MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngỡ ngàng với phí môn bài!

19-03-2016 - 23:45 PM | Doanh nghiệp

Không những không bãi bỏ như đề nghị của nhiều doanh nghiệp, thuế môn bài được chuyển đổi sang lệ phí môn bài và còn tăng mức thu lên 3 lần - theo dự thảo nghị định của Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến

Dự thảo nghị định chuyển đổi thuế môn bài thành lệ phí môn bài, đồng thời tăng mức thu lên gấp 3 lần của Bộ Tài chính đang vấp phải sự phản ứng của đông đảo doanh nghiệp.

Tăng để phù hợp mức lương tối thiểu

Hiện nay, thuế môn bài được thu theo 2 đối tượng với mức thu khác nhau. Đối tượng thứ nhất là doanh nghiệp (DN), phải nộp thuế theo 4 mức, tương đương số tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng/năm, căn cứ vào vốn đăng ký kinh doanh.

Đối tượng thứ hai là các hộ gia đình và cá nhân kinh doanh, nộp thuế theo 6 mức, từ 50.000 đồng đến 1 triệu đồng/năm, căn cứ vào mức thu nhập một tháng. Trong đó, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có thu nhập dưới 300.000 đồng/tháng cũng phải nộp 50.000 đồng thuế môn bài hằng năm.

Theo dự thảo nghị định của Bộ Tài chính, nhà nước sẽ không thu thuế môn bài mà chuyển thành lệ phí môn bài và mức thu cũng được điều chỉnh. Đối với DN, lệ phí môn bài vẫn chia thành 4 bậc nhưng mức thu cao nhất tăng lên 10 triệu đồng, mức thu thấp nhất là 2 triệu đồng/năm. Đối với hộ gia đình và cá nhân, lệ phí môn bài được rút gọn xuống còn 2 bậc căn cứ vào doanh thu một năm và mức doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp thuế. Như vậy, lệ phí môn bài được điều chỉnh tăng gấp khoảng 3 lần so với thuế môn bài.

Diễn giải cho sự thay đổi này, Bộ Tài chính đưa ra một số lý do. Theo đó, thuế môn bài của hộ kinh doanh chia thành 6 mức thu nên hằng năm, căn cứ vào thu nhập trung bình một tháng, chi phí hành thu cao lại dễ bị bỏ sót, không phát huy hết chức năng kiểm đếm số lượng cơ sở kinh doanh. Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân, cá nhân có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng, dưới 16,2 triệu đồng/tháng nếu có 2 người phụ thuộc cũng không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Trong khi đó, hộ kinh doanh có thu nhập 300.000 đồng/tháng cũng phải nộp thuế môn bài là không phù hợp.

Bên cạnh đó, thuế môn bài xây dựng căn cứ theo mức lương tối thiểu năm 2002 là 290.000 đồng/tháng. Hiện nay, mức lương tối thiểu đã lên 1,15 triệu đồng (từ ngày 1-5 tăng lên 1,21 triệu đồng) nên việc xác định bậc thuế môn bài không phù hợp với sự thay đổi của tiền lương.

Có thể ảnh hưởng đến tâm lý xã hội

Đáng lưu ý là Bộ Tài chính đề xuất tăng lệ phí môn bài trong bối cảnh Chính phủ đã có chủ trương miễn giảm thuế để hỗ trợ cho cộng đồng DN. Đặc biệt, vào tháng 10-2014, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, trong đó có nội dung bỏ thuế môn bài.

Từng đề xuất bỏ thuế môn bài và không chuyển khoản thuế này thành lệ phí vì DN đã nặng gánh thuế, phí tại diễn đàn Quốc hội vào tháng 6-2015, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam) bày tỏ băn khoăn khi Bộ Tài chính vẫn giữ quan điểm thu lệ phí môn bài.

Theo bà, bản chất khoản thu này là phí nhưng cần xem xét nó phục vụ gì cho DN. Phải làm sao cho biểu phí và lệ phí Quốc hội thông qua không làm phát sinh thêm phí và lệ phí dân phải chịu.

“Tôi không cho rằng lệ phí môn bài phải căn cứ vào lương tối thiểu. Tôi cũng không cho rằng cần duy trì loại phí này để kiểm kê, kiểm soát số lượng vì đây là chức năng của cơ quan cấp phép kinh doanh, không phải của cơ quan thuế. Cần đánh giá kỹ tác động tăng thu của lệ phí môn bài đến ngân sách nhà nước và mức độ ảnh hưởng đến hoạt động của DN.

Khoản thu này đóng góp vào ngân sách không lớn nhưng có thể ảnh hưởng đến tâm lý xã hội. Giảm được thuế, phí và thủ tục hành chính, DN có thể hoạt động tốt hơn. Theo tôi, trước khi quyết định thu lệ phí môn bài, Bộ Tài chính phải lấy ý kiến DN - đối tượng bị tác động của chính sách, đây là quy định chung” - bà Hường đề nghị.

Ông Lư Nguyên Xuân Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP XNK N.P.T:

Có cảm giác như bị lừa…

Trong khi Chính phủ có chủ trương miễn thuế để hỗ trợ cộng đồng DN, hướng tới bỏ thuế môn bài thì dự thảo của Bộ Tài chính lại đề xuất chuyển thuế môn bài thành lệ phí môn bài và tăng mức thu lên gấp 3 lần. Số thuế (hay phí) môn bài thực ra không lớn, không tác động nhiều đến DN, trừ những đơn vị đang quá khó khăn, “nằm” chờ chết. Nhà nước cần tăng thu để tăng nguồn cho ngân sách thì DN có thể chấp nhận được nhưng cách làm của Bộ Tài chính khiến DN bị sốc.

DN có cảm giác đang bị đánh lừa khái niệm từ thuế thành phí, bản chất là khoản thu đó không được bỏ đi mà còn tăng thêm, vậy đổi tên thuế thành phí vì mục đích gì? Thà rằng Bộ Tài chính cứ nói thẳng là mức thuế môn bài hiện tại đã lạc hậu, cần điều chỉnh tăng lên thì DN dễ chấp nhận hơn.

Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty Tư vấn thuế Sài Gòn:

Ảnh hưởng tâm lý người kinh doanh

Nếu các khoản thuế khác phải chờ DN quyết toán thuế xong mới thu thì thuế môn bài là khoản thu cố định mà DN buộc phải đóng từ đầu năm, không cần biết năm đó làm ăn lời lỗ thế nào. Vì vậy, khoản thu này gọi là thuế là chưa đúng, giờ Bộ Tài chính muốn sửa thành lệ phí môn bài thì đúng về định nghĩa.

Thu từ thuế (hay phí) môn bài không lớn, ít tác động đến nguồn thu ngân sách nhưng sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý người kinh doanh. Khoản thu này bắt buộc đối với người kinh doanh, kể cả người buôn bán nhỏ, tiểu thương ở chợ, những người buôn gánh bán bưng nên dù là thấp vẫn ảnh hưởng đến họ.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan:

Thu vì mục đích gì?

Không bàn đến số tiền phải đóng nhiều hay ít, nếu đó là khoản thu chính đáng, cần thiết, đúng trách nhiệm thì dẫu có nhiều hơn, DN cũng sẵn sàng đóng; còn nếu khoản thu đó thấp nhưng không cần thiết thì DN vẫn phản đối. Đối với phí môn bài dự kiến sắp thu, DN cần Bộ Tài chính làm rõ mục đích của khoản phí đó phục vụ cái gì, đóng góp gì cho xã hội hay chỉ là một hình thức tận thu cho ngân sách nhà nước?

Năm 2014, chính Bộ Tài chính đề xuất bỏ thuế môn bài, bây giờ thì đòi tăng thu lên gấp 3 lần. Cách làm của Bộ Tài chính trong dự thảo về thuế môn bài lần này khiến DN cảm thấy hụt hẫng, càng làm cho DN mất niềm tin vào tính nhất quán của chính sách nhà nước.

Thanh Nhân ghi

Theo Tô Hà

Người Lao động

Trở lên trên