MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góp ý Luật Thuế thu nhập DN sửa đổi: 14 năm vẫn một kiến nghị

10-04-2013 - 10:04 AM | Doanh nghiệp

“Mức 23% là vẫn còn cao hơn một số nước, chưa thực sự tạo điều kiện cho các DN tái cơ cấu đầu tư, vượt qua khó khăn, thách thức …”

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý thực hiện lộ trình hai bước: giảm thuế suất phổ thông từ 25% xuống 23%, trong đó có ưu tiên cho DNNVV được hưởng mức thuế suất 20% trước 6 tháng so với thời điểm Luật Thuế TNDN có hiệu lực, và tiến tới đưa về đồng nhất một mức thuế suất 20% vào năm 2016.

Áp một trần cho tất cả DN là không hợp lý

Luật Thuế thu nhập DN (TNDN) hiện hành quy định mức trần chi cho quảng cáo, tiếp thị… không vượt quá 10% tổng chi phí. Dự thảo sửa đổi Luật nâng mức trần này lên 15%, nhưng vẫn chưa thỏa lòng DN. Và các DN cũng chưa đồng tình với mức thuế suất thuế TNDN là 23% (mức hiện hành là 25%) mà dự thảo Luật đưa ra.

Về mức trần chi cho quảng cáo tiếp thị, TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nói: “Trong suốt 14 năm qua ngay từ khi thuế TNDN 2008 còn là dự thảo đã có không biết bao nhiêu đối thoại, kiến nghị từ cộng đồng DN, ý kiến chuyên gia, hội thảo khoa học nhưng vẫn không thông”.

Còn theo PGS-TS. Quách Đức Pháp (Hiệp hội Các nhà đầu tư Tài chính Việt Nam), nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) quy định tỷ lệ khống chế đối với khoản chi phí này không phải là mới, mà nó đã được quy định ngay từ khi ban hành Luật Thuế TNDN năm 1997 (có hiệu lực thi hành từ năm 1999). Tiếp đó là Luật Thuế TNDN ban hành năm 2008 (có hiệu lực từ năm 2009), đã có nhiều ý kiến, kiến nghị gửi lên cơ quan Nhà nước các cấp nhưng chưa được giải quyết.

Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính), TS.Nguyễn Ngọc Tuyến cho biết, nhóm nghiên cứu của viện đã thực hiện điều tra DN tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng). Điều tra cho thấy, việc khống chế trần chi phí quảng cáo chung cho tất cả các DN là không thực tế, không hợp lý đã có “tác động xấu và rất xấu” tới các DN trong nhiều lĩnh vực như: ngân hàng; điện tử tiêu dùng; thực phẩm, đồ uống; mỹ phẩm…

Đây là các ngành mà DN luôn phải đưa ra sản phẩm mới, luôn phải quảng bá thương hiệu, đổi mới nhãn hiệu, mặt hàng…nên cần phải quảng cáo nhiều. Vì vậy cần chia ra các mức khác nhau tuỳ thuộc vào loại hình và lĩnh vực hoạt động chính của DN.

Ông Tuyến cho biết, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số góp ý cho dự thảo, đơn cử: nếu chưa xóa bỏ trần chi phí quảng cáo, tiếp thị thì nên nới rộng trần này. PGS-TS. Quách Đức Pháp cho rằng, nếu khống chế như hiện nay rất dễ dẫn đến việc DN có các biện pháp đối phó, lách luật, biến báo các khoản chi.

Như vậy sẽ gây tác dụng ngược với mong muốn của cơ quan ban hành chính sách. Sau nữa, việc quy định tỷ lệ khống chế như hiện nay lại gây bất lợi nhiều hơn cho các DNNVV. Vì quy mô nhỏ nên với tỷ lệ chi tối đa dù có lên 15%, thì tổng số chi tuyệt đối của họ sẽ nhỏ, rất khó để DNNVV xây dựng thương hiệu.

Một ví dụ điển hình: Tổng số chi phí quảng cáo chưa được tính vào chi phí năm 2009 của 300 DN mà viện ông Tuyến điều tra, lên tới 336,4 tỷ đồng. Đây là những khoản chi chưa có đủ chứng từ hợp lệ, hoặc những khoản chi này đã có đủ chứng từ hợp lệ nhưng do DN thấy tổng số chi phí quảng cáo của mình đã vượt quá mức trần quy định nên chủ động không đưa vào chi phí để tính thuế thu nhập DN. Tình trạng những khoản chi như vậy không được hạch toán vào chi phí đã làm giảm lợi nhuận của DN và gây khó khăn cho công tác hạch toán, kiểm soát nội bộ DN.

Không giảm được 3%, cũng nên giảm 1%

Về quy định mức thuế suất thuế TNDN là 23% trong dự thảo, theo TS. Đinh Thị Mỹ Loan: “Mức 23% là vẫn còn cao hơn một số nước, chưa thực sự tạo điều kiện cho các DN tái cơ cấu đầu tư, vượt qua khó khăn, thách thức …”, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam phát biểu.

Bà dẫn chứng: Nhìn ra thế giới, Singapore và Đài Loan có mức thuế suất thuộc vào nhóm thấp nhất (17%); Hong Kong là 16,5%; Ba Lan giảm từ 30% xuống 19%, Cộng hòa Séc từ 31% xuống 19%… Bà Loan cho biết, Hiệp hội kiến nghị giảm thuế suất phổ thông xuống 20% hoặc ít nhất cũng giảm thêm 1% so với dự thảo, tức là còn 22% để “hỗ trợ mạnh mẽ cho DN trong bối cảnh khó khăn, suy thoái… tạo ra sự cạnh tranh với các nước và có thể thu hút đầu tư mạnh hơn”.

Trước các ý kiến đóng góp, ông Đinh Trịnh Hải - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội (TCNS) phát biểu: “Không phải Chính phủ, Quốc hội không hiểu rõ khó khăn của DN. Ngay khi chưa thể sửa Luật, trong 3 năm gần đây Chính phủ đã trình Quốc hội quyết định nhiều giải pháp miễn, giảm, giãn thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN”.

Ủy ban TCNS là cơ quan thẩm tra dự thảo luật thuế TNDN. Ông cho biết: “Nếu có điều kiện thì Quốc hội giảm ngay, không phải cò kè làm gì”. Tuy nhiên ông Hải cũng viện dẫn: cứ giảm 1% thuế suất, ngân sách sẽ mất hơn 6.000 tỷ đồng. Tính chung các chính sách miễn, giảm, giãn thuế năm 2013 có thể khiến ngân sách hụt thu 30.000 tỷ đồng. Trong khi đó, một trong những nguyên tắc phải tuân thủ khi sửa luật là không ảnh hưởng lớn đến kế hoạch thu ngân sách.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý thực hiện lộ trình hai bước: giảm thuế suất phổ thông từ 25% xuống 23%, trong đó có ưu tiên cho DNNVV được hưởng mức thuế suất 20% trước 6 tháng so với thời điểm Luật Thuế TNDN có hiệu lực, và tiến tới đưa về đồng nhất một mức thuế suất 20% vào năm 2016. Về mức trần 15% chi phí quảng cáo, tiếp thị, ông Hải bật mí: cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính cho rằng, nếu bỏ trần quảng cáo có thể dẫn đến nguy cơ DN nước ngoài có tiềm lực tài chính lớn sẽ tung tiền quảng cáo để đẩy mạnh bán hàng, chèn ép DN trong nước.

Theo Tri Nhân


thunm

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên