MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lấy lại 708 tỷ đồng từ EVN Telecom, FPT có 3,5 nghìn tỷ đồng tiền mặt

15-01-2012 - 08:58 AM | Doanh nghiệp

Công ty Cổ phần FPT đã lấy lại được toàn bộ 708 tỷ đồng số tiền đặt cọc cho thương vụ mua EVN Telecom “hụt”, nâng số tiền mặt hiện có lên khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng.

Thông tin trên được Công ty Cổ phần Chứng khoán Tp.HCM (HSC) đề cập trong bản tin chứng khoán cuối tuần này. Số tiền 708 tỷ đồng đó FPT xác nhận đã nhận lại toàn bộ trong tháng 12/2011.

Theo HSC, nguồn tiền trên sẽ không có ảnh hưởng về mặt kế toán đối với kết quả kinh doanh năm 2011 của FPT do được đặt cọc và lấy lại trong cùng năm 2011. Tuy nhiên, điều này sẽ làm tăng khoản mục tiền mặt của công ty trên bảng cân đối kế toán vào cuối năm 2011 và sẽ đóng góp vào lợi nhuận tài chính cho công ty trong năm nay.

Cụ thể, nhờ lấy lại được khoản tiền đặt cọc, hiện tại FPT có khoảng 3,5 nghìn tỷ tiền mặt.

Khoản tiền 708 tỷ đồng nói trên cũng là sự kiện nổi bật của FPT trong năm 2011, khi thương vụ mua 60% cổ phần EVN Telecom không thành. Việc thu hồi số tiền đặt cọc kéo đó dài từ tháng 4 cho đến tháng 12/2011; thậm chí thị trường đã có sự hoài nghi về khả năng có lấy lại được toàn bộ hay không...

Ngoài thông tin trên, bản tin HSC cũng cho biết FPT đang hoàn tất thương vụ mua một công ty băng thông rộng của Campuchia. Tuy nhiên, giá trị thương vụ này chưa đến 1 triệu USD và dự kiến sẽ đem lại doanh thu 4 triệu USD trong năm 2012.

“Thị trường internet của Campuchia còn nhỏ và thương vụ nói trên chỉ được coi là bước thử nghiệm cho sự mở rộng ra thị trường khu vực của FPT. Chúng tôi cho rằng mảng viễn thông của FPT đặc biệt cần mở rộng ra ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán sát nhập để tạo ra tăng trưởng trong bối cảnh FPT thiếu hẳn mảng viễn thông di động trong khi thị trường internet băng thông rộng nội địa đã bão hòa”, HSC bình luận.

Công ty chứng khoán này cũng dự báo FPT sẽ đạt 2.567 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng trưởng 27%) trong năm 2011, thấp hơn 2% so với kế hoạch.

Con số dự báo đó đạt được nhờ mảng phân phối điện thoại khi Nokia thay đổi chính sách phân phối và FPT là nhà phân phối độc quyền tại khu vực miền Bắc; nhu cầu từ thị trường Nhật Bản đối với các sản phẩm gia công phần mềm của Fsoft mặc dù rõ ràng có sự tăng trưởng chậm lại của các thị trường khác; dịch vụ trực tuyến của Ftel (chủ yếu là trò chơi trực tuyến và quảng cáo trực tuyến); và thu từ mảng giáo dục.

Theo Kim Ngân
 VnEconomy

thanhhuong

Trở lên trên