Một đế chế như Nokia cũng phải bán mình vì lý do này
Đôi khi bạn tự hỏi vì sao một đế chế như Nokia cũng đã phải bán mình. Liệu điều này có xảy ra với chính bạn?
- 26-02-2016Tại sao Uber vẫn chưa lên sàn?
- 17-02-2016Uber lỗ hơn 1 tỷ USD mỗi năm tại Trung Quốc
- 28-01-2016Uber và Grab: "Nhất bên trọng, nhất bên khinh"
“Chúng tôi không làm sai điều gì, nhưng không hiểu sao chúng tôi lại thua.”
Đó là câu hỏi đầy cay đắng của CEO Nokia khi công ty bị mua lại bởi Microsoft. Nguyên nhân không có gì quá khó hiểu. Có thể thấy, đế chế điện thoại di động một thời này đã giữ mãi phương thức kinh doanh cũ trong khi thế giới không ngừng thay đổi, và đối thủ thì ngày càng trẻ khỏe. Phương thức ấy chỉ giúp Nokia thành công trong quá khứ.
Câu hỏi này cũng có thể lặp lại với bất kỳ doanh nghiệp nào nếu họ từ chối học hỏi, từ chối cải tiến rồi rơi vào cảnh tụt hậu và bị đào thải.
Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam là dẫn chứng tiêu biểu cho sự chậm cải tiến. Ví dụ như ngành khai khoáng, sau bao nhiêu năm hầu hết vẫn đơn thuần là “đào tài nguyên lên bán”. Vì thế, khi nhà nước cấm xuất khẩu khoáng sản thô thì các doanh nghiệp đều rơi vào cảnh khó khăn với kết quả kinh doanh bết bát triền miên.
Trong ngành vận tải, đường sắt đang được nhắc đến như là biểu tượng của sự trì trệ với “tư duy độc quyền, bao cấp” và là loại hình vận tải kém cạnh tranh nhất. Các cuộc cổ phần hóa các doanh nghiệp ngành đường sắt cũng diễn ra khá im lặng với tỷ lệ thành công không cao.
Còn rất nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành đang ở tình trạng chậm thay đổi như vậy. Trong khi đó, các đối thủ đến từ nước ngoài thì ngày càng nhiều và khỏe.
Tại một lần gặp gỡ mới đây, ông Đặng Việt Dũng – CEO của Uber Việt Nam rất tự hào khi kể về nhận diện thương hiệu mới của công ty. Bốn năm trước, UBer lần đầu tiên thay thế biểu tượng Uber màu đỏ (được sử dụng từ khi thành lập) bằng huy hiệu màu đen. Sự thay đổi này mang ý nghĩa: từ một dịch vụ xe hơi riêng “dành cho 100 người bạn” tại San Francisco, Uber đã trở thành một mạng lưới công nghệ kết nối vận tải bao trùm 400 thành phố tại 68 quốc gia.
Logo mới nhất của Uber theo lời của ông Dũng, là một logo rất ý nghĩa. Nó biểu thị khái niệm về đơn vị nhị phân – đơn vị cơ bản của thế giới số.
Theo Uber, thay đổi lớn trong những năm qua không chỉ là việc họ đã đem lại giải pháp công nghệ hỗ trợ người dân di chuyển mà còn là những giải pháp công nghệ kết nối vận tải đa dạng từ thực phẩm đến hàng hóa. Dịch vụ Công nghệ là chìa khóa của Uber, vậy nên họ sử dụng đơn vị nhị phân để xây dựng logo cho mình.
Nói về logo mới của công ty này chỉ là một cách thể hiện rằng dù còn khá trẻ nhưng họ đã 3 lần thay đổi nhận diện thương hiệu, tương ứng 3 lần nhảy vọt về dịch vụ cung ứng. Sự thay đổi đem đến cho Uber khả năng tiếp cận với khách hàng tại Việt Nam rộng hơn. Trước đây, dịch vụ Uber Black "đắt đỏ" chiếm phần lớn doanh thu cò ngày nay, doanh thu thuộc về dịch vụ "bình dân" Uber X.
Chính vì thế, xuất hiện chưa lâu tại Việt Nam song Uber đã khiến cho các hãng taxi hàng đầu cũng phải tích cực chuyển động hơn. Tích cực nhất là Vinasun khi nhanh chóng xây dựng ứng dụng gọi taxi tiện lợi trên smartphone để kịp cạnh tranh với các ứng dụng như Uber. Sự thức thời của Vinasun được đón nhận nhiệt liệt vì đó là sự cải tiến đúng đắn và cực kỳ cần thiết.
Ông Đặng Việt Dũng khẳng định rằng: Không có doanh nghiệp nào có thể tồn tại mà không phải thay đổi. Nếu không thay đổi, một đế chế như Nokia cũng đã phải bán mình.