MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vận tải biển Việt Nam muốn phát triển, cần thay đổi tập quán XNK

21-08-2014 - 21:27 PM | Doanh nghiệp

Doanh nghiệp vận tải khẳng định, một khi phía nước ngoài chọn tàu, chắc chắn, họ sẽ ưu tiên cho tàu của quốc gia họ. Thế nên, tàu Việt Nam đói hàng là tất yếu.

6 tháng đầu năm 2014, tổng lượng hàng xuất nhập khẩu của cả nước là 120 triệu tấn. Trong đó, Việt Nam chỉ vận chuyển 12 triệu tấn, tương đương 10% thị phần. Muốn cải thiện tình hình, các DN vận tải biển cần thay đổi tập quán XNK.

Thực trạng đội tàu biển Việt Nam đang bị mất dần thị phần vận tải biển vào tay DN ngoại hiện đang diễn ra. Qua tìm hiểu, một nguyên nhân quan trọng của thực trạng này là do hầu hết DN xuất nhập khẩu của Việt Nam không sử dụng quyền vận tải trong xuất nhập khẩu hàng hóa. Do đó, có lẽ chỉ khi các DN xuất nhập khẩu thay đổi tập quán vận tải, ngành vận tải biển Việt Nam mới có cơ phát triển.

Tại Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 1, mỗi ngày có hàng trăm doanh nghiệp làm thủ tục XNK. Hầu hết đều chọn phương án mua CIF, bán FOB hay mua hàng tại cảng đến, bán hàng ở cảng đi, nghĩa là cả mua và bán hàng đều ở cảng tại Việt Nam. Tập quán này đã có từ lâu do doanh nghiệp XNK Việt thường chỉ tập trung vào việc mua bán hàng, chứ không đảm nhiệm việc lựa chọn hãng vận tải.

Ông Hoàng Thế Việt, Công ty cổ phần thép Việt Ý, Nhà nhập khẩu cho biết: “Các chủ hàng người ta thuê tàu ở bên nước ngoài. Chứ chúng tôi không được chỉ định tàu”.  

Ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội chủ hàng Việt Nam phân tích: “Cái khó trong quyết định vấn đề vận tải là do phía VN không phải là người quyết định. Quyền quyết định ở bên đặt hàng mà họ lại ở nước ngoài”.        

Còn doanh nghiệp vận tải khẳng định, một khi phía nước ngoài chọn tàu, chắc chắn, họ sẽ ưu tiên cho tàu của quốc gia họ. Thế nên, tàu Việt Nam đói hàng là tất yếu.     

Ông Nguyễn Hữu Hoàn, Giám đốc Công ty cổ phần vân tải biển Hải Âu chia sẻ: “Tình trạng mua FOB, bán CIF, tức là người Việt Nam không giành được thị phần vận tải. Đấy cũng là một lý do. Lý do đó thể hiện rất rõ trên con số thống kê. Năng lực vận tải cao nhưng thị phần vận tải lại rất thấp”.    

6 tháng đầu năm 2014, tổng lượng hàng xuất nhập khẩu của cả nước là 120 triệu tấn. Trong đó, Việt Nam chỉ vận chuyển 12 triệu tấn, tương đương 10% thị phần.

Trong buổi đối thoại với các doanh nghiệp vận tải biển mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết Bộ GTVT đã làm việc với Bộ Công thương, các hiệp hội ngành hàng và tất cả các doanh nghiệp XNK lớn ở Việt Nam, nhằm hỗ trợ cho đội tàu biển phát triển.         

Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định: “Các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp lớn đã chấp nhận chia thị phần, thay bằng dùng tàu nước ngoài thì dùng tàu nội địa của chúng ta. Trước mắt, với các hãng gần, họ sẽ xem doanh nghiệp Việt Nam có đáp ứng được không. Khi đáp ứng được rồi thì doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ đi biển xa”.      
   
Hiệp hội chủ hàng Việt Nam cho rằng, ngày càng nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu VN lớn mạnh có thể mua tận gốc, bán tận ngọn. Do vậy, Hiệp hội sẽ hỗ trợ chủ hàng mạnh dạn áp dụng tập quán mua gốc, bán ngọn này để tiến tới giành quyền chủ động chọn hãng vận tải, nhằm từng bước phát triển đội tàu Việt.

>> Doanh nghiệp Việt chỉ chiếm hơn 10% thị phần vận tải biển

Theo Bạch Hoàn, Thúy Hằng

thunm

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên