MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiện bán phá giá, doanh nghiệp lợi nhiều hơn hại

19-09-2014 - 17:26 PM | Doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp thường ngần ngại đưa vụ việc ra tòa bởi sợ "được vạ thì má đã sưng". Tuy nhiên, khi thắng trong vụ kiện bán phá giá, doanh nghiệp (DN) khởi kiện được hưởng rất nhiều lợi ích về kinh tế.

Không mất phí kiện bán phá giá

Năm 2004, Pháp lệnh Chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam ra đời. 10 năm sau Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương tiếp nhận vụ kiện đầu tiên đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội được nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia. Kết thúc vụ kiện, nguyên đơn là những công ty sản xuất thép cán nguội không gỉ của Việt Nam thắng kiện.

“Khác với các vụ kiện hành chính thông thường, khi đâm đơn khởi kiện các công ty bán phá giá, nguyên đơn không phải nộp bất kỳ khoản phí nào cho cơ quan Nhà nước từ đầu đến cuối vụ việc. Bởi đây là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước”, bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng Phòng điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp trong nước, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương khẳng định.
Bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng Phòng Điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại của DN trong nước - Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương.

Tuy nhiên, để đạt được kết quả tốt nhất cho vụ kiện, DN cần thuê luật sư. Chi phí thuê luật sư tùy theo mức độ, độ lớn của vụ kiện, quy mô thị trường cũng như tùy vào mức độ chuẩn bị của DN. “Theo tôi, chi phí cho việc mời luật sư, theo đuổi vụ kiện chắc chắn nhỏ hơn kết quả DN đạt được trong trường hợp thắng lợi. Bởi một khi đã có áp thuế chống bán phá giá sẽ áp thuế trong vòng 5 năm và trong 5 năm ấy các DN có đủ điều kiện để tái phúc lợi DN, phục hồi sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình”, bà Giang tâm sự.

Theo chia sẻ của bà Giang trong trường hợp DN trong nước thấy DN nước ngoài có dấu hiệu bán phá giá vào Việt Nam, gây thiệt hại đối với mình thì DN ấy cần thu thập thông tin về mặt hàng nhập khẩu đó. Cách lấy thông tin nhanh nhất, chính xác nhất chính là thông qua bạn hàng của mình. Bên cạnh đó là kênh thông tin qua những doanh nghiệp trong hiệp hội, cơ quan quản lí Nhà nước và thị trường.

“Việc làm này giúp DN có thể biết sơ bộ giá bán của các DN nhập khẩu tại thị trường Việt Nam cũng như tại nước sở tại. Từ đó, DN có được nhận định sơ bộ ban đầu xem DN nước ngoài có bán phá giá vào Việt Nam hay không. Khi có những thông tin cơ bản trên, DN liên hệ với cục Quản lí cạnh tranh – Bộ Công thương để được tư vấn, cùng so sánh tài liệu... để khởi kiện”, bà Giang chia sẻ.

Cần chỉnh sửa pháp lệnh chống bán phá giá

Từ thực tiễn vụ kiện của một vụ điều tra kiện chống bán phá giá, bà Giang cho rằng Pháp lệnh Chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã có chỗ cần phải sửa đổi. Bởi Pháp lệnh được xây dựng từ trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) nên một số quy định của Việt Nam không phù hợp với Hiệp định chống bán phá giá của WTO. Bên cạnh đó, Pháp lệnh Chống bán phá giá được xây dựng đến nay đã 10 năm nên một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Châu Giang cho biết cần phải sửa đổi thời gian áp thuế theo kết luận sơ bộ và quy định về xác định thiệt hại... “Vụ kiện bán phá giá thép cán nguội không gỉ có thực trạng: trong khoảng thời bị áp thuế chống bán phá giá sơ bộ, các doanh nghiệp tạm thời dừng nhập khẩu. Thế nhưng ngay khi kết thúc giai đoạn áp thuế chống bán phá giá sơ bộ (3 tháng không bị áp thuế), các DN lập tức nhập khẩu ồ ạt, gây ảnh hưởng đến các DN trong nước… Do đó, cần kéo dài quãng thời gian áp thuế chống bán phá giá sơ bộ."

Bà Giang cũng khuyên các DN Việt cần chủ động trong việc đăng kí làm bên liên quan để khi có vụ việc xảy ra có thể tiếp cận hồ sơ. Thực tế rất nhiều DN không Việt không đăng kí, không quan tâm, chỉ đến khi quyền lợi của mình bị ảnh hưởng, đến Cục cạnh tranh để xin được xem hồ sơ của ông A, B hay tài liệu gì đó thì đã muộn, bởi đó là tài liệu mật, chỉ được tiếp cận khi đăng kí là bên liên quan từ đầu./.

Theo Vân Thanh

thunm

Báo Pháp luật

Trở lên trên