MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trí tuệ “bạc tỷ”

07-10-2013 - 08:26 AM | Doanh nghiệp

Trong vòng vài năm trở lại đây cũng đã có nhiều thương vụ chuyển nhượng “bạc tỷ” tương tự đối với các giống cây lương thực.

2 tỷ đồng là cái giá mà Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận) sẵn sàng trả để hoàn thành thương vụ mua bản quyền giống thanh long ruột tím hồng LĐ5 của Viện Cây ăn quả miền Nam. Sự việc cho thấy, các sản phẩm trí tuệ được quan tâm như thế nào từ giới DN. Đằng sau giao dịch, sự gắn kết giữa nhà khoa học với DN và nông dân cũng đang mở ra cơ hội mới. Phóng viên TBNH đã có cuộc trao đổi với PGS - TS. Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam.

Ông có thể nói gì về khả năng hình thành quan hệ mua bán sản phẩm trí tuệ mà trường hợp giống thanh long LĐ5 là ví dụ? Đó có phải là dấu hiệu về một thị trường sắp trở nên sôi động?

Đối với Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri), đây là lần đầu tiên chúng tôi chuyển nhượng được sản phẩm giống cây ăn quả với giá 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong vòng vài năm trở lại đây cũng đã có nhiều thương vụ chuyển nhượng “bạc tỷ” tương tự đối với các giống cây lương thực, chẳng hạn, năm 2007 Công ty Tân Cường (Nam Định) đã mua giống lúa lai TH3-3 với giá 10 tỷ đồng;

Công ty cổ phần Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng mua giống lúa HY100 với giá 3 tỷ đồng của Viện Cây lương thực - Thực phẩm; Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An mua giống ngô LVN 14 của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam với giá 3 tỷ đồng…

Rõ ràng, đây là những dấu hiệu tốt vì có được những khoản tiền từ chuyển nhượng sản phẩm như thế thì các viện, trường, các nhà khoa học mới có điều kiện để tiếp tục nghiên cứu, làm ra sản phẩm mới kịp thời đáp ứng nhu cầu của DN và nông dân. Chứ cứ trông chờ vào kết quả mang về từ các đề tài do Nhà nước tài trợ thì việc phổ biến sản xuất đại trà rất khó khăn. Làm ra giống mới mà không có DN mua, đem ứng dụng sản xuất rộng rãi thì đâu có ý nghĩa gì?

Nhưng bảo là thị trường thương mại hóa các sản phẩm trí tuệ đã bắt đầu sôi động thì tôi cho là hơi sớm. Thực ra, nó mới bắt đầu manh nha thôi. Từ trước tới nay, đặc điểm chung của các nhà nghiên cứu khoa học chỉ thuần về chuyên môn, ít có độ nhạy bén về thương mại. Nay có một số viện, trường kết hợp với DN chuyển nhượng được sản phẩm của mình thì cũng có thể xem là bước khởi đầu khá tốt.

Ông có nói trông chờ vốn Nhà nước để nghiên cứu khoa học thì khó phổ biến kết quả ra thị trường. Vì sao thế?

Làm ra một loại giống mới cần nhiều thời gian và công sức lắm. Nhất là cây ăn trái thông thường phải mất thời gian từ 12 - 14 năm. Ví dụ, để làm ra giống thanh long LĐ5 mới bán cho Công ty Hoàng Hậu vừa rồi, mặc dù Sofri chỉ mất 6 năm nhưng trước đó đã phải bỏ ra gần 10 năm để lai tạo và tuyển chọn cây bố mẹ từ các dòng LĐ1, LĐ2…

Trong khi đó, việc xin Nhà nước cấp kinh phí nghiên cứu thì thủ tục nhiều lắm, tôi kể không hết. Tiền cấp cho nghiên cứu thì cũng không đáng kể. Thường đề tài thực hiện trong vòng 12 - 14 năm, kinh phí lên đến tiền tỷ đồng, nhiều khi ngân sách chỉ đáp ứng được 4 - 5 năm đầu. Các năm sau gần như không còn để thực hiện tiếp nữa…

Nếu vậy, giá chuyển nhượng như trường hợp của giống thanh long LĐ5 vừa qua có là hợp lý? Mức giá đó có khuyến khích được các viện phát triển tiếp các giống tốt để đưa ra thị trường?

Cũng phải tùy theo ưu điểm của giống tới mức nào mà giá bán sẽ khác nhau. Giống LĐ5 được gây dựng nhiều năm từ giống LĐ1 (Long Định 1). Nếu lui về thời gian trước, giống LĐ1 có thể bán ít ra là 5 tỷ đồng. Nay chuyển nhượng cho DN giống LĐ5 với giá 2 tỷ đồng là hợp lý. Khi chuyển nhượng giống cây này cho Công ty Hoàng Hậu, chúng tôi đã có 3 tháng thương thảo với DN. Cán bộ của Sofri đã đến tận nơi phân tích về ưu điểm của giống, phân tích về luật tác quyền, cách thức thương mại hóa.

Chúng tôi cũng nói ngay là nếu không ai mua Sofri sẽ tự trồng, tự bán ra thị trường và bất cứ ai sử dụng bất hợp pháp giống này sẽ bị khiếu nại. Còn công ty mua giống này rồi sẽ được phép độc quyền khai thác ở Việt Nam và những thị trường đăng ký. Nếu họ làm tốt thì chỉ sau một năm tiền thu về từ bán trái thương phẩm có thể đã hòa vốn, chứ viện bán giống thì chỉ “bán đứt” một lần, lời nhiều lắm tỷ bạc thì cũng chỉ đủ trang trải và khuyến khích các nghiên cứu tiếp theo.

Tại sao Sofri không làm theo hình thức liên kết phát triển giống cùng với DN, áp dụng hình thức chiết khấu % căn cứ trên hiệu quả sản xuất thương mại đại trà loại giống đó, thưa ông?

Cách làm theo hình thức chiết khấu thì dần dần rồi cũng sẽ có DN, viện, trường thực hiện. Nếu chiết khấu thì không được nhận 2 tỷ đồng, hay 10 tỷ đồng trước của DN mà phải theo suốt với DN trong quá trình sản xuất, nhân giống đại trà. Chọn cách này thì thôi cách kia. Nhưng hiện nay, việc chuyển nhượng bản quyền giống ở nước ta còn mới mẻ. Chủ yếu các viện, trường chọn cách bán đứt một lần để lấy tiền tái đầu tư cho các nghiên cứu mới.

Ông có cho rằng nếu đẩy mạnh được việc thương mại hóa các sản phẩm trí tuệ này sẽ làm cho liên kết trong sản xuất kinh doanh nông sản được tốt hơn không?

Điều này thì rõ ràng rồi. Từ trước đến nay để có một giống mới được công nhận thì phải trồng ở nhiều điểm. Vì thế, chuyện viện, trường làm ra giống sau đó bị phát tán ra xã hội, thậm chí thất thoát ra cả nước ngoài là đã từng có. Giờ nếu muốn làm chặt chẽ ngay từ đầu thì phải có DN đứng ra đặt hàng, trả tiền bản quyền cho viện, trường để nhà khoa học tham gia vào chuỗi liên kết có quyền lợi chính đáng.

Bên cạnh đó, việc đăng ký bản quyền, bảo hộ bản quyền phải được Nhà nước, chính quyền hỗ trợ làm nhanh. Mức phạt với việc vi phạm bản quyền phải được tăng lên sao cho nếu vi phạm vài lần là tiền phạt bằng tiền mua giống thì mới khuyến khích các DN đầu tư chuyển nhượng các giống mới.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thạch Bình

thanhhuong

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên