“Rộng cửa” cho doanh nghiệp hỗ trợ ?
Trong dự thảo thông tư của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lần này được cho là sẽ dành nhiều cơ chế ưu đãi, thuận lợi hơn về vốn vay cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, các doanh nghiệp không chỉ được hưởng lãi suất cho vay ngắn hạn không vượt quá mức lãi suất ngắn hạn cho vay tối đa, còn được xem xét cho vay tới 70% vốn đầu tư.
Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn chính sách tín dụng phát triển công nghiệp hỗ trợ theo Nghị định 111/2015/NĐ-CP. Với quy định rõ ràng hơn, liệu các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay?
Trong dự thảo thông tư của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lần này được cho là sẽ dành nhiều cơ chế ưu đãi, thuận lợi hơn về vốn vay cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, các doanh nghiệp không chỉ được hưởng lãi suất cho vay ngắn hạn không vượt quá mức lãi suất ngắn hạn cho vay tối đa, còn được xem xét cho vay tới 70% vốn đầu tư.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ chế mở thì vẫn có những ràng buộc nhất định. Đó là muốn được hưởng các ưu đãi trên, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện như: Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, dự án đã được tổ chức bảo lãnh tín dụng thẩm định và quyết định bảo lãnh vay vốn theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, doanh nghiệp có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật tối thiểu 15% giá trị khoản vay, sau khi loại trừ giá trị tài sản cầm cố, thế chấp cho các khoản vay khác. Đồng thời, có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư, sau khi trừ số vốn chủ sở hữu thu xếp cho các dự án khác. Hơn nữa, tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, doanh nghiệp không có các khoản nợ đọng nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nợ xấu tại tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế khác.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ muốn vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất nhưng chưa chứng minh được tính khả thi, hiệu quả kinh doanh của phương án vay vốn. Trong khi đó, các báo cáo tài chính, kiểm toán cũng thiếu minh bạch, không đầy đủ nên khó thuyết phục sự tín nhiệm đối với các ngân hàng đi vay. Ngay như các điều kiện vay vốn mà NHNN đưa ra trong dự thảo này, không phải doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nào cũng đáp ứng đủ điều kiện. Về phía các tổ chức tín dụng, không phải ngân hàng nào cũng sẵn sàng cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vay tiền hỗ trợ lãi suất vì thiếu lòng tin, sợ rủi ro và không có lợi ích gì nhiều.
Tựu trung là việc tiếp cận nguồn vốn của các DN nhỏ và vừa (SME) nói chung và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng vẫn gặp khó khăn. Mặc dù dư nợ vay của các SME không ngừng tăng trưởng qua các năm và luôn duy trì ở mức khoảng 25% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế. Hơn nữa, hiện nay, các chính sách và đầu tư cho SME công nghiệp hỗ trợ đang mang tính dàn trải, lồng ghép trong nhiều chính sách và chương trình khác nhau. Có nhiều đầu mối cùng triển khai các hoạt động trợ giúp phát triển nhưng sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng rất khó khăn và chưa thực sự nhịp nhàng, ăn khớp. Với nguồn lực ngân sách nhà nước còn eo hẹp, phần đầu tư cho ngành công nghiệp hỗ trợ rất hạn chế, các doanh nghiệp rất khó tiếp cận sự hỗ trợ của Nhà nước.
Ngoài ra điểm mới tại Dự thảo này, đó là tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, doanh nghiệp không có các khoản nợ đọng nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nợ xấu tại tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế khác. Qua đó,việc phối hợp với tổ chức bảo lãnh tín dụng thực hiện theo quy định của NHNN tại Thông tư 29/2014/TT-NHNN ngày 9/10/2014, Thông tư 05/2015/TT-NHNN ngày 4/5/2015 và các quy định có liên quan. Nghị định 111/2015/NĐ-CP nêu rõ các sản phẩm thuộc 6 nhóm ngành dệt – may, da – giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ôtô, cơ khí chế tạo và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.
Theo ông Nguyễn Tiến Đông-Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN, nội dung Dự thảo, SME sẽ được tạo điều kiện vay tối đa 70% vốn đầu tư nếu đáp ứng được những điều kiện như: Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được xác nhận ưu đãi theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 111/2015/NĐ-CP;Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển đã được tổ chức bảo lãnh tín dụng thẩm định và quyết định bảo lãnh vay vốn theo quy định của pháp luật.
Trên cả nước có gần 1.400 SME nội địa sản xuất linh kiện, phụ tùng liên quan đến công nghiệp hỗ trợ như linh kiện điện, điện tử, kim loại, nhựa, cao su, chưa kể riêng ngành dệt may cũng có tới trên 600 SME sản xuất các sản phẩm nguyên phụ liệu hỗ trợ cho ngành. Hy vọng, với hướng dẫn của NHNN, việc đi vay sẽ thuận lợi hơn giúp cho SME thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển.
Diễn đàn doanh nghiệp