MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Số liệu “ảo” dẫn đến những quyết định sai lầm

08-04-2013 - 13:30 PM | Doanh nghiệp

Quý I/2013 có thêm 15.000 công ty phá sản. Thế nhưng, tỷ lệ thất nghiệp lại vẫn thấp. “Thực tế, những lao động này họ đã đi đâu, trong khi số doanh nghiệp lập mới không bao nhiêu?”.

Tuy số liệu thống kê tốt không thể thay thế cho việc ra quyết định chính trị nhưng nó là đầu vào trọng yếu của quá trình đó. Không có số liệu chính xác, nhà điều hành không biết con bệnh đang ốm tới cấp độ nào, nên rất khó kê toa, tới khi chỗ nào cũng “đau” thì muốn cứu cũng quá muộn.

Sự vô lý của những con số

Sự vô lý của số liệu thống kê về việc làm hiện đang khiến nhiều chuyên gia phải lên tiếng. Tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân vừa diễn ra, TS. Lê Đăng Doanh đã đặt câu hỏi về số liệu thất nghiệp năm 2012 thấp nhất nhiều năm qua.

Cụ thể, trong 2 năm 2011, 2012, cả nước có hơn 100.000 đơn vị đóng cửa, cao hơn hẳn các năm trước nhưng tỷ lệ thất nghiệp chỉ 2,2%, ít nhất trong nhiều năm. Quý I/2013 có thêm 15.000 công ty phá sản. Thế nhưng, tỷ lệ thất nghiệp lại vẫn thấp.

“Thực tế, những lao động này họ đã đi đâu, trong khi số doanh nghiệp lập mới không bao nhiêu?”, ông Doanh đặt câu hỏi.

Nguyên nhân có thể do nhiều doanh nghiệp không làm thủ tục giải thể và báo cáo cơ quan chức năng. Một mặt họ đang nợ đầm đìa nên không dám tuyên bố đóng cửa để tránh chuyện bị xiết nợ. Mặt khác, họ cũng cần thu hồi nợ đọng nên “án binh bất động”, không sản xuất cũng chẳng tuyên bố chấm dứt. Thế nhưng, không có báo cáo này đề cập tới chuyện này. Số doanh nghiệp đóng cửa, giảm sản xuất có thể còn cao gấp nhiều lần công bố chính thức.

Nhận định về các con số việc làm mới được tạo ra, theo PGS,TS. Trần Đình Thiên, bất kể năm khó khăn hay thuận lợi, đều đại thể như nhau, gần tương đương với số lao động mới gia nhập vào lực lượng lao động của đất nước.

“Cách xử lý vấn đề mang tính hình thức như vậy vừa không tạo được niềm tin vào hệ thống thông tin và thống kê phát triển, vừa gây ra những ảo tưởng thành tích lúc nào cũng “hồng hào” của nền kinh tế”, ông Thiên thẳng thắn.

Và hậu quả là khó lường

Các chuyên gia về thống kê khẳng định, số liệu chính xác hơn sẽ cho kết quả tốt.Số liệu thống kê đáng tin cậy, được thu thập theo các chuẩn mực quy định và trong thực tiễn là rất tốt và vô cùng thiết yếu đối với quản lý. Không thể đánh giá tiến bộ hay xây dựng chính sách nếu không có số liệu thống kê. Số liệu thống kê sẽ giúp định ra ưu tiên cho các hoạt động trong tương lai.

Số liệu thống kê chính thức được xem như là những hàng hoá công, đặc biệt những dữ liệu cần thiết cho việc quản lý và đánh giá nền kinh tế của một quốc gia, quản lý việc cung cấp dịch vụ của Chính phủ và giảm tác động bên ngoài. Tất cả các nước đều sử dụng số liệu thống kê phục vụ cho việc ra quyết định. Với ý nghĩa đó, chúng ta càng hiểu khi số liệu thống kê chưa đầy đủ và chính xác sẽ mang lại những hạn chế như thế nào trong hoạch định chính sách và điều hành.

Cũng nhấn mạnh điều này, ông Doanh cho rằng, số liệu công bố nếu không chính xác sẽ chẳng giúp ích cho ai, có chăng chỉ để các cấp, ngành khen lẫn nhau. Chính việc dựa trên những con số “ảo tưởng” nên các quyết định can thiệp thường đưa rất muộn, không phản ánh tính cấp bách của thực tiễn.

Đi sâu vào ẩn ý phía sau những số liệu thống kê kinh tế vĩ mô, PGS, TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển đưa ra ra hai vấn đề: hoặc là cơ chế thị trường chưa được vận hành tốt, hoặc là chất lượng số liệu thống kê chưa hoàn hảo. Nhìn vào những con số thống kê thời gian qua, PGS, TS. Bùi Tất Thắng nhận định, tương quan giữa tăng trưởng, đầu tư, lạm phát và thất nghiệp trong thời gian qua về cơ bản không giống như trong một nền kinh tế thị trường “điển hình”.

Trong nền kinh tế thị trường (trưởng thành) có sự can thiệp kiểu Keynes, tăng trưởng có chiều hướng tỷ lệ thuận với đầu tư và lạm phát (dĩ nhiên là có giới hạn) và tỷ lệ nghịch với thất nghiệp. Nhưng những diễn biến của tăng trưởng, đầu tư, lạm phát và thất nghiệp tại Việt Nam những năm qua lại không cho thấy một xu hướng tương quan rõ rệt nào, nhất là chỉ số về thất nghiệp.

“Hiện tượng này khiến cho các chính sách can thiệp (chính sách tài chính – tiền tệ, hay/và chống thất nghiệp) trở nên thiếu chắc chắn do dễ bị rơi vào thế “lưỡng nan” trong việc xác định các mục tiêu can thiệp”, ông Thắng khẳng định.

Hình 1: Tình hình tăng trưởng, đầu tư, lạm phát và thất nghiệp

Nguồn: TCTK

Trí An

thanhhuong

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên