MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VSP: Cách nào để 6 tháng cuối năm đạt trên 342 tỷ đồng LNTT?

01-07-2009 - 08:43 AM | Doanh nghiệp

VSP đang xem xét chuyển nhượng dự án Khu Đô thị Golf Mê Linh – Hà Nội; 6 tháng cuối năm toàn bộ đội tàu đi vào hoạt động; mục tiêu thời gian này đạt 342 tỷ đồng LNTT.

Thông tin Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2008 CTCP Đầu tư và vận tải Dầu khí Vinashin (VSP) vừa diễn ra hôm 29/6.

Giá cước vận tải giảm tới 80%, 6 tàu đi sửa chữa định kỳ

Theo chia sẻ từ phía VSP, từ quý III/2008, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế bắt đầu diễn ra đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của VSP. Từ tháng 9/2008, một loạt các hợp đồng bán tàu của VSP đã bị khách hàng từ chối; đặc biệt giá cược vận tải, tuyến mà VSP hoạt động bị ảnh hưởng rất lớn đã làm cho kết quả kinh doanh 2008 không như kỳ vọng của lãnh đạo VSP.

Ông Nguyễn Duy Hùng, tổng giám đốc cho biết: “Năm 2008, nếu không bị vấn đề suy thoái, chúng tôi ước tính lợi nhuận sẽ đạt khoảng 800 tỷ đồng chứ không phải xấp xỉ 300 tỷ đồng như hiện nay”.

Năm 2008, VSP đầu tư mạnh vào 3 tàu, đã đem lại hiệu quả nhưng cũng làm mất cân đối dòng tiền trong năm.

Năm 2009 tình hình thị trường vận tải xấu đi, giá cước giảm gần 80%, có những lúc tàu không hoạt động, không có doanh thu, cộng với việc phải đưa một loạt 6 con tàu lên đà sửa chữa định kỳ cũng đã khiến cho VSP bị lỗ lớn trong 6 tháng đầu năm. Tính đến thời điểm 29/06, ước tính quý 2 VSP sẽ lỗ 82 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm lỗ 192 tỷ đồng.

“Chúng tôi thành thật trả lời với quý vị cổ đông: trong 6 tháng đầu năm 2009, dòng tiền của VSP mất cân đối trầm trọng”, bà Nguyễn Thị Phương Uyên, TV. HĐQT cho biết.

Kỳ vọng xuất gạo đi Châu Phi, cát đi Singapore, thu hẹp Bất động sản

Thị trường vận tải đi xuống từ quý IV/2008, và thời điểm đáy của thị trường vào tháng 3, 4 vừa qua, VSP cho biết quyết định đem tàu đi sửa chữa để tránh thời điểm giá cước thấp. Với tình hình thị trường như hiện nay, giá cho thuê tàu ở khu vực Atlantic đạt đến 26.000 - 27.000 USD/ngày so với thời điểm tháng 9,10/2008 giá chỉ có khoảng 7.000 - 8.000 USD/ngày, lãnh đạo VSP hi vọng  quý 6 tháng cuối toàn bộ đội tàu đã sửa chữa xong và đi vào hoạt động sẽ tăng được doanh thu, lợi nhuận.

Ông Nguyễn Duy Hùng cho biết: “Từ giờ đến tháng 12, chúng tôi phải đạt được mức khoảng 342 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế thì mới bù đắp được khoản lỗ cũng như đạt được lợi nhuận 150 tỷ mà chúng tôi đã đăng ký với các cổ đông”.

Cơ sở đảm bảo cho kế hoạch và mục tiêu của VSP là có thể đạt được gồm: thu từ hoạt động vận tải do thị trường vận tải bắt đầu khả quan hơn; thu từ dịch vụ thượng mại xuất nhập khẩu ( xuất khẩu gạo giá CIF đi Châu Phi, xuất khẩu cát đi Singapore, cao su, phân bón…); thu từ hoạt động đầu tư chuyển nhượng dự án.

Trong đó, VSP kỳ vọng nhất vào mảng thương mại xuất khẩu gạo đi Châu Phi và cát đi Singapore. Đặc biệt đối với cát, VSP là đơn vị duy nhất được phép khai thác mỏ cát lớn nhất của Campuchia (quãng đường vận chuyển từ Campuchia đi Singapore rất gần, dự kiến xuất khẩu 01 triệu tấn/ tháng, VSP làm việc thẳng với đối tác là chính phủ Singapore). Ngoài ra VSP cũng đang xem xét chuyển nhượng dự án Khu Đô thị Golf Mê Linh – Hà Nội.

Trả lời thắc mắc của cổ đông về việc liệu VSP có đang co hẹp hoạt động trong mảng kinh doanh truyền thống và mở rộng kinh doanh qua các lĩnh vực không chuyên, ban lãnh đạo của VSP cho biết họ muốn tận dụng khả năng kinh nghiệm của mình đã tăng thêm nguồn thu, lợi nhuận bù đắp cho tình hình vận tải hiện nay cũng như đang thu hẹp hoạt động đầu tư bất động sản thông qua việc bán một phần dự án có lợi nhuận để tái đầu tư cho các dự án trọng điểm của VSP.

Chỉ tiêu kế hoạch năm 2009 của VSP là: Tổng doanh thu: 1.500 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế: 150 tỷ đồng; Cổ tức phân phối 20%.

V.Minh - Q.Nguyễn


tuyetminh

Trở lên trên