MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhựa Bình Minh đã có đối tác nào "ngỏ ý" mua cổ phiếu SCIC thoái vốn?

19-12-2015 - 09:37 AM | Doanh nghiệp

Đó là nhận định của ông Nguyễn Hoàng Ngân- Phó Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Nhựa Bình Minh tại buổi giao lưu trực tuyến diễn ra trên kênh thông tin kinh tế- tài chính CafeF.vn.

Tháng 10/2015, thông tin SCIC sẽ tiến hành thoái vốn tại những “mỏ vàng” như Vinamilk, FPT, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong…đã nhận được sự quan tâm lớn từ giới đầu tư bởi đây đều là các doanh nghiệp đầu ngành, làm ăn hết sức hiệu quả.

Trong 10 doanh nghiệp mà SCIC dự kiến thoái vốn, Nhựa Bình Minh (BMP) là doanh nghiệp đang ở trạng thái “kín room” và có cổ đông ngoại lớn nhất là Nawaplastic, một doanh nghiệp cùng ngành đến từ Thái Lan.

Hiện Nawaplastic đang nắm giữ 20% cổ phần BMP và có 1 thành viên trong HĐQT. Ngoài khoản đầu tư tại BMP, Nawaplastic hiện còn nắm giữ gần 24% cổ phần tại Nhựa Tiền Phong (NTP).

Trước đây, Nawaplastic từng đánh tiếng muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại BMP lên mức tối đa. Do đó, trong trường hợp SCIC thoái vốn, không loại trừ khả năng nhà đầu tư Thái Lan này sẽ trở thành ứng viên trong cuộc đua giành quyền kiểm soát BMP.

Tại buổi giao lưu trực tuyến với nhà đầu tư diễn ra trên kênh thông tin kinh tế- tài chính CafeF.vn, bà Nguyễn Thị Kim Yến- Phó TGĐ Nhựa Bình Minh cho biết hiện chưa có đối tác nào “ngỏ ý” với SCIC trong trường hợp tổ chức này thoái vốn.

“Nhiều đơn vị cũng đặt câu hỏi về việc có muốn SCIC thoái vốn không. Việc này nằm ngoài tầm kiểm soát và mong muốn của BMP” bà Yến chia sẻ tại buổi giao lưu.

BMP có khả năng nới room lên 100%

Nhà đầu tư nước ngoài liệu có khả năng nhận chuyển nhượng cổ phần trong trường hợp SCIC thoái vốn hay không trên thực tế còn liên quan nhiều đến câu chuyện nới room.

Nghị định 60/2015/NĐ-CP được chính phủ ban hành dường như đã gỡ bỏ nút thắt cho vấn đề này khi mà hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh đều được nới room tối đa 100%, ngoại trừ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài thì tỷ lệ room tối đa cho khối ngoại là 49%.

Tuy vậy, đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có những thông tư, hướng dẫn cụ thể về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều này khiến các doanh nghiệp chưa thể xác định được mình có thuộc diện “nới room” hay không. Trên 2 sàn niêm yết, hiện chỉ có duy nhất CTCK Sài Gòn (SSI) đã nới room cho khối ngoại lên 100%.

Ông Nguyễn Hoàng Ngân- Phó Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Nhựa Bình Minh cho biết “Khung pháp lý về nới room đã có, nhưng chưa đầy đủ. Bản thân chúng tôi vẫn chưa thể khẳng định BMP có bị hạn chế sở hữu hay không, và ở mức nào. Theo nhận định của chúng tôi, BMP có thể được nới room tối đa lên mức 100%”.

Như vị TGĐ Nhựa Bình Minh đã chia sẻ, có lẽ câu chuyện nới room tới đâu, đến mức nào có lẽ chỉ còn là quyết định từ ĐHCĐ mà thôi. Tất nhiên, quyết định này cần phải chờ thêm hướng dẫn chi tiết từ UBCKNN.

Ông Ngân cũng chia sẻ rằng Nhựa Bình Minh không thấy sự “đe dọa” nào từ việc nới room khi mà hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty vẫn ổn định và tăng trưởng tốt. Có chăng, ở một góc độ khác, về mặt thương hiệu sẽ bị "mất đi" khi nước ngoài gia tăng sở hữu lên 100%.

Nguyên Vũ

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên