MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao chưa bêu tên 600 “đại gia” nợ thuế?

10-07-2015 - 09:47 AM | Doanh nghiệp

Ngày 10/7, hạn cuối Tổng cục Thuế cùng hai Cục Thuế Hà Nội và TPHCM được lệnh phải công bố tên 600 doanh nghiệp có số nợ thuế lớn nhất trong phạm vi quản lý, liệu cơ quan thuế có dám “bêu” tên những “đại gia” nợ thuế tiếp theo?

Tính đến chiều 9/7, chỉ có Cục Thuế Hà Nội công khai tổng cộng 169 doanh nghiệp và 38 dự án bất động sản còn nợ thuế. Trong khi đó, Tổng cục Thuế và Cục Thuế TPHCM vẫn “im lìm” dù hạn chót công bố là hôm nay, ngày 10/7. Mấy ngày qua, PV Tiền Phong liên lạc (gọi điện, nhắn tin) với lãnh đạo cao nhất ngành thuế Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam tìm hiểu thêm, nhưng không liên lạc được, có lúc nghe lại báo bận họp bảo gọi lại sau mà không đưa ra bất cứ một thông tin gì.

“Tổng cục Thuế quản lý thuế các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước lớn, nên cơ quan này sẽ thận trọng trong việc bêu tên, điểm chỉ cụ thể đơn vị nợ thuế lớn”, một chuyên gia kinh tế nhận định.

Hồi đầu tháng, Bộ Tài chính đề nghị ba đơn vị kể trên phải công khai danh sách 600 doanh nghiệp nợ thuế lớn nhất. Mỗi đơn vị công khai 200 doanh nghiệp, trong đó 100 doanh nghiệp có số nợ lớn và 100 doanh nghiệp có số nợ lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu. Trước đó, trong một cuộc họp ngành tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, hiện số nợ thuế cả nước đã lên tới 72.000 tỷ đồng, chiếm 10% số thu, gấp đôi chỉ tiêu Quốc hội cho phép (quy định tỷ lệ nợ thuế tối đa 5% số thu).

Trong bối cảnh giá dầu thô giảm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, Bộ Tài chính xem việc tăng thu nội địa như là giải pháp để bù hụt thu, trong đó giảm nợ đọng thuế được đặt lên hàng đầu. Theo chỉ tiêu được Bộ trưởng Tài chính giao đầu năm, ngành thuế phải đảm bảo năm nay tăng thu 10% so với dự toán. Nhiều địa phương trọng điểm như Hà Nội, TPHCM có tỷ lệ nợ đọng thuế cao. Cụ thể như Cục Thuế TP Hà Nội phải tăng thu 6.200 tỷ đồng và sau lần công bố thứ 3 chiều 9/7, số nợ thuế của doanh nghiệp do cục này quản lý vào khoảng 3.000 tỷ đồng.

Đủ lý do doanh nghiệp xin hoãn

Trong danh sách Cục Thuế Hà Nội công bố, dự án Khu đô thị Phú Lương (Hà Đông) nợ tiền sử dụng đất gần 200 tỷ đồng. Đại diện chủ đầu tư (Cty CP Đầu tư Xây dựng Trung Việt) thừa nhận số tiền cơ quan thuế thông báo nợ đến tháng 5/2015 là đúng. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã xin giãn thời gian nộp bởi dự án đang trong quá trình làm hạ tầng, chưa có lợi nhuận. Ông Lê Quốc Bình, TGĐ Cty CP Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội (chủ dự án Diamond Flower Tower) chia sẻ: “Dự án còn hơn 100 tỷ đồng tiền thuế chưa nộp, số tiền đó với chúng tôi không lớn. Tháng 8/2015, dự án bàn giao căn hộ cho khách hàng, tôi cam đoan sẽ trả hết nợ cho nhà nước”.

Trong danh sách, Cty Hoàng Hà nợ tiền sử dụng đất 2 dự án (Khu đô thị Bắc Đại Kim và Nhà ở Công an quận Hoàng Mai) hơn 60 tỷ đồng. PGĐ Nguyễn Văn Quỳnh thừa nhận về khoản nợ này, nhưng phân trần thêm: Theo quyết định của UBND TP Hà Nội, công ty phải bỏ tiền ra để làm đường vành đai 2,5 đoạn từ QL 1A đến Đầm Hồng số tiền 1.300 tỷ đồng, đổi lại Hà Nội sẽ đối ứng bằng đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án Khu đô thị Bắc Đại Kim mở rộng. “Dự án Nhà ở Công an quận Hoàng Mai chưa hoàn thành, chưa bàn giao, trong thời điểm bất động sản khó khăn nên chưa có nguồn tiền để nộp. Khi dự án bàn giao căn hộ, chúng tôi sẽ hoàn thành nghĩa vụ tài chính để hoàn thiện thủ tục làm sổ đỏ cho người dân”, ông Quỳnh nói.

Cty TNHH Thăng Long nợ gần 24 tỷ đồng tiền thuế sử dụng đất 2 dự án (Trụ sở văn phòng làm việc, dịch vụ công cộng và nhà ở tại phường Yên Hòa, Cầu Giấy; Khu nhà ở bán cho cán bộ Cục cảnh sát điều tra ma túy). Theo quy định, chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước rồi mới bán căn hộ cho khách hàng, nhưng thực tế dự án tại Cầu Giấy đã bán cho khách hàng (hình thức góp vốn…). Chủ đầu tư vừa xin hoãn nghĩa vụ nộp ngân sách vừa hoãn bán căn hộ. PGĐ Trương Văn Đức nói: Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, giao dịch bất động sản trầm lắng, dự án đang xin xác định lại tiền chuyển mục đích sử dụng phần chuyển đổi từ văn phòng sang nhà ở theo Quyết định số 6659 của UBND Hà Nội. “Hiện công ty chỉ nợ gần 20 tỷ đồng và đã có văn bản gửi Cục Thuế Hà Nội xin giãn, hoãn đến hết tháng 7/2015 rồi sẽ trả hết”, ông Đức cho hay.

Hiện số nợ thuế cả nước đã lên tới 72.000 tỷ đồng, chiếm 10% số thu, gấp đôi chỉ tiêu Quốc hội cho phép (quy định tỷ lệ nợ thuế tối đa 5% số thu). Trong khi dự báo ngân sách hụt thu do giá dầu thô giảm khoảng 32.000 tỷ đồng.

Theo Tuấn Đức - Ngọc Mai

Tiền Phong

Trở lên trên