MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sai phạm ở Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp (Vegicam)

25-09-2012 - 13:28 PM | Doanh nghiệp

Đầu tư xây dựng nhà từ nguồn vốn NN nhưng khi bán nhà, Vigecam tự định ra các tiêu chuẩn được mua nhà, giá bán căn hộ cho người trong và ngoài công ty mà không qua sàn giao dịch BĐS là trái quy định.

Dư luận đang xôn xao về vụ bê bối, sai phạm có tính chất nghiêm trọng, làm thất thoát nhiều tỉ đồng của Nhà nước tại Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp (Vegicam), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã được Thanh tra Chính phủ (TTCP) vào cuộc theo đơn tố cáo của công dân và ra Kết luận số 2613/KL-TTCP ngày 1-9-2010. Nhưng những sai phạm TTCP vạch ra đã bị “vô hiệu hóa” để rồi xử lí nửa vời dẫn đến khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc…

Thanh tra đến đâu, lộ rõ sai phạm đến đấy

Năm nội dung đơn tố cáo với 15 điểm sai phạm cụ thể đã được TTCP tìm hiểu, xác minh theo đơn tố cáo của công dân và được khẳng định trong Kết luận 2613. Theo Thông báo Kết luận thanh tra số 2341/TTCP-VP ngày 30-8-2011 gửi ông Trần Anh Tú (người làm đơn tố cáo) thì Dự án Xây dựng khu nhà ở của Vigecam ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội có sai phạm. 

Cụ thể, đầu tư xây dựng nhà từ nguồn vốn Nhà nước nhưng khi bán nhà, Vigecam tự định ra các tiêu chuẩn được mua nhà, giá bán căn hộ cho người trong và ngoài công ty mà không qua sàn giao dịch bất động sản là trái quy định. Dự án này có từ thời Giám đốc Công ty Tiếp thị và Nông nghiệp CNTP (Gọi tắt là Công ty Tiếp thị) Lã Thị Kim Oanh. Sau khi khởi tố bà Oanh, Công ty không có khả năng trả nợ… Bộ NN&PTNT tiếp nhận, giao cho Công ty Dự án trên với điều kiện Vigecam phải trả nợ hơn 176 tỉ đồng cho Công ty Tiếp thị để được kế thừa các dự án kinh doanh bất động sản (trong đó có dự án 76 căn hộ) và tiếp tục thực hiện dự án xây nhà bán cho cán bộ công nhân viên.

Dự án kế thừa lại theo Quyết định đầu tư số 61/QĐ-HĐQT-VT ngày 30-5-2007 do ông Nguyễn Đức Chu, cựu Chủ tịch HĐQT Vigecam kí. Ngày 6-8-2009, ông Phạm Văn Hưng, Chủ tịch HĐQT kí Nghị quyết thông qua phương án bán 53 căn hộ, tháng 6-2010 Vigecam đã kí hợp đồng bán 45 căn hộ, 11 căn hộ bán cho các đối tượng ngoài công ty, còn 8 căn hộ chưa bán.

TTCP kiểm tra xác minh thấy vi phạm ở việc bán căn hộ thấp hơn giá thị trường, bán không đúng đối tượng… gây thiệt hại và thất thoát hàng trăm tỉ đồng của Nhà nước đúng như tố cáo của ông Tú. TTCP kết luận: Từ tháng 4-2008, Chính phủ kí quy định tạm dừng việc mua sắm ô-tô để kiềm chế lạm phát thì HĐQT Vigecam vẫn kí duyệt mua một xe PRADO trị giá gần 1,6 tỉ đồng vượt quy định, định mức cho chức danh Chủ tịch HĐQT Công ty nhà nước.

Ngoài ra, Vigecam kí hợp đồng mua 270 tấn phân bón rồi “buôn đi bán lại” gây thiệt hại gần 2,6 tỉ đồng; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thành Tín kí ba hợp đồng bán phân bón, thì chậm thanh toán, chiếm dụng vốn hai hợp đồng gây thiệt hại hơn 5,7 tỉ đồng; cho Vigecam Trading mượn nhà không thu tiền, mượn 10 tỉ đồng dưới hình thức cấp vốn cho hoạt động mà không thu tiền sử dụng vốn, không có phương án kinh doanh cụ thể; cho thuê khách sạn 120 Quán Thánh, Hà Nội mà người đấu giá mức thấp nhất được thuê.

Dự án khu vui chơi giải trí quận Đống Đa, Vigecam cũng kế thừa lại từ Công ty của Lã Thị Kim Oanh, bỏ tiền tỉ GPMB từ năm 2000 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Thông báo của TTCP đến ông Trần Anh Tú còn nêu việc chia lương thưởng, tuyển dụng vô nguyên tắc, tiếp khách chi tiền tỉ ở Vigecam; việc học phổ thông của ông Nguyễn Đức Phong, Tổng Giám đốc Vigecam, về bằng cấp có nhiều mâu thuẫn…

Đã chỉ rõ sai phạm, nhưng xử lí chung chung, nửa vời

Căn cứ kết quả kiểm tra xác minh, TTCP thấy các nội dung ông Trần Anh Tú tố cáo sai phạm tại Vigecam, có phần đúng và đã nêu rõ trách nhiệm thuộc về các tổ chức, cá nhân. Ở Dự án 53 căn hộ là Chủ tịch HĐQT, ông Tổng Giám đốc Vigecam định giá không chính xác. Sai phạm về việc mua, sử dụng xe ô-tô, không thu lãi chậm trả, việc mua bán 270 tấn phân bón, thu tiền khai thác khách sạn 120 Quán Thánh… là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, các cán bộ liên quan thuộc Vigecam từ 2007 đến nay. 

Chịu trách nhiệm về sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm ông Lê Anh Tuấn giữ chức vụ lãnh đạo Tổng Công ty là Chủ tịch HĐQT Vigecam. Chịu trách nhiệm trong việc không đúng tại Văn bản số 2459/BNN - TCCB ngày 22-4-2008 về việc giải quyết đơn kiến nghị là ông Vũ Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ NN& PTNT. Dù TTCP đã kết luận sai phạm và chỉ ra rất rõ trách nhiệm của từng cá nhân song vụ việc xử lí không triệt để, dẫn đến không ai chịu trách nhiệm về sai phạm “tày trời” này.

Còn tại Văn bản số 7449/VPCP-KNTN ngày 18-10-2010 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng yêu cầu xử lí sau thanh tra tại Vigecam ghi: “Giao Bộ NN&PTNT chỉ đạo xử lí, khắc phục những thiếu sót, tồn tại của Vigecam, chấn chỉnh công tác quản lí nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp này; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để xử lí dứt điểm việc một số hộ dân lấn chiếm đất để tiếp tục triển khai Dự án Công viên giải trí Đống Đa đã được phê duyệt; báo cáo kết quả thực hiện lên Thủ tướng Chính phủ trong năm 2010”.

“Bộ NN&PTNT chỉ đạo Vigecam giải quyết cụ thể khiếu nại của 12 hộ dân về việc mua căn hộ tại Dự án 53 căn hộ tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và các hộ dân đã nộp tiền mua căn hộ.

Văn phòng Chính phủ thông báo để TTCP và Bộ NN&PTNT biết, thực hiện”.

Dựa vào văn bản này mà Vigecam chỉ xử lí vụ việc bằng những bản kiểm điểm, giải trình theo kiểu “xử lí cho xong việc”, gây bức xúc trong dư luận, khiếu kiện kéo dài... (Còn nữa)

Theo Trọng Phong - Thanh Hoa

Người cao tuổi

thunm

Trở lên trên