MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoàn thuế giá trị gia tăng: Hướng dẫn mới “cởi trói” cho doanh nghiệp

28-10-2013 - 14:54 PM | Doanh nghiệp

Bên cạnh việc hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc nhằm thực hiện hoàn thuế nhanh đối với các DN làm ăn nghiêm chỉnh, văn bản cũng yêu cầu siết chặt thanh tra các DN rủi ro cao về thuế trên địa bàn.

Tạo thuận lợi hơn cho các DN làm ăn nghiêm túc và siết chặt kiểm tra các trường hợp có dấu hiệu bất thường là nội dung quan trong được đề cập tới trong văn bản của Bộ Tài chính liên quan đến việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT).

“Cởi trói” cho DN làm ăn chân chính
Một số DN lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để trục lợi từ việc hoàn thuế gây rối loạn thị trường. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã có Công văn số 7527/BTC-TCT ngày 12/6/2013 và Công văn 9345/BTC-TCT ngày 19/7/2013, về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các DN có dấu hiệu rủi ro cao về thuế. Tuy nhiên, việc triển khai lại làm nảy sinh một số vướng mắc. Theo phản ánh của DN và hiệp hội, DN xuất khẩu thường mua hàng qua nhiều tầng nấc trung gian nên rất khó để kiểm tra những người bán hàng trước. Nếu có kiểm tra thì cũng tốn rất nhiều thời gian, khiến việc hoàn thuế bị chậm trễ.
Sau nhiều kiến nghị, thảo luận với những phương án đề xuất, ngày 15/10/2013 Bộ Tài chính có Văn bản số 13706/BTC-TCT hướng dẫn một số nội dung về hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), trách nhiệm của cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế đối với các DN kinh doanh, tổ chức mua nông, lâm, thủy, hải sản để bán cho DN sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất khẩu... được xem như đã “cởi trói” cho DN.
Cụ thể đối với hồ sơ hoàn thuế GTGT của DN thuộc danh sách “DN xuất khẩu uy tín” năm 2012-2013 do Bộ Công Thương công bố tại Quyết định 2390/QĐ-BCT ngày 15/4/2013 và Quyết định số 4169/QĐ-BCT ngày 24/6/2013 cả trường hợp DN xuất khẩu mặt hàng không phải mặt hàng được công nhận trong danh sách “DN xuất khẩu uy tín” và trường hợp Chi nhánh DN hạch toán phụ thuộc thực hiện xuất khẩu cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau theo quy định. Thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với các DN xuất khẩu nông, lâm, thủy, hải sản đã hoạt động sản xuất, kinh doanh từ 24 tháng tính đến ngày phát sinh hồ sơ hoàn thuế không bị xử phạt về gian lận thuế, trốn thuế gồm tất cả các sắc thuế theo quy định của pháp luật.
Văn bản cũng yêu cầu cơ quan thuế thực hiện giải quyết hoàn thuế chậm nhất không quá 6 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hoàn thuế hợp lệ đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau; và không quá 40 ngày đối với hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau.
Trường hợp đến hạn phải giải quyết hoàn thuế nhưng chưa có đủ kết quả trả lời xác minh của các cơ quan thuế liên quan về kê khai nộp thuế GTGT của các khâu trung gian thì cơ quan thuế hoàn thuế theo quy định cho doanh nghiệp và tổ chức kiểm tra, xác minh sau.
Siết chặt với DN không làm ăn nghiêm chỉnh
Bên cạnh việc hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc nhằm thực hiện hoàn thuế nhanh đối với các DN làm ăn nghiêm chỉnh, văn bản cũng yêu cầu siết chặt thanh tra các DN rủi ro cao về thuế trên địa bàn. Văn bản nêu rõ: Các Cục Thuế có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, thanh tra thuế đối với toàn bộ DN rủi ro cao về thuế ở các khâu kinh doanh (trung gian):
Theo đó, các DN “vào tầm ngắm” là những đơn vị mới thành lập (không quá 24 tháng), doanh thu lớn gấp 5 lần vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, những công ty doanh thu trên 30 tỷ đồng nhưng không kê khai hoặc nộp thuế thấp hơn bình quân ngành hàng cùng loại trên địa bàn; hoặc DN không có cơ sở vật chất liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh như kho hàng hóa; phương tiện vận tải; nguồn nhân lực; cửa hàng;... cũng sẽ bị kiểm tra chặt.
Trường hợp việc xác minh, kiểm tra có dấu hiệu vi phạm của các đối tượng mua bán hàng hóa ở các khâu trước đó, thực hiện thông báo và bàn giao cho cơ quan thuế quản lý DN có liên quan để kiểm tra, xử lý theo đúng qui định pháp luật đối với người nộp thuế vi phạm; không để ảnh hưởng đến người được hoàn thuế khi đã có điều kiện hoàn theo quy định.
Với văn bản nói trên thì việc hoàn trước, hoàn sau và DN nào được hưởng lợi đã rõ. Hy vọng điều này sẽ giúp DN làm ăn chân chính phần nào tháo gỡ khó khăn có động lực thúc đẩy hoạt động kinh doanh./.
Theo Hải Nam

thunm

Báo Kinh tế Việt Nam

Trở lên trên