Khải Toàn - doanh nghiệp kín tiếng đứng sau thương vụ mua lại VNECO
Đối với doanh nghiệp chuyên về thiết bị điện như Khải Toàn (KTG) thì việc đầu tư vào một doanh nghiệp xây lắp công trình điện lớn như VNECO dường như là cơ hội tốt để gia tăng chuỗi giá trị.
- 19-03-2015Hé lộ cổ đông cá nhân gom cổ phiếu VNE từ SCIC
- 18-03-2015VNE giao dịch thỏa thuận "khủng" 18,9 triệu cổ phiếu: SCIC đã thoái thành công?
- 16-03-2015Mua 3 triệu cổ phiếu, Chứng khoán VCBS trở thành cổ đông lớn của VNE
Ngày 18/3, SCIC đã hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ 18,9 triệu cổ phiếu VNE của Tổng CTCP Xây dựng điện Việt Nam, thu về 255 tỷ đồng. Số cổ phiếu trên - tương đương 30% cổ phần của VNECO - đã được sang tên cho CTCP Khải Toàn (17,17% cổ phần) và bà Đinh Thị Bích Phượng (12,55%).
Là một cái tên có phần "lạ lẫm" nhưng các thương hiệu, sản phẩm của CTCP Khải Toàn (Tập đoàn KTG) lại có một vị thế đáng kể trong ngành thiết bị điện và thiết bị chiếu sáng.
Cùng hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan đến ngành điện, việc KTG đầu tư vào VNECO không chỉ là thương vụ đầu tư tài chính thông thường mà đằng sau đó có thể còn có những tính toán nhằm liên kết chuỗi giá trị.
Cơ cấu cổ đông của VNECO
Doanh nghiệp kín tiếng trên thị trường thiết bị điện
Thành lập từ năm 1994 với vai trò là công ty phân phối thiết bị điện Clipsal (Úc), bắt đầu từ năm 1996, KTG thực hiện chiến lược mua thương hiệu nhượng quyền và chuyển giao công nghệ. AC Electrical Accessories Limited Singapore là đối tác đầu tiên chuyển giao cho KTG thương hiệu AC. Sau AC là Comet và Silex.
Bên cạnh việc sở hữu và kinh doanh 3 nhãn hiệu thiết bị điện này, KTG vẫn là nhà phân phối cho các hãng thiết bị điện nước ngoài nổi tiếng như Hager, Osram, Mitsubishi…
Sau đó, KTG có thêm nhiều động thái nhằm gia tăng vị thế trên thị trường thiết bị điện. Năm 2000, KTG thành lập nhà máy sản xuất dây Cáp điện tại Từ Liêm – Hà Nội. Năm 2001, liên doanh sản xuất công tắc, ổ cắm tại Wenzhou – Trung Quốc.
Năm 2006, KTG trở thành đối tác liên doanh chính thức của công ty hệ thống công nghiệp LG Vina chuyên sản xuất cáp điện, vật tư thiết bị trạm điện. Ngay trong năm sau, KTG lại liên kết với Nhựa Tiền Phong (NTP) thành lập CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía nam chuyên sản xuất ống nhựa. KTG còn đầu tư vào CTCP Dây điện và phích cắm Trần Phú.
Năm 2013, công ty bắt đầu phát triển ngành hàng Led Comet và năm 2014 thì chính thức được Osram (Đức) bổ nhiệm là nhà phân phối độc quyền nhóm sản phẩm Led.
Đến nay, Tập đoàn KTG đã có danh mục sản phẩm thiết bị điện rất đa dạng như nhóm sản phẩm cơ điện trong một dự án xây dựng, từ ống luồn dây điện, thiết bị điện (ổ cắm, tủ điện, thiết bị chiếu sáng…) đến thang máng cáp điện, đồ gia dụng…
Mặc dù tạo được chỗ đứng nhất định trong ngành nhưng do ít xuất hiện trên truyền thông nên KTG ít được biết đến so với những doanh nghiệp cùng ngành như LiOA, Rạng Đông hay Điện Quang.
Các thương hiệu KTG đang kinh doanh và phân phối
Mua VNECO – Một bước mở rộng thị trường của KTG?
VNECO là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực xây lắp các công trình hệ thống lưới điện và trạm biến áp điện đến 500KV, các công trình nguồn điện, công trình công nghiệp và dân dụng.
Sau vài năm hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả thấp, kết quả kinh doanh của VNECO đã cải thiện đáng kể trong năm 2014 với doanh thu tăng 19% lên 1.035 tỷ và lợi nhuận sau thuế tăng gần 6,4 lần lên 97 tỷ đồng.
Đối với doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh thiết bị điện như Tập đoàn KTG thì việc đầu tư vào một doanh nghiệp xây lắp công trình điện như VNECO dường như là cơ hội tốt để mở rộng thị trường cung cấp thiết bị điện công nghiệp của KTG.
Các sản phẩm hiện tại của KTG đã đáp ứng đầy đủ cho một công trình xây dựng về thiết bị gia dụng, dân dụng, thiết bị điện công nghiệp nhẹ nhưng ông Đặng Trọng Ngôn – Tổng giám đốc của KTG từng phát biểu trên truyền thông cho biết công ty này sẽ không ngừng liên kết đầu tư vào các nhà máy sản xuất thiết bị điện và mở rộng danh mục sản phẩm.
Ngoài ra, KTG cũng có một công ty chuyên đầu tư bất động sản là KTG Land. Còn Vneco đã đầu tư vào nhiều dự án bất động sản, đem lại khoản doanh thu 56 tỷ trong năm 2013 và 38,6 tỷ trong năm 2014. Đây cũng là một sự “đồng điệu” nữa của hai doanh nghiệp này.
Mục đích của Tập đoàn KTG khi đầu tư vào Vneco là gì? Một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thiết bị điện khi kết hợp với một doanh nghiệp xây lắp công trình điện, liệu có thể tạo ra sự bùng nổ cho cả 2 doanh nghiệp hay không? Tổng giám đốc KTG Đặng Trọng Ngôn đã hứa sẽ “bật mí” trong một thời gian gần.
>> Công ty Khải Toàn đã nhận gần 11 triệu cổ phần VNE từ SCIC
Bảo Ngọc
Trí Thức Trẻ