MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một năm sau IPO, ai đang sở hữu các Tổng Công ty Cienco?

01-06-2015 - 09:55 AM | Doanh nghiệp

Dù không phải phiên IPO nào của các Tổng công ty xây dựng cũng hấp dẫn nhà đầu tư nhưng việc IPO đã chỉ ra cho thị trường nhìn thấy được phần nào vị thế của các Cienco, đồng thời tạo điều kiện cho những nhà đầu tư mới “nhảy” vào làm chủ.

Một năm trước, một loạt các Tổng công ty xây dựng thuộc Bộ Giao thông vận tải đã được cổ phần hóa. Phụ trách nhiều dự án hạ tầng quan trọng của Việt Nam, các doanh nghiệp này có một vị thế lớn trong ngành, đồng thời còn được ưu ái trong việc cấp vốn vay nước ngoài từ Chính Phủ.

Dù không phải phiên IPO nào cũng hấp dẫn nhà đầu tư và bán hết 100% số cổ phần đưa ra đấu giá nhưng việc IPO đã chỉ ra cho thị trường nhìn thấy được phần nào tình hình hoạt động của các Tổng công ty xây dựng, đồng thời tạo điều kiện cho những nhà đầu tư mới “nhảy” vào làm chủ.

Có thể thấy sự hấp dẫn của Cienco 1 và Cienco 4 vượt trội so với các Cienco khác khi là các đơn vị có nhiều dự án nhất cùng quy mô tài chính lớn hơn hẳn. Doanh thu hàng năm của Cienco1 và Cienco4 đều đạt trên 4.000-5.000 tỷ đồng trong khi các doanh nghiệp còn lại chỉ đạt từ 1.000-2.000 tỷ đồng.

“Hàng ngon” bán hết veo và những ông chủ mới

Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) được IPO vào ngày 21/03/2014 với 16.183.500 cổ phần và mức giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần – chiếm 23,12% vốn điều lệ dự kiến. Toàn bộ số cổ phần chào bán đã được bán hết với giá bình quân 10.009 đồng/cổ phần, thu về hơn 161 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2014, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục thoái toàn bộ 35% vốn nhà nước cho các nhà đầu tư.

Hiện cổ đông lớn nhất của Cienco1 là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh (nắm 35,58%). Công ty HASSYU Nhật Bản nắm 11%. CTCP Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm Fecon cũng góp phần với 10% và CTCP hạ tầng Fecon thêm 6,77%.  Cổ đông lớn cuối cùng là Công ty TNHH Thiết bị Xây dựng Hồng Hà với 3,49%.

 

Theo Nghị quyết ĐHCĐ thường niên của Cienco 1, Tổng công ty có kế hoạch niêm yết trên HNX vào ngày 01/10/2015, nếu không đủ điều kiện, sẽ niêm yết trên Upcom trước.

Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) IPO vào ngày 25/03/2014, cũng có giá khởi điểm 10.000 đồng. Cienco 4 thể hiện sự hấp dẫn của mình với lượng cổ phần đặt mua nhiều gấp 2,6 lần số lượng cổ phần đưa ra đấu giá. Và theo đó, toàn bộ số cổ phần đưa ra đấu giá đã được bán hết với giá bình quân là 14.047 đồng/cổ phần (cao hơn 40,47% so với giá khởi điểm), thu về cho Cienco 4 hơn 226,5 tỷ đồng, trong đó có 65,3 tỷ đồng thặng dư vốn.

Bên cạnh lượng đấu giá, Cienco 4 còn bán 26,5% cổ phần cho 2 cổ đông chiến lược là CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc (16,5%) và Ngân hàng SHB (10%).

Hơn nửa năm sau phiên IPO này, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định bán nốt toàn bộ 35% cổ phần tại Cicenco 4. Toàn bộ 21 triệu cổ phiếu mà Bộ GTVT nắm giữ được bán thỏa thuận trọn lô với giá khởi điểm 14.062 đồng/cổ phiếu cho CTCP Đầu tư Tuấn Lộc.

Như vậy, Công ty Tuấn Lộc đã sở hữu 51,5% cổ phần của Cienco 4.

 

Mới đây, Cienco 4 đã có quyết định phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu năm 2015 theo 2 đợt để tăng vốn từ 600 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng.

Trước ngày IPO của Cienco 4 một ngày là phiên đấu giá bán 12.305.300 cổ phần lần đầu ra công chúng của Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long. Toàn bộ số cổ phần đưa ra đấu giá đã được bán hết với giá bình quân là 21.007 đồng/cổ phần. Tổng giá trị thu về được xấp xỉ 258,5 tỷ đồng, thu về hơn 135,4 tỷ đồng thặng dư vốn.

Vừa qua, Tổng công ty Thăng Long đã phát hành riêng lẻ 20 triệu cổ phiếu và đã bán được 11,9 triệu đơn vị – chiếm 59,54% tổng số cổ phiếu dự kiến chào bán với giá bán 12.075 đồng/cp.

Trong đợt chào bán này, CTCP Tasco (mã: HUT ) đã mua 11 triệu cổ phiếu, nâng số lượng sở hữu từ 3.838.949 cổ phần lên 14.838.949 cổ phần tương đương 35,41% vốn điều lệ. Ông Phạm Quang Dũng – Chủ tịch HĐQT của Tasco cũng mua 300.000 cổ phần tương đương 0,72%.

Sau đợt chào bán riêng lẻ này, Bộ GTVT chỉ còn nắm 25% vốn cổ phần của Tổng Công ty Thăng Long – CTCP.

Như vậy,  tổng tỷ lệ sở hữu của Tasco, ông Phạm Quang Dũng – Chủ tịch HĐQT của Tasco và người thân là bà Phạm Thị Nhài (con gái), ông Phạm Thế Hùng (con trai), ông Mai Trọng Thịnh (con rể) được nâng lên mức 56%. Ông Phạm Quang Dũng hiện cũng là Chủ tịch HĐQT của Tổng công ty Thăng Long.

Những Cienco ế ẩm

Không thành công như vậy, các phiên IPO của Cienco 5, Cienco 6 và Cienco 8 đều không bán hết cổ phần đấu giá.

Cụ thể, vào ngày 24/03/2014, Cienco 5 chào bán hơn 14,2 triệu cổ phần với giá 10.000 đồng/cổ phần, chiếm 32,38% vốn điều lệ. Tổng công ty này chỉ bán được 1,9 triệu cổ phần tương đương 13,4% và giá đấu thành công bình quân là 10.025 đồng/cổ phần.

Trước đó, ngày 21/03/2014, Cienco 6 IPO với tổng số lượng cổ phần đưa ra đấu giá là 28.724.100 cổ phần, tương đương 47,87% vốn điều lệ, mức giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần. Số lượng bán được chỉ chưa đầy 1,2 triệu cổ phần.

Tương tự, vào ngày 06/05/2014, Cienco 8 đưa ra đấu giá hơn 10 triệu cổ phần nhưng chỉ bán được 37.000 cổ phần, tức hoàn thành 0,37% kế hoạch IPO.

Sau các đợt IPO này, cho đến nay, tại Cienco 5, cổ đông lớn nhất vẫn là Bộ Giao thông vận tải với tỷ lệ sở hữu 63,18%. Bộ GTVT cũng là cổ đông lớn nhất của Cienco 6 với tỷ lệ nắm giữ tới 92,88%, một cổ đông khác là ông Trần Quang Việt / Công ty TNHH Thương mại Trung Chính nắm 5,08%. Tương tự, tại Cienco8,  Bộ GTVT vẫn nắm 72,77% và là cổ đông lớn nhất, bên cạnh đó PVV cũng góp vào 7,6%.

 

 

Bảo Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên