MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp và người lao động: Sao lại thách thức nhau?

26-04-2015 - 09:32 AM | Doanh nghiệp

Cả doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) đều tính toán và ăn thua đủ với nhau khiến các vụ tranh chấp kéo dài, thiệt hại đôi bên đều gánh chịu.

Mặt nhau cũng chẳng muốn nhìn

“Ngày mới ứng tuyển, tôi được Cty săn đón bao nhiêu thì bây giờ họ lại ghét tôi bấy nhiêu. Tôi cũng muốn nghỉ việc trong yên bình, việc ai nấy làm, không muốn kiện cáo, lôi nhau lên báo nhưng họ đâu có chịu”, bà H.Lan - giám đốc tài chính một Cty hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - trình bày.

Vụ tranh chấp giữa bà Lan và Cty phát sinh từ cuối năm 2013. Bà Lan trình bày, bà vào làm việc tại Cty với HĐLĐ xác định thời hạn 1 năm, mức lương hơn 70 triệu đồng/tháng, trong thư mời làm việc và thỏa thuận ban đầu, Cty cam kết sẽ trả tháng lương thứ 13 cho bà. Khi HĐLĐ kết thúc, cũng là lúc Cty thay đổi giám đốc, thay đổi cách quản lý tài chính, nhân sự, bà nhận thấy cách quản lý không được minh bạch như trước nên bà xin nghỉ, thôi không tái kỳ HĐLĐ.

“Tôi đã hoàn tất công việc của mình, tiếp tục làm thêm nhiều ngày để hướng dẫn cho người mới rồi mới nghỉ việc, tôi cũng hết lòng với Cty, thế nhưng Cty lại có cách hành xử không đẹp với tôi”, bà Lan bức xúc. Theo đó, Cty không chịu trả lương tháng 13 và những ngày bà Lan làm thêm. Bên cạnh đó, Cty cũng cho rằng, khi bà Lan làm giám đốc tài chính đã tự ý chuyển lương không đúng quy định của Cty.

Trước lý lẽ của Cty, bà Lan đã nhiều lần đề nghị gặp để trao đổi thẳng thắn nhưng phía Cty vẫn tránh né. Quá bức xúc, bà đã làm đơn kêu cứu đến cơ quan báo chí, khởi kiện ra tòa. “Nếu Cty chịu ngồi nói chuyện thẳng thắng với tôi thì mọi chuyện có lẽ sẽ ổn. Cái tôi cần là sự tôn trọng vì dù gì chúng tôi cũng đã từng hợp tác với nhau”, bà Lan giãi bày.

Hai bên cùng thiệt hại

Là hoàn cảnh của 6 NLĐ từng làm việc ở Cty may mặc D.K (quận 12, TPHCM), sau vụ 6 NLĐ kiện Cty chấm dứt HĐLĐ trái luật. Chị Mỹ Linh - nhân viên may mẫu ở Cty - cho biết, chị và 5 NLĐ làm việc ở Cty bằng thư mời nhận việc nhưng không có HĐLĐ. Chính vì không có HĐLĐ nên cuối năm Cty không thưởng tết, không thanh toán phép năm, làm thêm giờ cho họ. Bức xúc, NLĐ yêu cầu Cty ký HĐLĐ. Trong khi thỏa thuận ký HĐLĐ chưa được thực hiện xong thì Cty lại đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với 6 nhân viên này.

Sau nhiều lần hòa giải nhưng không thành, 6 NLĐ đâm đơn kiện Cty ra tòa. “Vụ việc kéo dài hơn cả năm trời, việc theo đuổi vụ kiện khiến chúng tôi mất ăn mất ngủ, đã vậy đi xin việc còn khó khăn vì vướng kiện tụng”, anh Huỳnh Loan Thảo trình bày.

Không những vậy, khi 6 bản án sơ thẩm được tuyên, 6 NLĐ lại tiếp tục chịu thiệt hại một lần nữa khi chấp nhận từ bỏ 50% quyền lợi. “Tòa tuyên Cty bồi thường cho chúng tôi gần 400 triệu đồng nhưng khi chuyển qua cơ quan thi hành án một thời gian, dù Cty vẫn hoạt động bình thường, nhưng cán bộ thi hành án nói Cty đang gặp khó khăn, tài khoản không còn nhiều tiền nên khó thi hành 100% bản án. Nếu chúng tôi đồng ý nhận 50% và cam kết từ bỏ 50% còn lại thì may ra mới lấy được tiền. Chúng tôi đành phải chấp nhận, thà có còn hơn không”, chị Liễu - nguyên nhân viên may mẫu của Cty - cho hay.

Liên quan đến vụ việc này, vị luật sư từng được Cty mời làm tư vấn, đại diện ủy quyền giải quyết vụ việc, chia sẻ: “Ban đầu, khi nhận thông tin về vụ việc, tôi đã đề nghị Cty nên làm đúng luật, nếu không ký được HĐLĐ mới với NLĐ thì thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ nhưng Cty không đồng ý. Mà ý của Cty là muốn tôi phải làm sao để triệt đường của nhân viên, Cty luôn luôn đúng! Cty chưa hiểu hết về luật nên mới mời luật sư nhưng khi luật sư tư vấn không đúng ý thì Cty không chấp nhận. Tôi đành chịu, Cty cũng không thuê tôi nữa. Kết quả là hai bên kiện nhau ra tòa, Cty cũng khốn đốn một thời gian dài”.

Theo Lê An Nhiên

PV

Lao động

Trở lên trên