Giới thiệu công ty sắp chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng Agrimeco
Tại thời điểm chào bán cổ phần ra công chúng, Agrimeco có hệ hống 3 công ty con, 20 công ty liên kết và đầu tư góp vốn dài hạn vào 4 công ty khác.
Ngày 26/3 tới đây, HNX sẽ tổ chức bán đấu giá lần đầu ra công chúng cổ phần của Tổng Công ty Cơ điện – Xây dựng Nông nghiệp và Thủy lợi – Công ty TNHH MTV (Agrimeco). Chúng tôi giới thiệu sơ bộ về doanh nghiệp này.
Agrimeco có vốn điều lệ 250 tỷ đồng tương ứng phát hành 21,5 triệu cổ phiếu gồm:
Nhà đầu tư chiến lược của công ty là Công ty TNHH 1TV Quản lý quỹ Ngân hàng công thương Việt Nam (35% vốn) và Balkan (19,36% vốn)
Giá khởi điểm trong đợt chào bán 1,29 triệu cổ phần công khai cho các nhà đầu tư là 10.050 đồng/CP. Theo bản phương án bán cổ phần dự kiến, cán bộ công nhân viên, công đoàn sẽ được "mua rẻ" hơn giá đấu thành công 40%.
Ngành nghề kinh doanh chính của Agrimeco là mảng cơ khí, kinh doanh điện, kinh doanh xây dựng, đầu tư thiết bị, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực cơ điện, xây dựng nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy lợi…Ngoài ra, công ty còn kinh doanh tài chính và tham gia thị trường chứng khoán.
Tại thời điểm chào bán cổ phần ra công chúng, Agrimeco có hệ hống 3 công ty con, 20 công ty liên kết và đầu tư góp vốn dài hạn vào 4 công ty khác. Theo kế hoạch cơ cấu của Tổng công ty trong thời gian tới, công ty sẽ giảm số DN liên kết còn 17 công ty và DN đầu tư dài hạn khác chỉ còn lại 1 công ty.
Hơn 54% lao động của Agrimeco là công nhân kỹ thuật, 36,3% có bằng đại học và trên đại học.
- 3 mảng trụ lực: Cơ khí, xây lắp, thương mại. Hoạt động thương mại đã dần dần thay thế mảng doanh thu xây lắp thành mảng kinh doanh mang lại nhiều doanh thu nhất cho công ty trong năm 2011.
- Lương bình quân tăng nhanh. Đến năm 2011, thu nhập bình quân người lao động đạt 10 triệu đồng, tăng mạnh so với con số 4,2 triệu đồng năm 2009.
- Vay nợ ngắn hạn giảm dần. Từ 348 tỷ đồng vay ngắn hạn năm 2009, công ty đã cơ cấu nợ ngoạn mục. Số dư nợ ngắn hạn cuối 2011 còn 170 tỷ đồng, bằng 1/2 năm 2009.
- ROE giảm bất ngờ. Từ mức 32% năm 2009, tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu chỉ còn 18% năm 2011.
- Vòng quay hàng tồn kho đang chậm lại. Từ mức quay vòng hàng tồn kho 2,86 lần năm 2009, tốc độ đã giảm còn 1,92 lần năm 2011.
- Hệ số thanh toán nhanh chưa đạt 0,7 lần. Dù rằng hệ số thanh toán ngắn hạn khá an toàn với 1,08 lần năm 2011 nhưng hệ số thanh toán nhanh của công ty luôn ở ngưỡng 0,6 đến 0,7 lần.
- Đòn bẩy vốn cao. Nợ luôn chiếm trên 80% tổng tài sản. Đây là một mức đòn bẩy vốn cao và tất yếu luôn tiềm ẩn rủi ro.
Sau cổ phần hóa, công ty không có kế hoạch tăng vốn cho đến năm 2012. Tổng số lao động giảm từ 708 người năm 2011 còn 573 người năm 2013. Thu nhập bình quân cũng giảm từ 10 triệu đồng/người/tháng năm 2011 còn 9.793.000 đồng/người/tháng năm 2013.
Cùng với kế hoạch cắt giảm bớt nhân sự, tinh gọn bộ máy, LNTT tăng từ 26,78 tỷ đồng năm 2013 lên 52,3 tỷ đồng năm 2015. Tuy nhiên, phải lưu ý là kế hoạch LNTT năm đầu tiên sau cổ phần hóa là 26,78 tỷ đồng thấp hơn mức thực hiện 31,8 tỷ đồng năm 2011.
Thanh Hiên