MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vẫn loạn phí và lệ phí

21-11-2007 - 08:38 AM | Doanh nghiệp

Nhiều nơi thu phí làm... quỹ riêng. Tại phiên chất vấn của QH vừa qua, nhiều ĐBQH đã nêu ý kiến cử tri nhiều nơi bức xúc về tình trạng "loạn thu" phí và lệ phí; nhiều DN, xã hội cũng phát ngán vì phí và lệ phí quá cao...

Trong khi đó nhiều địa phương, cơ quan tự đặt ra phí và lệ phí để thu tiền, có nơi lại thu phí và lệ phí cao để rồi lập quỹ riêng, quỹ đen... Vấn đề loạn phí và lệ phí đang đòi hỏi sự công khai, minh bạch và nhất là giảm gánh nặng cho dân.

Bất cập phí - lệ phí

Thời gian qua, VN đã phải bãi bỏ tới 340 loại phí và lệ phí (PLP) không đúng quy định. Bên hành lang Quốc hội, một đại biểu bình luận: Với 340 loại PLP không đúng này đã cho thấy người dân phải chịu gánh nặng nhiều đến mức nào. Thậm chí cho đến nay, nhiều địa phương vẫn mập mờ không báo cáo thực tế về những loại PLP do mình đặt ra. Theo thống kê, số lượng PLP dạng này vẫn còn đến... vài chục.

Tuy nhiên, điều đáng nói là sau khi đánh giá, rà soát thì đến nay tình trạng loạn thu vẫn tồn tại. Cụ thể, hiện có rất nhiều loại PLP chưa được quy định trong pháp lệnh; thế nhưng ở một số cấp ngành lại vẫn đặt ra mà không rõ cơ quan nào có thẩm quyền ban hành mức thu, hình thức thu - nộp ra sao và tổ chức quản lý như thế nào. Cá biệt có loại PLP các cơ quan cứ nghĩ ra cho dù đó là điều.. bất khả thi như phí cung cấp thông tin DN, phí luồng lạch, phí đường biển...

Một dạng loạn thu khác là các cơ quan ban hành mức PLP quá cao khiến người dân không chấp hành nổi và buộc phải... trây ỳ. Điển hình của dạng này là lệ phí cấp mới, đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thậm chí loại tiền như phí phòng, chống thiên tai - quỹ phòng chống lụt bão; phí an ninh trật tự - quỹ an ninh quốc phòng... đang trùng lặp, chồng chéo giữa khoản thu tự nguyện với phần bắt buộc.

Thu cao để chi sai hoặc lập quỹ riêng

 
Một trạm thu phí trên quốc lộ (ảnh chỉ có tính minh hoạ).

Trong khi người dân và xã hội phải chịu gánh nặng PLP thì nhiều nơi lại lấy đó làm nguồn quỹ cho đơn vị mình. Theo kết quả kiểm toán năm 2005, nhiều cơ quan thu PLP quá cao, sử dụng không hết. Số tiền này ở Cục Quản lý lao động nước ngoài lên tới 73 tỉ đồng; Cục Sở hữu trí tuệ cũng tồn quỹ tới hơn 11 tỉ đồng.

Cá biệt, nhiều nơi sử dụng tiền thu từ PLP không tuân thủ quy định hiện hành. Cụ thể theo quy định của Chính phủ thì sau khi thu học phí, các trường tối thiểu phải dành 45% cho trang bị cơ sở vật chất. Thế nhưng hàng loạt các trường sau khi kiểm tra thì số tiền này chỉ vỏn vẹn 15% - 20%. Số tiền còn lại được các trường mạnh tay chi cho các cá nhân dưới dạng thù lao... Hay như Cục Đường bộ VN, hai năm liền sử dụng phí đường bộ sai quy định. Trong số tiền hơn 300,3 tỉ đồng vi phạm, cơ quan này đã chi cho cả việc mua xe ôtô, xây trạm thu phí mới...

Bài toán "giảm gánh nặng cho dân""

Tại kỳ họp Quốc hội lần này, một trong những vấn đề then chốt là việc bãi bỏ nhiều loại PLP để giảm gánh nặng cho dân; trước mắt bao gồm thuỷ lợi phí, học phí cấp trung học cơ sở... Tuy nhiên, theo UB Tài chính - Ngân sách thì vẫn còn hàng loạt vấn đề xung quanh vấn đề loạn thu cần phải xử lý. Đầu tiên là việc tránh "lạm dụng sức dân" trong các vấn đề "nhà nước và nhân dân cùng làm". Luật gia Hữu Dung cho rằng một số khoản như làm đường, khuyến học, xoá đói giảm nghèo... dù tự nguyện song không khác gì một loại PLP, thậm chí có nơi còn là gánh nặng lớn.

Đối với PLP hiện nay, nhiều đại biểu QH kiến nghị tiếp tục bãi bỏ các loại PLP bất hợp lý. Các chuyên gia UB Tài chính - Ngân sách chỉ rõ: Hiện nay, nơi nhiều nhất vẫn phải nộp tới 28 loại PLP; có khoản thu ép đã vi phạm quy chế dân chủ cơ sở. Chính phủ cần có cuộc rà soát tổng thể nhằm thống nhất khung pháp lý về mức thu, việc sử dụng PLP. Đặc biệt cần chấn chỉnh theo hướng giảm bớt khoản thu và mức thu PLP. Các chuyên gia khẳng định: Trong bối cảnh có nơi thu nhập nông dân chỉ 1.500đ/ngày công; việc giảm bớt gánh nặng cho dân là rất quan trọng.

PLP có nơi lên hơn 2 triệu đồng/năm: Tây Nguyên là vùng có ít khoản đóng góp nhất thì cũng có tới 17 khoản/năm; tiếp đến là Nam Bộ có cao nhất 22 khoản đóng góp/năm; ĐBSCL có cao nhất 25 khoản đóng góp/năm và cao nhất là miền núi phía bắc có cao nhất 28 khoản đóng góp/năm. Mức đóng góp cao nhất do địa phương yêu cầu là ĐBSCL lên tới 2.246.000 đồng/năm. (Nguồn: UB Tài chính và Ngân sách của QH)

Theo Phạm Anh
Lao động

thanhtu

Trở lên trên