MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà máy xử lý nước thải Sonadezi Long Thành xả thải thẳng ra sông

08-08-2011 - 07:10 AM | Doanh nghiệp

Sonadezi Long Thành xả khoảng 9.300m3 nước thải không đạt tiêu chuẩn (thu gom từ 42 doanh nghiệp) vào môi trường.

Với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, nhà máy xử lý nước thải khu công nghiệp Long Thành, Đồng Nai (viết tắt: Sonadezi Long Thành) ví như một “cảnh sát môi trường” và từng được vinh danh là doanh nghiệp điển hình bảo vệ môi trường, nhưng rạng sáng ngày 4.8 vừa qua, Sonadezi Long Thành đã bị bắt quả tang xả hàng ngàn mét khối nước thải ra sông Đồng Nai.

Liệu các cơ quan chức năng có xử lý dứt điểm những hành vi vi phạm của Sonadezi Long Thành khi bộ luật Hình sự đã sửa đổi, bổ sung các điều khoản về tội phạm môi trường?

Thêm một Vedan giết sông

Từ việc cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) bộ Công an bắt quả tang cho thấy, chỉ trong một đêm, Sonadezi Long Thành xả khoảng 9.300m3 nước thải không đạt tiêu chuẩn (thu gom từ 42 doanh nghiệp) vào môi trường. Kiểm tra nhà máy, C49 phát hiện hệ thống xử lý vi sinh không hoạt động, nước thải sau xử lý có màu đen đặc, nóng bốc hơi, được dẫn theo đường ống ngầm bêtông, đoạn sâu hơn 3m, dẫn nước thải đến mương hở đổ ra suối Bà Chèo và vào sông Đồng Nai. Cũng trong năm năm hoạt động, Sonadezi Long Thành đã bị xử phạt hành chính đến bốn lần, tổng cộng 140 triệu đồng, tất cả đều liên quan đến hành vi xả thải.

Hơn hai năm trước, khi vụ Vedan xả thải ra sông Thị Vải, dư luận cũng đã đặt vấn đề trách nhiệm hình sự. Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng cơ quan điều tra kết luận không thể khởi tố được Vedan vì nhiều lý do: chưa bị xử phạt hành chính, luật không cho khởi tố pháp nhân (công ty), chưa có định lượng hoặc hướng dẫn nào về mức độ “nghiêm trọng” hoặc “gây hậu quả nghiêm trọng”...

So với thời điểm hai năm trước, nay bộ luật Hình sự đã được sửa đổi bổ sung hàng loạt điều khoản trong chương “các tội phạm về môi trường”, theo hướng tháo gỡ những điểm vướng như đã nêu. Đối chiếu các quy phạm hình sự mới, cơ quan chức năng có thể làm được gì trước những vi phạm của Sonadezi Long Thành?

Người đứng đầu hay ông mở van?

Trước hết, một nguyên tắc theo bộ luật Hình sự hiện hành, trách nhiệm hình sự chỉ được áp dụng với cá nhân mà không được áp dụng đối với các pháp nhân (tổ chức). Như vậy không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Sonadezi Long Thành. Đối với cá nhân, cần xác định ai sẽ trong “tầm ngắm” của cơ quan điều tra: người quản lý công ty, người phụ trách xả thải hay công nhân vận hành...? Điều 182, bộ luật Hình sự quy định “tội gây ô nhiễm môi trường”: người nào thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường... vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

Điều thấy được, tuy đã có khác so với quy định cũ là không bắt buộc đã phải bị xử lý hành chính trước đó, nhưng những dấu hiệu còn lại để lôi kẻ vi phạm ra xử vẫn chưa được luật điều chỉnh cho phù hợp với những gì đang diễn ra ở Sonadezi Long Thành hay nhiều vụ tương tự vẫn được phanh phui đều đặn trong cả nước. Thành thử, nếu chỉ chung chung “người nào xả thải”, nhiều khả năng cơ quan điều tra chỉ bắt được ông mở van chứ không bắt được ông chỉ đạo mở van, thậm chí ông chỉ đạo xây dựng đường ống ngầm ở trong Sonadezi Long Thành. Xa hơn, vai trò người đứng đầu Sonadezi Long Thành mờ nhạt khi luật không buộc trách nhiệm hình sự với người đứng đầu của pháp nhân. Nếu chứng minh người đứng đầu đã tham gia với tư cách là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, người xúi giục hoặc người giúp sức thì “ông chủ” của Sonadezi cũng dễ phải đứng trước vành móng ngựa với vai trò là đồng phạm. Tuy nhiên, việc chứng minh đồng phạm không hề dễ.

Ai đo “mức độ nghiêm trọng”?

Chỉ trong một đêm, Sonadezi Long Thành đã xả khoảng 9.300m3 nước thải, nếu làm phép tính cộng suốt năm năm qua, các họng xả ngầm đã âm thầm bức tử dòng sông Đồng Nai bằng hàng chục triệu mét khối nước thải. Hàng chục hecta vườn cây trái, vuông tôm... bị nước thải phá hoại, nhiều hộ nông dân đã phải bỏ nghề nuôi trồng đánh bắt, có hộ phải lìa xứ. Đó là điều ai cũng thấy được, nhưng cái khó làm sao xác định “mức độ nghiêm trọng” hoặc “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”... khi các văn bản hướng dẫn chưa hề được ban hành. Các mức độ, hậu quả như luật nêu (để xác định cấu thành tội phạm môi trường) rất khó định lượng, vì hậu quả do hành vi nghiêm trọng rất phức tạp trên thực tế, có khi vài thế hệ mới rõ. Chưa kể muốn xác định mức độ vi phạm phải thông qua những biện pháp khoa học kỹ thuật, máy móc, phương tiện hiện đại. Thực tế qua vụ Vedan đã cho thấy, nếu cứ “căng bằng sổ thẳng” trong khâu đo đếm hậu quả thiệt hại, bất lợi sẽ thuộc về cơ quan công quyền hoặc người dân.

Theo Vĩnh Hoà

SGTT

thanhhuong

Trở lên trên