MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều doanh nghiệp trong KCX-KCN thấm đòn khó khăn

19-12-2012 - 07:33 AM | Doanh nghiệp

Khó khăn kéo dài và đến thời điểm hiện nay nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các khu chế xuất và khu công nghiệp (KCX-KCN) tại TPHCM thật sự thấm đòn với khó khăn.

Ông Nguyễn Tấn Định, Phó Ban quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza), đã cho biết như trên tại buổi họp báo về tình hình lao động của khu vực này cũng như kế hoạch thưởng tết 2013 của doanh nghiệp đối với người lao động trong KCX-KCN.

Theo ông Định, kinh tế khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất, ngưng hoạt động hoặc giải thể trước thời hạn.

Cụ thể trong năm nay có đến 79 doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong KCX-KCN ở TPHCM phải giảm sản xuất, trong đó có 26 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ngoài ra cùng thời điểm này có 25 dự án ngưng hoạt động, 11 dự án phải tạm ngưng hoạt động và 22 dự án phải thanh lý giải thể trước thời hạn.

Tuy nhiên, theo ông Định, phần lớn đây là các doanh nghiệp hoạt động với quy mô nhỏ, lao động ít nên không xảy ra tình trạng xáo trộn lao động khi số lượng doanh nghiệp này ngưng sản xuất hay đóng cửa.

Như mọi năm, vào những tháng cuối năm hoặt tết đến, doanh nghiệp phải đẩy mạnh sản xuất, người lao động thường làm việc tăng thêm ca, nhưng theo ông Định năm nay tình trạng doanh nghiệp sản xuất ba ca không còn nhiều nữa. Do đó, lực lượng lao động trong dịp tết cũng không có biến động gì.

Mặc dù khó khăn, nhưng theo ông Định, không có doanh nghiệp nào thông báo sẽ cho người lao động nghỉ tết sớm.

Theo ông Định, các dự án đầu tư nước ngoài hoạt động trong KCX-KCN ngày càng nhiều nhưng lực lượng người nước ngoài, chuyên gia làm việc tại các doanh nghiệp FDI ở các KCX-KCN trên địa bàn TPHCM trong năm nay cũng bị giảm đáng kể (hiện nay chỉ có khoảng 2.040 lao động người nước ngoài làm việc, giảm 5% so với cùng kỳ).

Ông Định cho rằng, việc giảm này có thể các doanh nghiệp hiện đang thật sự khó khăn nên cắt giảm lực lượng lao động, chuyên gia nước ngoài (vốn phải được trả lương cao hơn lao động trong nước). Mặt khác, điều này cũng cho thấy người lao động trong nước cũng đã nắm được kỹ thuật tốt và có thể thay thế được những vị trí của người lao động nước ngoài.

Liên quan đến vấn đề thưởng và chăm lo tết cho người lao động, theo ông Định, hiện nay có 160 doanh nghiệp báo cáo thưởng tết. Mức thưởng thấp nhất trong các doanh nghiệp đã báo cáo là 2,14 triệu đồng (lương cơ bản thấp nhất), tăng nhẹ so với năm trước. Trong các doanh nghiệp đã báo cáo, một doanh nghiệp trong nước hoạt động trong ngành sản xuất hàng tiêu dùng thưởng một cá nhân lên đến 400 triệu đồng; trong khi cũng hoạt động trong lĩnh vực này của một doanh nghiệp FDI có mức thưởng cho một cá nhân là hơn 217 triệu đồng.

Còn hơn 800 doanh nghiệp hoạt động trong KCX-KCN trên địa bàn TPHCM vẫn chưa báo cáo. Tuy nhiên, ông Định cho rằng 600 trong 800 doanh nghiệp này đều có tổ chức công đoàn, nên dù sao đi nữa các tổ chức công đoàn này cũng bảo vệ lợi ích chính đáng cho người lao động được thưởng Tết ở mức thấp nhất là một tháng lương.

Số còn lại, ông Định cho rằng là một ẩn số, vì quy định hiện nay không bắt buộc doanh nghiệp phải báo cáo về thưởng của họ, ông Định nói. Tết năm ngoái, tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong KCX-KCN trên địa bàn TPHCM đều thưởng tết cho người lao động.

Song song với việc thưởng tết, Hepza cho biết cũng đã phối hợp với các sở ngành, doanh nghiệp để đưa ra các chương trình hỗ trợ công nhân như tặng vé tàu xe, tăng quà tết, tổ chức hội xuân cho công nhân...

Về lo ngại lao động nghỉ tết về quê sẽ không quay trở lại TPHCM làm việc dẫn đến tình trạng xáo trộn lao động, ông Định cho rằng tình trạng này không còn nhiều mà chỉ ở mức 5%. Hiện nay có khoảng 1.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong 15 KCX-KCN với trên 269.200 lao động.

Theo Quốc Hùng

TBKTSG

thunm

Trở lên trên