhà nước phải “quyết liệt yêu cầu doanh nghiệp FDI nâng cao tỷ lệ nội địa hóa”, ông Trương Thanh Hoài, Phó vụ trưởng vụ Công nghiệp Nặng (Bộ Công Thương) bày tỏ:

"Chúng tôi từng tính rất nhiều phương án ràng buộc các doanh nghiệp FDI, nhưng tính kiểu gì cũng dễ bị vi phạm cam kết trong WTO về đối xử bình đẳng, chống trợ cấp".

Ví dụ, ban đầu khi ban soạn thảo Nghị định công nghiệp hỗ trợ, Bộ đã đề xuất quy định sẽ gia hạn VAT 6 tháng khi nội địa hoá 50%, gia hạn thuế VAT 1 năm nếu đạt nội địa hoá 60%, nhưng sau đó cũng đành phải bỏ ra.

Ông Nguyễn Tiến Nhường, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, phó Chủ tịch UBND Tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết việc yêu cầu các doanh nghiệp FDI cam kết sử dụng sản phẩm phụ trợ của Việt Nam là rất khó, bởi vướng những quy định của Luật pháp như trên.

“Có chăng, với tư cách là địa phương thu hút đầu tư thì chúng tôi sẽ trao đổi, đàm phán với doanh nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp nhiều nhất trong điều kiện cạnh tranh bình đẳng. Ví dụ nếu các doanh nghiệp của tỉnh mà có những điều kiện tương đồng với doanh nghiệp khác thì chúng tôi sẽ đề nghị hỗ trợ.”

Ông Nhường cũng y vọng sẽ kết nối được với doanh nghiệp FDI để giúp các doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn tỉnh trở thành doanh nghiệp vệ tinh cung cấp phụ kiện. Bởi vì dù rất thành công trong việc thu hút vốn đầu tư FDI, nổi bật là ông lớn Samsung Display nhưng hiện nay các doanh nghiệp trong tỉnh Bắc Ninh mới chỉ đang kết nối để tìm cơ hội cung cấp phụ kiện chứ vẫn chưa có doanh nghiệp nào trở thành vệ tinh cho tập đoàn này.

Nói chung, như sự bày tỏ của 2 bên doanh nghiệp phụ tùng nội và doanh nghiệp sản xuất FDI thì cái còn thiếu ở đây là sự gặp gỡ trao đổi song phương và đa phương giữa các doanh nghiệp của các quốc gia. Có lẽ đây là điều mà các nhà quản lý cần xúc tiến để nâng cao sức lan tỏa trong thu hút vốn đầu tư FDI.

>> Doanh nghiệp ô tô FDI không tạo cơ hội cho phụ tùng Việt tham gia chuỗi sản xuất?

Bảo Ngọc

trangminh

Tài chính Plus

Trở lên trên