MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trực tiếp ĐHCĐ JVC: "Ẩn số" vai trò của người giữ vị trí Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc

19-11-2015 - 09:58 AM | Doanh nghiệp

Tại ĐHCĐ thường niên lần này của JVC, vai trò của ông Lê Văn Giáp chưa thể hiện thực sự rõ ràng. Ngoài việc đọc tờ trình lúc đầu, ông Giáp chưa tham gia trả lời chất vấn của cổ đông.

Sáng nay 19/11/2015, Công ty cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) tổ chức cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2015 sau 2 lần thất bại trước đó.

Đến 9h15 phút, ĐHCĐ có sự tham dự của 53 cổ đông đại diện 16,7 triệu cổ phần, tương đương 14,86% cổ phần có quyền biểu quyết. Là lần 3 tổ chức, nên dù tỷ lệ thế nào thì cuộc họp vẫn được tiến hành theo đúng thủ tục, quy định.

Đối tác chiến lược Nhật Bản là DI Asian Industrial Fund và các bên liên quan sở hữu tương đương 30% vốn điều lệ của JVC. Như vậy, nhóm cổ đông này không tham gia cuộc họp ĐHCĐ ngày hôm nay. Trong lần ĐHCĐ bất thành trước đó, tỷ lệ dự họp của JVC đạt hơn 47% nên nhiều khả năng DI Asian có dự họp.

Cuối giờ chiều ngày hôm qua, 18/11/2015, JVC đã công bố kết quả kinh doanh quý 2 niên độ tài chính 2015 – 2016 (1/4/2015 - 30/3/2016) của riêng công ty mẹ với các chỉ tiêu không mấy khả quan. Theo đó, JVC đạt tổng doanh thu 112,3 tỷ đồng, giảm 59,7% so với cùng kỳ. Kết quả công ty lãi ròng 1,8 tỷ đồng, trong khi con số cùng kỳ là 63 tỷ đồng.

Mặc dù giảm gần 60% so với cùng kỳ nhưng kết quả này lại tăng 38% so với quý liền trước. Biên lợi nhuận gộp đạt 25,87%, giảm so với mức hơn 30% cùng kỳ do cơ cấu doanh thay đổi, giảm tỷ trọng bán dự án.

Giá trị xây dựng cơ bản dở dang cuối quý 2 của JVC tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 132 tỷ đồng. Hàng tồn kho cuối quý 2 của JVC còn 246 tỷ đồng, giảm 66 tỷ đồng so với 3 tháng trước đó.

Báo cáo tại ĐHCĐ, đại diện JVC cho biết công ty dự kiến thay đổi mục đích sử dụng vốn huy động được từ đợt phát hành tăng vốn trước đó. JVC cho biết tại thời điểm xảy ra sự cố của ông Lê Văn Hướng, tiền tăng vốn trong đợt tăng vốn năm 2014 vẫn còn trên tài khoản và một số dự án đang trong quá trình triển khai. Tuy nhiên, ngân hàng Vietinbank yêu cầu công ty phải tất toán tất cả các khoản nợ ngắn và dài hạn tại ngân hàng này để đưa dư nợ về 0.

JVC đã bị Vietinbank cưỡng chế thu nợ 235 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch sử dụng 750 tỷ đồng thu được từ việc phát hành thêm cổ phiếu. Kế hoạch cụ thể như sau:

Sau một thời gian khá dài đọc các tờ trình, Ban tổ chức ĐHCĐ thường niên JVC cho biết sẽ dành cho cổ đông 30 phút để gửi các câu hỏi lên Ban lãnh đạo công ty. Khá nhiều câu hỏi được gửi lên ngay sau đó.

Bà Hồ Bích Ngọc, Kế toán trưởng kiêm Thành viên HĐQT công ty thay mặt HĐQT công ty trả lời các câu hỏi từ cổ đông.

Bà Ngọc cho biết sau sự cố tháng 6 vừa qua đối với công ty và cá nhân ông Lê Văn Hướng, tất cả các nhà cung cấp, đa phần là từ Nhật Bản đều ủng hộ JVC, chưa đối tác nào quay lưng. Các đối tác chính vẫn sang gặp gỡ, trao đổi hàng tháng với JVC. Chưa có tín hiệu/thông tin cắt đại lý hay rời bỏ JVC.

Về việc mua cổ phiếu quỹ, JVC đang chờ UBCKNN phê duyệt. Tuy nhiên, UBCKNN vẫn phải chờ ĐHCĐ của công ty thành công, thông qua phương án thay đổi mục đích sử dụng vốn, và sẽ ra quyết định dựa vào kết quả ĐHCĐ. Khoảng cuối tháng 11 – đầu tháng 12 năm nay sẽ mua.

Về nguồn tiền mua cổ phiếu quỹ, bà Hồ Bích Ngọc cho biết đây là thời điểm thuận lợi mua, nếu xét về giá. Giai đoạn khó khăn nhất của JVC đã qua. Hiện các vấn đề đối với các ngân hàng cơ bản đã được giải quyết. Đã thu được một phần từ các dựa án. JVC cũng đang tiến hành thu hồi các khoản công nợ. Dòng tiền không còn là vấn đề quá căng thẳng của JVC.

Số tiền dự chi cho việc mua cổ phiếu quỹ khoảng 30 tỷ đồng – công ty tự tin có thể đáp ứng được.

Cổ đông JVC thắc mắc về kế hoạch kinh doanh năm 2015 của công ty được đặt ra quá thấp (500 tỷ đồng doanh thu và 17 tỷ đồng lợi nhuận).

Bà Hồ Bích Ngọc cho biết, như đã chia sẻ, định hướng của HĐQT cũng như Ban lãnh đạo công ty năm nay không phải là tăng trưởng doanh thu hay chạy theo mục tiêu lợi nhuận. Công ty đang tập trung vào việc quản trị doanh nghiệp, ví dụ việc thu hồi công nợ, quản trị hàng tồn kho. Đây là 2 vấn đề nhức nhối đối với công ty suốt những năm vừa qua, mặc dù doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng tốt.

“Con nợ” lớn của JVC là ai? Chưa có doanh nghiệp, bệnh viện hay phòng khám nào chiếm dụng vốn của JVC. Họ đều có công văn xin giãn nợ, thương lượng với JVC. Khi khách hàng mua máy của công ty, nếu khách hàng không trả nợ, JVC sẽ ngừng công tác bảo hành bảo trì. Với các máy móc này, nếu không được các kỹ sư Nhật Bản sang bảo trì, bảo hành, việc hoạt động liên tục là vô cùng khó khăn. Đại diện JVC từ chối nêu tên "con nợ" lớn của công ty do nguyên tắc bảo mật thông tin. Tuy nhiên, JVC cho biết công ty không cho các cá nhân vay tiền.

Cổ đông JVC không hài lòng khi Ban tổ chức dành thời gian chỉ 30 phút cho việc hỏi đáp, trong khi công ty đã 2 lần tổ chức ĐHCĐ không thành công. Đây là cơ hội hiếm hoi mà cổ đông có thể gặp gỡ HĐQT. Ban tổ chức đã đồng ý kéo dài thời gian hỏi đáp.

Một cổ đông băn khoăn việc thông tin về ông Lê Văn Giáp không được công bố đầy đủ, trong khi ông Giáp đang giữ 2 chức vụ chủ chốt của công ty là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

Trên thực tế, tại ĐHCĐ thường niên lần này, vai trò của ông Lê Văn Giáp chưa thể hiện thực sự rõ ràng. Ngoài việc đọc tờ trình lúc đầu, ông Giáp chưa tham gia trả lời chất vấn của cổ đông. Bà Hồ Bích Ngọc – Kế toán trưởng, đồng thời là thành viên HĐQT đứng ra trả lời toàn bộ các câu hỏi được đưa ra.

Về vai trò của ông Lê Văn Giáp, đại diện JVC cho biết khi công ty gặp khó khăn, ông Lê Văn Giáp đóng vai trò tích cực trong việc chèo lái, định hướng. Ông Giáp làm việc hơn 10 năm tại công ty, kinh qua nhiều vị trí.

Trước khi xảy ra sự cố, ông Giáp là trợ lý – là cánh tay đắc lực của ông Lê Văn Hướng. Các đối tác của công ty đều đã biết đến ông Lê Văn Giáp. Các dự án đang triển khai dang dở, ông Giáp cũng là người nắm rõ.

Những chia sẻ về vị trí, vai trò của ông Lê Văn Giáp tiếp tục được bà Hồ Bích Ngọc đứng lên trình bày với cổ đông.

Đan Nguyên

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:
Trở lên trên