MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Uber muốn giấu số điện thoại của khách hàng và tài xế?

06-03-2016 - 11:00 AM | Doanh nghiệp

Uber sẽ tiến hành việc giấu số điện thoại của khách hàng lẫn tài xế khi họ liên lạc với nhau để thực hiện chuyến gọi xe...

Giám đốc Uber Việt Nam Đặng Việt Dũng hôm 4/3 chia sẻ với báo chí cho biết, Uber sẽ tiến hành việc giấu số điện thoại của khách hàng lẫn tài xế khi họ liên lạc với nhau để thực hiện chuyến gọi xe.

Việc này nhằm phòng tránh khả năng khách hàng hoặc tài xế biết được số điện thoại của người kia, có thể làm phiền nhau về sau. Theo ông Dũng, phương thức này đã được thực hiện ở nhiều quốc gia, và sẽ áp dụng ở Việt Nam trong thời gian tới, do vấn đề kỹ thuật vẫn chưa hoàn chỉnh.

Về lý thuyết, lái xe và khách đặt xe có thể không cần gọi cho nhau nhưng vẫn biết được vị trí người kia nhờ định vị GPS, tuy nhiên theo ông Dũng, tín hiệu mạng ở Việt Nam vẫn chưa đủ mạnh để truyền thông tin vị trí chính xác, kịp thời, nên lái xe và khách hàng đặt xe Uber vẫn phải gọi điện cho nhau để liên lạc. Theo ông Dũng, nếu việc giấu số được thực hiện, khách hàng và tài xế có thể sẽ không nhắn tin được cho nhau.

Về thông tin dịch vụ UberMOTO – một hình thức “xe ôm” đã triển khai ở Thái Lan và được cho là sẽ triển khai ở Việt Nam và Indonesia – ông Dũng trả lời ICTnews cho biết đang cân nhắc giới thiệu ở thị trường Việt Nam.

Trước đó, ông Dũng cho rằng ở Thái Lan, xe ôm đắt hơn taxi nên việc triển khai UberMOTO ở nước này là hiệu quả, tuy nhiên ở Việt Nam, thị trường vận chuyển bằng xe máy (gồm xe ôm, giao hàng…) đã được các đối tác như GrabBike, Giao Hàng Nhanh làm rất tốt, nên Uber cần cân nhắc trước khi tung ra dịch vụ. Ông Dũng cho rằng, không phải doanh nghiệp tung ra dịch vụ trước thì sẽ tồn tại đến sau cùng.

Hướng phát triển tương lai của Uber, theo ông Dũng, sẽ vẫn là một công ty cung cấp dữ liệu. Uber có dữ liệu về lượng xe tham gia giao thông, về tần suất tham gia của xe trên đường, về số lượng xe tập trung ở khu vực nào, thậm chí có cả thông tin hành khách đi xe… nên có thể giúp các nhà hoạch định chính sách trong việc quy hoạch thành phố.

Bên cạnh đó, Uber cũng có thể liên kết với các đối tác như cửa hàng thời trang, rạp phim, trung tâm mua sắm,… để tạo lợi ích cho người dùng lẫn kéo khách hàng cho đối tác; ví dụ một khách hàng được ghi nhận là thường xuyên ghé các quán cà phê thì Uber sẽ làm việc với đối tác là quán cà phê để khuyến mại dịch vụ đến khách hàng đó, một cách như Facebook hay Google đưa quảng cáo đến người dùng dựa trên thói quen lướt web của họ.

Trong buổi gặp gỡ báo chí hôm 4/3, ông Dũng cũng đồng thời cho biết mong muốn cùng với các hoạch định chính sách ở Việt Nam thảo luận để tạo khung pháp lý cho các dịch vụ mới cung cấp như Grab hay Uber, tượng tự như Uber đã làm với chính phủ Mỹ và Mexico.

Giám đốc Uber Việt Nam cho biết có khoảng 10.000 tài xế đang đăng ký lái xe Uber, mặc dù không phải tất cả trong số họ hoạt động lái xe hàng ngày. Thu nhập bình quân của lái xe UberX khoảng 75.000-85.000 đồng/giờ, người lái tốt có thể đạt 150.000 đồng/giờ, theo ông Dũng.

Tài xế Uber gian lận, hành hung, lăng mạ hành khách

Thời gian gần đây, Công ty TNHH Uber Việt Nam luôn là tâm điểm thu hút dư luận về việc áp dụng công nghệ mới vào vận chuyển hành khách. Nhưng chỉ sau một thời gian hoạt động, Uber lại khiến nhiều hành khách bức xúc, ấm ức vì được các tài xế “chui” phục vụ không giống ai.

Báo Tri thức Trực tuyến đưa tin, giả vờ điện thoại bị hỏng để gian lận, hoặc từ chối những cuốc đi ngắn, thậm chí gọi điện mắng chửi khách hàng khi chấm sao thấp là những biểu hiện của tài xế Uber mà anh Nguyễn Văn Thanh (Hà Nội) gặp gần đây. Cũng vì lý do trên, anh Thanh dần ít lựa chọn Uber khi cần di chuyển, mặc dù ban đầu anh rất thích thú và hài lòng.

Khách hàng này cho biết, nếu tình trạng trên còn diễn ra, anh sẽ xóa ứng dụng và cho Uber vào "Black list" trong điện thoại cá nhân.

Mới đây, do lỡ tay chấm điểm 2 sao cho một tài xế Uber, anh Tuấn Anh (Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã bị người này gọi điện lại mắng chửi thậm tệ. Chưa kịp nghe khách hàng giải thích, người này đã dập máy.

Anh Tuấn Anh cho biết, không thể phủ nhận về công nghệ hiện đại cũng như sự tiện lợi, giá cả Uber ngày càng tốt. Thế nhưng, thái độ, cách ứng xử của tài xế Uber đang ngày càng tệ.

Ngoài ra, anh Tuấn Anh còn không thoải mái khi tài xế Uber nói chuyện điện thoại quá nhiều. Bên cạnh đó, có trường hợp tài xế còn tìm cách ăn chặn tiền bằng cách bắt hành khách hủy tiền đặt xe từ dịch vụ.

Báo Doanh nghiệp Việt Nam đưa tin, bức xúc tột cùng trước cách phục vụ của tài xế Uber, anh Mai H. (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Tôi là một khách hàng của Uber nhưng nhiều lần đã bị tài xế của công ty này cho “bỏ rơi” với những lý do rất khó hiểu như: Bận việc gia đình, xa quá không phục vụ được, ngoài vùng phục vụ…

Đáng chú ý, dù họ là những người từ chối phục vụ nhưng đã gọi điện đề nghị tôi hủy dịch vụ để không làm ảnh hưởng đến nhận xét, đánh giá của công ty TNHH Uber Việt Nam đối với họ”.

Cũng theo anh Mai H. cho biết, vào khoảng 13h ngày 20/12/2015, anh H. có gửi yêu cầu dịch vụ đến Uber để có xe ô tô di chuyển từ Times City về nhà ở Định Công. Chỉ sau vài phút, nữ tài xế Uber gọi điện xác nhận vị trí của khách hàng, đồng thời hỏi: “Anh đi mấy người, về đâu?”. “Tôi đi ba người, trong đó có mẹ già và con nhỏ đang đứng đợi ngoài trời nắng đề nghị chị đến sớm. Tuy vậy, khi nghe số lượng người thì chị ngày đáp trả không phục vụ, đồng thời đề nghị tôi hủy yêu cầu với lý do: “Trên xe em có hai đứa con và đang đi có việc. Nếu anh đi một mình thì em chở ngay nhưng anh đi nhiều người thì sợ không đủ chỗ”. Dứt câu nói, nữ tài xế Uber này dập máy để mặc mẹ tôi cùng con nhỏ đứng đợi nắng trước đấy gần 10 phút chờ xe... – Anh H. chán nản với cách phục vụ của tài xế Uber.

Bị trừ tiền vô lý trong tài khoản cá nhân, anh Hoàng Minh T. (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bức xúc: “Khi tôi yêu cầu xe Uber đi từ Đại học Báo chí sang Đông Anh có việc gấp thì khoảng 10 phút sau tài xế của công ty này đến phục vụ. Tuy vậy, khi nghe ý định tôi muốn đến Đông Anh thì anh ta từ chối phục vụ với lý do quảng đường quá xa”.

Rất bức xúc vì bị cho “leo cây”, anh T. đành thở dài bắt xe khác để đi cho kịp giờ hẹn với khách. Ai ngờ, chỉ sau đó ít phút thì bên Uber lại có thư gửi về gmail của anh T. với lý do trừ 5.000 đồng về việc hủy chuyến đi.

“Số tiền rất nhỏ tôi không nói đến nhưng rất bức xúc vì cách hành xử của lái xe và cách kinh doanh vô lý của Uber. Họ đã trừ số tiền trong tài khoản của tôi vì cho rằng tôi là người có lỗi…” – Anh T. rất bức xúc.

Theo Ngọc Anh

Đời Sống và Pháp Luật

Trở lên trên