MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

IFS kiện ANZ: Những bất cập về pháp lý

11-09-2010 - 00:00 AM | Doanh nghiệp

Hợp đồng giữa IFS và ANZ được ký kết vào cuối năm 2007. Vào thời điểm đó, giấy phép của ANZ không có nghiệp vụ bảo lãnh phát hành trái phiếu DN.

Việc Ngân hàng ANZ bị CTCP Thực phẩm Quốc tế (IFS) kiện lên Tòa phúc thẩm liên quan đến hợp đồng bảo lãnh phát hành trái phiếu ký kết từ cuối năm 2007 đang gây sự chú ý của dư luận.

Trong khi phía ANZ cho rằng đã hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng thì IFS lại khẳng định ANZ vi phạm pháp luật khi ký kết hợp đồng bảo lãnh phát hành trái phiếu; việc không thực hiện bảo lãnh phát hành thành công không phải do thị trường tài chính xấu mà do ANZ không đủ điều kiện để thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành trái phiếu.

Báo ĐTCK đã phỏng vấn ông Phan Nguyên Toàn, Luật sư điều hành Công ty Luật LEADCO về một số vấn đề pháp lý bất cập, được cho là đã góp phần gây nên những tranh chấp kiểu như vụ việc trên.

Thưa ông, cả ANZ và IFS đều là những DN có vốn đầu tư nước ngoài và có sự hiểu biết, thượng tôn pháp luật nhất định. Vì sao giữa hai DN lại xảy ra tranh chấp và tiếp tục phải đưa ra phân định tại phiên tòa phúc thẩm? Quy định về bảo lãnh phát hành hiện nay có gì bất cập?

Nghị định số 52/2006/NĐ-CP quy định rõ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có trách nhiệm "phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành và đại lý phát hành trái phiếu" và "Bộ Tài chính quy định tiêu chuẩn của tổ chức bảo lãnh phát hành trái phiếu và công bố công khai hàng năm để DN phát hành trái phiếu và các tổ chức bảo lãnh phát hành trái phiếu thực hiện". Tuy nhiên, đến tháng 1/2008, Bộ Tài chính (BTC) mới ban hành Quyết định số 02/2008/QĐ-BTC giao quyền cho UBCK: "chấp thuận các NHTM đủ điều kiện thực hiện bảo lãnh phát hành trái phiếu" và đến ngày 04/02/2009, tại Công văn số 686/NHNN-CNHN, NHNN mới ban hành văn bản hướng dẫn đối với NHTM "để được thực hiện hoạt động kinh doanh trái phiếu, các NHTM và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được NHNN chấp thuận việc thay đổi nội dung giấy phép hoạt động theo quy định tại tại Điều 31, Luật Các tổ chức tín dụng và phải được UBCK cấp phép hoạt động kinh doanh chứng khoán theo quy định".

Hợp đồng bảo lãnh phát hành trái phiếu DN giữa IFS và ANZ được ký kết vào cuối năm 2007. Vào thời điểm đó, giấy phép thành lập và hoạt động của ANZ không có nghiệp vụ bảo lãnh phát hành trái phiếu DN. Trong khi đó, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, ANZ là chi nhánh ngân hàng nước ngoài, chỉ được thực hiện các nghiệp vụ ghi trong giấy phép thành lập và hoạt động.

Như vậy, vào thời điểm ký hợp đồng bảo lãnh phát hành trái phiếu với IFS, ANZ chưa được NHNN cho phép cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp và cho đến nay, ngân hàng này vẫn chưa được UBCK cấp phép thực hiện nghiệp vụ này. Mặt khác, mặc dù Nghị định số 52/2006/NĐ-CP ra đời trước Luật Chứng khoán, nhưng các quy định liên quan của Nghị định này như việc phát hành, bảo lãnh phát hành, lưu ký, giao dịch, đối tượng mua trái phiếu… đều chịu sự chi phối của Luật Chứng khoán.

Qua vụ việc của IFS và ANZ, theo ông, các DN cần rút ra bài học gì?

Các DN tham gia hoạt động trong TTCK cần tự bảo vệ quyền lợi của mình bằng việc nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật xem mình đã đủ điều kiện hay chưa, đồng thời, phải xem bên cung cấp dịch vụ có đủ điều kiện hay không. Các bên tham gia phải soát xét kỹ trước khi có giao kết vì đây là lĩnh vực mới, rất phức tạp và chịu sự kiểm tra ngặt nghèo của cơ quan quản lý. Bởi trên TTCK, hoạt động hai công ty có liên quan đến rất nhiều NĐT trên thị trường.

Đối với cơ quan nhà nước, các văn bản hướng dẫn thi hành phải đảm bảo kịp thời và có tính thống nhất để các DN khi thực hiện không bị vướng mắc.

Ông nhận thấy trên TTCK gần đây thường phát sinh những dạng tranh chấp như thế nào?

Có rất nhiều tranh chấp xảy ra trên thị trường như tranh chấp giữa các NĐT với bộ phận quản lý DN, chủ yếu là do giao dịch mờ ám của lãnh đạo DN, làm méo mó giá trị thực của CP, dẫn đến quyết định sai lệch của NĐT. Theo quy định, những vị trí chủ chốt trong công ty, khi có giao dịch CP, phải thực hiện công bố thông tin và tuân thủ quy trình, thủ tục một cách chặt chẽ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm quy định này.

Việc vi phạm quy định về công bố thông tin cũng xảy ra ở một số DN chuẩn bị phát hành, tăng vốn. Hoạt động của DN này không hiệu quả, thua lỗ, không đủ điều kiện để phát hành nhưng lại được che dấu, có tác động đến kiểm toán làm sai lệch bức tranh tài chính và triển vọng hoạt động của công ty. Ở chiều ngược lại, có một số công ty làm ăn rất tốt nhưng lại tìm cách che dấu lợi nhuận theo ý chí của nhóm cổ đông nắm cổ phần chi phối. Có thể, họ thực hiện chia lãi trước khi công bố lợi nhuận ra thị trường.

NĐT, nhất là NĐT nhỏ lẻ cần làm gì để bảo vệ mình trước những rủi ro như ông vừa nói?

Tôi nghĩ, NĐT phải nghiên cứu thật kỹ DN mình định đầu tư, không nên đầu tư theo cảm tính, phong trào. Cần căn cứ vào tình hình làm ăn thực tế của DN thông qua bản cáo bạch, kết quả đạt được trong những năm gần nhất và kế hoạch trong năm tiếp theo để đưa ra đánh giá sát thực.

Tuy nhiên, chỉ mình NĐT thật khó tự bảo vệ trước các rủi ro mà cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan giám sát, thanh tra thuộc UBCK. Thời gian qua, những công việc này được thực hiện rất yếu, khiến việc tuân thủ quy định không nghiêm, phát sinh nhiều rủi ro cho NĐT.

Theo Trần Trung

ĐTCK

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên