MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SRC: Chưa thông qua tờ trình xây trung tâm thương mại 231 Nguyễn Trãi

23-06-2012 - 15:49 PM | Doanh nghiệp

Chủ tịch HĐQT SRC cho biết, hiện giá trị khu đất 231 Nguyễn Trãi chưa được xác định rõ, công ty cũng chưa đánh giá được năng lực nhà đầu tư.

Sáng nay 23/6, CTCP Cao su Sao vàng (SRC) tiến hành họp đại hội cổ đông thường niên năm 2012.

Bắt đầu đại hội, ông Vũ Tiến Dũng, Chủ tịch SRC cho biết, trước khi tiến hành đại hội, cổ đông lớn có ý kiến làm rõ về mức chi phí hỗ trợ di dời nhà máy.

Do đó, cổ đông đề nghị HĐQT xem xét lại 3 tờ trình về hỗ trợ di dời nhà máy khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại 231 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội (trụ sở công ty), báo cáo hợp tác đầu tư xây khu đô thị và trung tâm thương mại Sao Vàng; báo cáo chọn địa điểm xây nhà máy mới; đầu tư xây dựng nhà văn phòng công ty tại 233 đường Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội.

Sau khi thảo luận, HĐQT SRC cho biết, do mức chi phí hỗ trợ hiện mới chỉ có phía đối tác đưa ra (720 tỷ đồng), công ty sẽ tiến hành khảo sát thêm. Những tờ trình liên quan đến di dời nhà máy và xây trung tâm thương mại trên khu đất trụ sở sẽ được SRC thông qua tại dịp khác, chưa thông qua tại kỳ đại hội này.

Đa số cổ đông đã đồng ý việc chưa thông qua 3 tờ trình này tại đại hội.

Theo những tờ trình ban đầu, SRC sẽ trình cổ đông việc di dời nhà máy (diện tích gần 6ha tại 231 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) sang khu công nghiệp Châu Sơn, Hà Nam.

Sau khi di dời, SRC sẽ cùng 2 đối tác là công ty bất động sản Việt Hưng và công ty cổ phần tập đoàn Phú Mỹ lập liên danh (vốn 1.300 tỷ đồng) để xây khu dân cư và trung tâm thương mại. Tuy nhiên, 2 đối tác này cho biết chỉ có thể hỗ trợ cho SRC 720 tỷ đồng để di dời xây dựng nhà máy. Đơn giá hỗ trợ di dời khoảng 12,42 triệu đồng/m2.

Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2011, ông Nguyễn Gia Tường - khi đó còn là chủ tịch HĐQT cho biết, để có thể di dời nhà máy thì công ty cần khoảng 800 tỷ đồng và nhà máy sẽ phải dừng sản xuất trong 18 tháng. Bên cạnh đó, SRC cũng sẽ phải thu xếp 130 tỷ đồng để góp vốn vào liên danh xây trung tâm thương mại.

Như vậy, kể từ khi có ý định di dời nhà máy từ năm 2007, đến nay SRC vẫn chưa thực hiện được do vướng mắc về chi phí hỗ trợ.

Năm 2012, SRC trình cổ đông kế hoạch doanh thu thuần 1.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 36 tỷ đồng và tỷ lệ cổ tức là 12%/năm. Năm 2011, SRC chỉ đạt 1.218,3 tỷ đồng doanh thu và 3,02 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt hoàn thành 90% và 7% kế hoạch cả năm đề ra. Tỷ lệ cổ tức dự kiến chia là 5% bằng tiền mặt.

Vì sao chưa thông qua việc di dời nhà máy để xây trung tâm thương mại?

Nguyên nhân được lãnh đạo công ty đưa ra là do phía Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (nắm 51% vốn) đề nghị công ty xem xét lại tính khả thi của dự án.

Ông Vũ Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT SRC và cũng là thành viên của Tập đoàn Hóa chất đã cho biết cụ thể 4 lý do khiến các tờ trình này chưa được đem ra thảo luận.

Thứ nhất, về việc định giá khu đất 231 Nguyễn Trãi, sau khi 2 đối tác là CTCP Bất động sản Việt Hưng và CTCP Tập đoàn Phú Mỹ đưa ra mức chi phí hỗ trợ 720 tỷ đồng (tương đương đơn giá hỗ trựo 12,42 triệu đồng/m2) để di dời công ty, SRC đã tiến hành một số cuộc khảo sát, đánh giá.

Trong đó, SRC đã thuê CTCP Thẩm định giá IVC Việt Nam thẩm định, kết quả cho thấy đơn giá quyền sử dụng đất tại đây là 11,345 - 14,224 triệu đồng/m2.

Qua khảo sát các công ty lân cận đã và đang thực hiện việc di dời (công ty Cơ khí Hà Nội - dự án Royal City, công ty cổ phần Xà Phòng), chi phí hỗ trợ di dời của các dự án được tính bình quân khoảng 10 triệu/m2.

Với những kết quả trên, lãnh đạo SRC cho rằng việc đối tác hỗ trợ 12,42 triệu đồng/m2 để di dời xây nhà máy mới sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại 231 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân là phù hợp với mặt bằng chung tại khu vực (cao hơn 24% so với chi phí đền bù của dự án Royal City).

Tuy nhiên, phía Tập đoàn Hóa chất lại cho rằng, hiện chưa có tài liệu pháp lý nào rõ ràng về giá trị khu đất 231 Nguyễn Trãi, do vậy công ty cần nghiên cứu kỹ hơn trước khi trình cổ đông.

Thứ hai, phía Tập đoàn cũng cho rằng hiện chưa thẩm định được năng lực tài chính của 2 đối tác (Việt Hưng và Phú Mỹ), do đó chưa thể biết được họ có khả năng chi 720 tỷ đồng đúng hạn hay không.

Thứ ba, việc lập công ty liên doanh (vốn 1.300 tỷ đồng) với 2 đối tác trên, hiện công ty vẫn chưa đánh giá được tính khả thi của việc góp vốn.

Thứ tư, công ty cũng cần tái cấu trúc khi tiến hành di dời nhà máy. Song, đến thời điểm hiện tại, công ty vẫn chưa tìm được sản phẩm mũi nhọn để đưa vào sản xuất khi di chuyển nhà máy tới địa điểm mới, điều này có thể khiến hoạt động của công ty sẽ không ổn định.

Với những lý do trên, HĐQT SRC quyết định sẽ trình việc di dời nhà máy để xây khu đô thị, trung tâm thương mại vào một kỳ đại hội bất thường gần đây nhất.

Theo DVT/Gafin

hangnt

Trở lên trên