MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

EVN tính cổ phần hóa 3 tổng công ty phát điện như thế nào?

22-01-2015 - 18:05 PM | Doanh nghiệp

Chủ tịch EVN: “Các nhà đầu tư chỉ tham gia quá trình cổ phần hoá khi người ta nhìn thấy lợi nhuận”...

“Chúng tôi đang xúc tiến cổ phần hoá 3 tổng công ty phát điện theo chỉ đạo của Thủ tướng”, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói khi đề cập đến câu chuyện: EVN sẽ phải làm gì để giá điện tăng có mức độ mà ngành điện vẫn có vốn đầu tư phát triển?

Mới đây, EVN đã đề xuất điều chỉnh tăng giá điện, và các phương án điều chỉnh tăng giá điện đang được Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan xem xét, thẩm định.

Nhưng việc điều chỉnh tăng giá điện cũng có giới hạn, do giá điện đang tiệm cận giá trung bình của khu vực: khoảng 9 cent (Mỹ)/kWh.

Nhà đầu tư chỉ tham gia khi thấy lợi nhuận

Thưa ông, theo lộ trình về giá điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì giá điện sẽ được tăng trong năm 2015. Vừa qua, EVN cũng đã đề xuất điều chỉnh giá điện. Vậy lần tăng giá này sẽ giúp EVN đạt những mục tiêu gì?

Theo tính toán thì khi xác định chi phí biên dài hạn, giá điện về dài hạn có thể lên tới 9 cent/kWh thì lộ trình cụ thể điều chỉnh giá điện đã được Thủ tướng Chính phỉ phê duyệt. Theo lộ trình thì giá điện năm 2015 sẽ được điều chỉnh lên.

Với những tính toán hiện nay thì thì giá điện dự kiến sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững, lành mạnh của ngành điện.

Nhưng vì giá điện cũng được xác định là có giới hạn 9 cent/kWh như ông nói thì cũng đến lúc phải có giới hạn, và mức độ điều chỉnh giá điện sẽ phải giãn ra. EVN sẽ phải đẩy nhanh các hoạt động khác như đẩy mạnh cổ phần hóa (cổ phần hoá), thoái vốn đầu tư… để giảm áp lực về vốn đầu tư rất lớn hàng năm?

Việc đẩy mạnh cổ phần hoá trong thời gian tới là một hoạt động lớn mà EVN phải tập trung thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ. Nhưng thực sự, điều chỉnh giá điện cũng sẽ tác động lớn đến quá trình cổ phần hoá, thậm chí quyết định thành công của cổ phần hoá trong ngành điện.

Bởi vì, các nhà đầu tư chỉ tham gia quá trình cổ phần hoá khi người ta nhìn thấy lợi nhuận từ các doanh nghiệp, các tổng công ty phát điện đủ sức hấp dẫn. Nói gì thì kết quả kinh doanh thực tế cũng phải đảm bảo bằng giá điện hợp lý. Đó là yếu tố rất quan trọng với nhà đầu tư quan tâm đến thị trường.

Hiện nay, chúng tôi đã ký hợp đồng mua điện dài hạn với các nhà máy điện theo Thông tư số 41/TT-BCT của Bộ Công Thương. Thì mức giá mua cũng phải làm sao đảm bảo cho các nhà máy đó có lãi, đảm bảo duy trì tỷ suất tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ở mức hợp lý nhất định như với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ là 10% và với các nhà đầu tư tư nhân là 3,7%.

Cổ phần hoá: Nếu cần sẽ có “biện pháp đặc biệt”

Nhưng quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp trong ngành điện mấy năm qua đã chững lại và cho dù gần đây, Chính phủ đang yêu cầu đẩy mạnh quá trình này thì riêng các doanh nghiệp thuộc EVN năm nay cũng chưa thấy chuyển động nào rõ rệt?

Không phải vậy. Chúng tôi đang xúc tiến cổ phần hoá 3 tổng công ty phát điện: Genco 1, Genco 2 và Genco 3 theo chỉ đạo của Thủ tướng. Cả 3 tổng công ty này đều không thuộc diện Nhà nước phải giữ cổ phần chi phối.

Tuy nhiên, việc cổ phần hoá các doanh nghiệp của ngành điện đòi hỏi làm chặt hơn so với các ngành khác vì nó liên quan trực tiếp đến an ninh cung ứng điện cho đất nước.

Thực tế từ năm 2012, Bộ Công thương đã có chỉ đạo cổ phần hoá 3 tổng công ty này, tách khỏi EVN, hoạt động độc lập. Nhưng do tầm quan trọng và quy mô lớn của các tổng công ty đó, Thủ tướng chỉ đạo lựa chọn cổ phần hoá Genco 3 trước.

Trên cơ sở kết quả cổ phần hoá đầu tiên sẽ cổ phần hoá với Genco 1 và Genco 2. Hiện nay, chúng tôi đã thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc cổ phần hoá.

Theo kế hoạch được duyệt, từ 1/1/2015 sẽ tổ chức xác định giá trị tài sản của Genco 3, đến tháng 3/2016 sẽ chính thức tiến hành IPO Genco 3.

Việc cổ phần hoá các Genco này, ví dụ như Genco 3, thì khó nhất là điều gì, thưa ông?

Cổ phần hoá ngành điện chắc chắn là khó khăn hơn so với các ngành khác, kể cả ngành giao thông, công thương do quy mô các Genco này rất lớn.

Ví dụ như Genco 3, tổng giá trị tài sản lên tới 70-80 ngàn tỉ đồng, vốn Nhà nước khoảng 13.000 tỉ đồng. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán còn trầm lắng thì việc đưa ra cổ phần hoá một doanh nghiệp quy mô lớn như thế, kể cũng khó khăn.

Trong thời gian qua, EVN đầu tư rất nhiều nhưng vốn tự có không có nhiều, cho nên nhiều doanh nghiệp mới đi vào hoạt động có tỷ lệ sở hữu trên vốn vay rất thấp. Hơn nữa, các chỉ tiêu về lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận trên vốn của các tổng công ty phát điện so với các doanh nghiệp khác không cao, nó không quá hấp dẫn với các nhà đầu tư như một số lĩnh vực khác.

Nhưng chúng tôi vẫn triển khai tích cực để việc cổ phần hoá theo kế hoạch. Hiện nay, EVN đang tích cực làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB), để WB trợ giúp về xây dựng phương án cổ phần hoá, thực hiện tái cơ cấu, và các giải pháp làm lành mạnh hóa tình hình tài chính để khi xây dựng phương án cổ phần hoá thì các tổng công ty này có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Khi cần thiết thì tập đoàn cũng sẽ kiến nghị các biện pháp đặc biệt để thúc đẩy cổ phần hoá, ví dụ như, có thể xem xét lại mức giá điện mà EVN đang mua ở các tổng công ty này, để đảm bảo với các nhà đầu tư với giá điện như vậy, các Genco này có tình hình tài chính lành mạnh sau cổ phần hoá.

Hiện chúng tôi cũng đang tích cực chuẩn bị đấu thầu, chọn nhà thầu tư vấn quốc tế để giúp tập đoàn xác định giá trị doanh nghiệp, chuẩn bị các phương án cổ phần hoá, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.

Vậy tại sao EVN không tách nhỏ các tổng công ty, để cổ phần hoá từng doanh nghiệp có thể dễ đạt mục tiêu hơn?

Quả thực, nếu tách nhỏ các nhà máy để cổ phần hoá thì khả năng tham gia của nhà đầu tư cao hơn vì họ dễ tham gia, kiểm soát rủi ro hơn là đầu tư vào một tổng công ty lớn.

Chúng tôi cũng đã làm việc với một số nhà đầu tư quan tâm đến các dự án BOT điện ở Việt Nam nhưng sơ bộ thì họ cũng chưa mặn mà lắm với việc mua cổ phần của một tổng công ty lớn như vậy. Nhưng nếu thực hiện theo cách đó thì có tình trạng, có nhà máy thì bán được ngay trong khi có những nhà máy khó khăn lại phải để lại.

Thêm dòng tiền, bớt gánh nặng

Ông kỳ vọng gì vào hoạt động cổ phần hoá các tổng công ty này? Liệu nó có làm giảm áp lực về vốn đầu tư rất lớn hàng năm của EVN không?

Nếu cổ phần hoá thành công, sẽ giúp cho EVN thu về khoản tiền nhất định. Như Genco 3 tăng vốn điều lệ thì khi phát hành, bán cổ phần ra, thu được tiền về thì làm giảm gánh nặng vốn của EVN.

Chúng tôi hy vọng lần đầu IPO với Genco có thể giúp thu về 300-400 triệu USD, tức là khoảng 6.000-7.000 tỉ đồng.

Điều quan trọng nữa là sau cổ phần hoá, các tổng công ty này hoạt động theo mô hình quản trị công ty cổ phần, hoạt động năng động và hiệu quả hơn. Khi đó, họ cũng tham gia đầu tư vào dự án mới thì gánh nặng đầu tư mới của EVN cũng giảm đi. Đó là những mục tiêu lớn.

Nhưng, nếu giá điện năm 2015 chưa thị trường hóa được ngay, thì có ảnh hưởng gì đến kế hoạch cổ phần hoá của EVN không, thưa ông?

Tất nhiên. Trong trường hợp việc điều chỉnh giá điện bị chậm thì ảnh hưởng giá điện của EVN mua của các nhà máy điện thì cũng ảnh hưởng nhất định tới quá trình cổ phần hoá.

Việc điều chỉnh để đảm bảo chi phí hợp lý sản xuất điện. Không thể có thị trường khi bán dưới giá thành hợp lý. Tôi tin là dù thế nào, hiện nay, vẫn có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực điện ở Việt Nam vì đến thời điểm nào đó, giá điện sẽ phải theo giá thị trường.

Dẫu sao, đây cũng là lĩnh vực đầu tư tương đối ổn định, lợi nhuận có thể không hứa hẹn ở mức cao nhưng nó không có nhiều biến động, rủi ro như các thị trường khác: tài chính, bất động sản…

Mặc dù có giới hạn về giá điện đã được đưa ra, nhưng giới hạn đó cũng có thể phá vỡ nếu như có biến động?

Đúng là cái này cũng chưa nói trước được, vì giá điện còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Như giá dầu xuống thấp thì chi phí sản xuất điện có thể giảm đi, ngược lại thì có thể tăng lên. Nói chung, giá điện phụ thuộc vào giá của các nhiên liệu sơ cấp: than, xăng dầu, khí…

Theo Hà Anh

PV

VnEconomy

Trở lên trên