MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trực tiếp ĐHCĐ Vinamilk: Năm nay tăng sản lượng, không tăng giá sữa

27-04-2015 - 09:46 AM | Doanh nghiệp

ĐHCĐ không thông qua việc đưa vấn đề bổ sung thêm HĐQT độc lập do cổ đông lớn SCIC đề xuất. Lý do không đồng ý được một số cổ đông tại đại hội chia sẻ là vì quá gấp gáp, chúng tôi chưa có đủ thời gian để nghiên cứu hồ sơ người được đề xuất.

Đến hẹn lại lên, Đại hội cổ đông Vinamilk (VNM) diễn ra sáng nay tại TP.HCM.

Chuyện năm ngoái: Hy sinh lợi nhuận để giữ thị phần

Câu chuyện năm ngoái của Vinamilk là câu chuyện hy sinh lợi nhuận để giữ thị phần. Và, có lẽ, kết quả kinh doanh 2014 của công ty đã phản ánh rõ nét điều này: Doanh thu đạt 35.704 tỷ đồng, tăng 13% so với 2013 nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 6.068 tỷ đồng tương đương giảm 7,1%.

Vinamilk cho biết, các yếu tố chính ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh năm 2014 gồm:

-Sức mua của thị trường còn thấp do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế

-Cạnh tranh ngày càng tăng: sức mua yếu đi kèm với cạnh tranh trong ngành sữa ngày càng gay gắt dẫn đến các công ty sữa đã chi tiêu rất nhiều cho hoạt động quảng cáo, khuyến mại, bán hàng…nhằm tăng doanh số. Vì vậy, công ty cũng đã tăng mạnh chi phí bán hàng so với năm 2013. Nhờ đó, công ty không chỉ có thể giữ vững thị phần mà còn lấy thêm được thị phần ở ngành sữa nước và bột.

-Xuất khẩu giảm do tình hình chính trị bất ổn tại thị trường Trung Đông

-Giá nguyên liệu sữa biến động lớn, tăng mạnh từ năm 2013 đến 2014 và chỉ bắt đầu giảm vào những tháng cuối năm 2014.

-Việc áp giá bán trần cho sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi từ tháng 6/2014 làm ảnh hưởng đến kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Chuyện năm nay: Quay lại định hướng doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng

Dù kế hoạch doanh thu-lợi nhuận năm 2015 được công ty điều chỉnh so với định hướng chiến lược 2012-2016 nhưng đạt tăng trưởng so với thực hiện 2014.

Doanh thu kế hoạch 2015 là 39.077 tỷ, tăng 9,4% và lợi nhuận sau thuế đạt 6.830 tỷ, tăng 12,6% so với cùng kỳ 2014.

Vinamilk lại đề ra kế hoạch cổ tức tối thiểu năm 2015 bằng tiền là 50% lợi nhuận sau thuế.

Diễn biến tại đại hội cổ đông:

Lúc 9h: ĐHCĐ đủ điều kiện tiến hành với gần 80% quyền biểu quyết dự họp, xin ý kiến cổ đông bổ sung vào chương trình làm việc

Tính đến thời điểm chốt danh sách, VNM có hơn 1 tỷ cổ phần có quyền biểu quyết. Tính đến 9h, số người tham dự đạt 382 đại biểu, đại diện cho 78,2% tổng số quyền biểu quyết dự họp-đủ điều kiện tiến hành đại hội theo đúng luật định.

Công ty nhận được đề nghị của cổ đông lớn về việc bổ sung thành viên HĐQT độc lập. Việc này khá cập rập nhưng cổ đông lớn có quyền nên chúng tôi xin ý kiến đại hội bổ sung thêm vào chương trình làm việc vấn đề bầu Thành viên HĐQT độc lập.

Một cổ đông nhỏ lẻ phát biểu: Thời gian quá cập rập, cổ đông không có đủ thời gian nghiên cứu vấn đề này. Tôi mong ĐHCĐ xem xét không đưa vấn đề này vào đại hội.

Một cổ đông khác (cổ đông đến từ Singapore) cũng có ý kiến là không đưa vào đại hội.

Chủ toạ đoàn cho biết, họ cũng tôn trọng cổ đông lớn và ĐHCĐ. Đề nghị ĐHCĐ biểu quyết bằng phiếu. Đáng chú ý là rất nhiều cổ đông tại đại hội không đồng ý.

Đại hội không thông qua việc đưa thêm chương trình bổ sung HĐQT vào chương trình nghị sự.

Kết quả kiểm phiếu: Đồng ý đạt 56,95%.

Ban điều hành đại hội, lãnh đạo công ty cảm ơn cổ đông-nhất là cổ đông nhỏ lẻ-đã giúp công ty có quyết định đúng đắn nhất.

Theo tài liệu bổ sung được Vinamilk đăng tải trên website, đề xuất bổ sung HĐQT độc lập là của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

9h40 phút: Bà Mai Kiều Liên cho biết, năm nay, Vinamilk sẽ tăng sản lượng thêm 13% và không tăng giá bán. Với kế hoạch này, doanh thu dự kiến tăng khoảng 15%.

9h45 phút: ĐHCĐ trong giai đoạn đọc tờ trình ĐHCĐ thông qua 8 vấn đề trong chương trình nghị sự. Một số điểm đáng chú ý:

-Phân phối lợi nhuận năm 2014 bằng 50% lợi nhuận sau thuế tương đương cổ tức 40%. Công ty đã tạm ứng cổ tức 20% và đợt còn lại dự kiến vào tháng 6 năm nay, tỷ lệ 20%.

-Kế hoạch kinh doanh 2015: Doanh thu kế hoạch 2015 là 39.077 tỷ, tăng 9,4% và lợi nhuận sau thuế đạt 6.830 tỷ, tăng 12,6% so với cùng kỳ 2014.Cổ tức tối thiểu năm 2015 bằng tiền là 50% lợi nhuận sau thuế.

-Điều chỉnh kế hoạch giải ngân: Con số tổng mức đầu tư tài sản từ 2012 đến năm 2016 của VNM là 12.996 tỷ đồng và con số này được giữ nguyên trong bản đệ trình lần này. Tuy nhiên, các hạng mục trong đầu tư thay đổi lớn, cụ thể:

Thảo luận & Kết quả biểu quyết: Tán thành 821 triệu cp, chiếm tỷ lệ hơn 99,9%. Không ai không tán thành, chỉ một số nhỏ không có ý kiến.

 

Vinamilk tăng mạnh đầu tư cho dự án bò sữa Việt Nam và giảm đầu tư cho công ty mẹ Vinamilk

Thảo luận & biểu quyết: Tán thành 821 triệu cp, chiếm tỷ lệ hơn 99,9%. Không ai không tán thành, chỉ một số nhỏ không có ý kiến.

Sẽ tách chức danh Chủ tịch HĐQT với Tổng giám đốc

Đáng chú ý nhất trong ĐHCĐ lần này là chia sẻ của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Mai Kiều Liên. Bà Liên cho biết, bà đã kiêm nhiệm 2 chức năng Chủ tịch và TGĐ trong nhiều năm. Năm nay là năm bản lề để công ty đào tạo thế hệ người kế cận.

Công ty đệ trình ĐHCĐ tiếp tục thông qua vấn đề kiêm nhiệm này trong năm nay nhưng ghi vào biên bản ghi nhớ vấn đề không kiêm nhiệm này vào biên bản, uỷ quyền cho HĐQT quyết định việc tách chức danh này trong thời điểm phù hợp nhất.

Nóng vấn đề "đương nhiên bị miễn nhiệm"

Một cổ đông thắc mắc cơ chế "đương nhiên bị miễn nhiệm". Cổ đông này dẫn chứng trường hợp chị Liên của giống cây trồng Miền Bắc (NSC). Dù SCIC thoái vốn nhưng chị Liên-đại diện cho phần vốn của SCIC-vẫn được ĐHCĐ tín nhiệm thông qua giữ chức Chủ tịch HĐQT. Cổ đông này cho rằng việc “đương nhiên mất quyền HĐQT” khi không còn là đại diện phần vốn góp của bên nào đó là không phù hợp. Đề nghị công ty xem xét lại.

Lãnh đạo Vinamilk mời luật sư chia sẻ một số thông tin về điểm này. Công ty làm theo luật doanh nghiệp.

Luật sư đưa ra ý kiến liên quan đến các vấn đề pháp lý. Vị luật sư cam kết trung lập. Theo luật định, một người đang là thành viên HĐQT, BKS đại diện cho một cổ đông, tổ chức nào đó thì khi không còn là người đại diện phần vốn góp sẽ đương nhiên mất quyền thành viên HĐQT, BKS.

Tuy nhiên, có một quan hệ khác là quan hệ ĐHCĐ và HĐQT. HĐQT là do ĐHCĐ bầu cử nên. Vậy nên, việc miễn nhiệm cũng là do ĐHCĐ thông qua.

Đây là 2 mối quan hệ độc lập nhau.

Vinamilk là một doanh nghiệp đại chúng, nếu thay đổi cơ cấu cổ đông là thay đổi ban điều hành là điều không hợp lý. Không ngang bằng quyền lợi cho các cổ đông.

Với nhận định như vậy, luật sư khuyên công ty cân nhắc đưa việc “đương nhiên bãi nhiệm” vào điều lệ công ty.

Bà Mai Kiều Liên: Tất cả những gì luật có áp dụng từ 1/7/2015 thì chúng ta nên chờ. Chúng ta là công ty niêm yết nên chịu ảnh hưởng của những vấn đề như luật chứng khoán, đầu tư... Chúng ta đợi đến thời điểm đó để có đủ các văn bản dưới luật, điều chỉnh 1 lần cho đỡ lắt nhắt.

ĐHCĐ không thông qua việc "đương nhiên bị miễn nhiệm"

ĐHCĐ phê chuẩn nội dung sửa đổi, bổ sung điều lệ như tài liệu bản sửa đổi, bổ sung điều lệ tổ chức và hoạt động công ty theo tờ trình của HĐQT.

ĐHCĐ không phê chuẩn 2 nội dung liên quan đến bổ sung, điều chính điều lệ do cổ đông lớn SCIC đề nghị:

-Bổ sung “trường hợp đương nhiên mất tư cách của Thành viên HĐQT, BKS trong trường hợp thành viên đó không còn được cử làm đại diện của cổ đông là tổ chức” và

-Trưởng ban kiểm soát phải làm việc chuyên trách tại công ty.

Chúng ta không thể ngồi yên khi đối thủ quảng cáo mạnh

Chứng khoán Bản Việt lo ngại vấn đề chi phí quảng cáo của Vinamilk. Chủ tịch VNM cho biết, quảng cáo là tất yếu khi mà đối thủ cạnh tranh của chúng ta chi mạnh cho việc này. Đặc thù ngành này là vậy, không quảng cáo thì không bán được hàng.

Những thảo luận đã kết thúc. Các cổ đông đều đã được giải đáp thoả đáng các thắc mắc.

Về việc "đương nhiên miễn nhiệm", ĐHCĐ không thông qua.

Trưởng ban kiểm soát phải làm việc tại công ty: Không thông qua.

ĐHCĐ kết thúc lúc 12h30'.

Phương Chi

Thanh Hương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên