MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ Sở GTVT Hà Nội ra 2 "tối hậu thư": Doanh nghiệp vận tải không phục

06-07-2013 - 21:26 PM | Doanh nghiệp

Quan điểm của Sở GTVT vẫn bảo lưu: Đến ngày 20.7 nếu DN vận tải thuộc diện phải di chuyển không đi sẽ bị cắt hợp đồng khai thác, khiến các DN vẫn tải bức xúc cho rằng không thấu tình đạt lý.

Các DN vận tải của nhiều tỉnh thuộc diện nằm trong “hai tối hậu thư” của  Sở GTVT Hà Nội, chiều 4.7 đã có cuộc đối  thoại, phân tích, đánh giá khá thẳng thắn với sở này về nguyên nhân “vỡ bến”, ùn tắc cả trong và ngoài bến xe Mỹ Đình.

Tuy nhiên, quan điểm của Sở GTVT vẫn bảo lưu: Đến ngày 20.7 nếu DN vận tải thuộc diện phải di chuyển không đi sẽ bị cắt hợp đồng khai thác, khiến các DN vẫn tải bức xúc cho rằng không thấu tình đạt lý.

Chưa xe nào chuyển, bến Mỹ Đình đã thoáng(!?)


Đây là khẳng định của đại diện sở GTVT tỉnh Hà Nam, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… với lãnh đạo Sở GTVT vào chiều qua (4.7).

Theo ông Nguyễn Kiên Cường - Giám đốc Cty dịch vụ vận tải Hòa Bình, là một trong những đơn vị đầu tiên vào bến Mỹ Đình khi bến mới thành lập: "Gần 1 năm đầu cắn răng chịu lỗ vì khách chưa quen, phải chạy xe không. Sau một thời gian cố gắng phấn đấu, mới có khách quen, mới có tiền trả nợ ngân hàng. Giờ công việc coi như dần vào nếp, thì nhận được “tối hậu thư” yêu cầu chuyển 118 lượt xe từ Mỹ Đình về bến Yên Nghĩa, khác nào đẩy các DN chúng tôi xuống vực, đẩy lái xe và gia đình lái xe vào cảnh thất nghiệp.

Lý do điều chuyển là để giảm tải cho bến, giảm ùn tắc quanh khu vực bến. Song, tôi thấy chỉ sau vài ngày lực lượng chức năng dẹp nạn xe dù, bến cóc quanh bến Mỹ Đình, bến đã vô cùng thoáng. Điều này chứng tỏ lượng xe đang hoạt động trong bến không ảnh hưởng đến việc ùn tắc, kể cả trong kỳ thi đại học đang diễn ra, vậy việc điều chuyển là có cần thiết hay không?".

Cùng chung quan điểm, ông Đậu Xuân Ngọc - Giám đốc Cty Thiên Trường - cho biết: "Đề nghị Sở GTVT Hà Nội xem xét lại quyết định việc điều chuyển. Xe chúng tôi hoạt động chủ yếu ở trên đường vành đai và đường trên cao, không hề đi xuyên tâm, nên sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến việc ùn tắc trong nội đô. Thời gian gần đây, chúng tôi không còn thấy xe dù, bến cóc xuất hiện, hoạt động trong bến cũng thuận lợi hơn. Bởi thế, nếu sở cứ bắt DN điều chuyển, sẽ là thiệt thòi cho cả DN và hành khách".

Sở GTVT Hà Nội tiếp tục dồn DN đến đường cùng!

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - vẫn thẳng thắn bày tỏ quan điểm: Việc điều chuyển số lượng đầu xe lớn như vậy, thậm chí gây ảnh hưởng, xáo trộn đến hoàn cảnh của rất nhiều người lao động thì cần phải có lộ trình hợp lý. Không thể cứ ra văn bản là bắt DN phải thực hiện ngay. Trong trường hợp này cần có đề án rõ ràng, có sự chấp thuận, họp bàn giữa cơ quan quản lý nhà nước với các DN.

Trả lời quan điểm này của Hiệp hội Vận tải và các DN, ông Nguyễn Xuân Tân - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - cho biết: "Tôi không phải là người trực tiếp làm vận tải, song cũng xin chia sẻ khó khăn với các DN. Khi DN đầu tư, vượt khó khăn, nay đã có khách, đường sá quen và đầu bến đi, bến đến đều đã thân quen. Nay đùng cái yêu cầu chuyển, DN phải thay đổi lộ trình, khách cũng chệnh choạng, thậm chí mất khách. Nhưng chúng ta cũng cần đồng tình với nhau là nếu cứ quen như thế mà làm, 10 DN quen cùng lúc, thì câu chuyện vận tải sẽ nan giải vì giờ sẽ cấp cho ai, ai sẽ vào, ai sẽ ra, ai sẽ ở lại và ai sẽ di chuyển…

Dù không làm vận tải, song qua quá trình quản lý, tôi cũng hiểu rằng việc mở một luồng tuyến mới, khai thác một tuyến mới là cả một khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần một bài toán hài hòa làm sao để thuận lợi cho người dân và giảm ùn tắc giao thông. Tôi cũng từng chứng kiến xe xuất phát từ bến Mỹ Đình, mà chạy đi chạy lại tới 3 vòng để bắt khách, như thế làm sao đảm bảo an toàn. Việc giao thông thông thoáng cho thủ đô, đảm bảo an toàn cho người dân lưu thông, giảm tai nạn giao thông là điều vô cùng quan trọng. Do đó, việc tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại hoạt động vận tải là cần thiết. Hà Nội sẽ tạo mọi điều kiện cho người dân lưu thông bằng cách bố trí cứ 10 phút là có một chuyến xe buýt chạy liên thông giữa các bến".

“Tôi đề nghị các DN suy nghĩ, tiếp tục đăng ký vị trí bến điều chuyển theo đúng tinh thần mà Sở GTVT đã đề ra. Sau ngày 20.7.2013 sẽ cắt hợp đồng khai thác với các đơn vị trong diện điều chuyển và nếu đơn vị nào không đăng ký với Sở GTVT Hà Nội sẽ sắp xếp điều chuyển về bến xe Yên Nghĩa” - ông Tân khẳng định.

Về việc bố trí xe buýt vận chuyển hành khách, ông Liên cho rằng: TP hiện đang trợ giá cho xe buýt rất lớn, do đó sẽ không thể bố trí đủ xe để vận chuyển khách. Tiếp đến sẽ lại gây phức tạp thêm về tình hình TTATGT cho khu vực khác. Ngoài ra, theo quy định thì xe buýt lại không được phép chở hàng hóa. Trước các ý kiến của DN vận tải, đặc biệt là một quyết định gây ảnh hưởng đến nhiều người, rất cần Sở GTVT Hà Nội xem xét, vừa đảm bảo cả lợi ích của DN và hành khách, đồng thời giao thông của thủ đô an toàn và thông thoáng.

Xe đón trả khách sai quy định tại Mỹ Đình chiếm hơn 50% số xe vi phạm toàn TP.Hà Nội

Ông Nguyễn Hoàng Giáp -  Chánh thanh tra Sở GTVT  Hà Nội - cho biết, chỉ sau 2 tuần ra quân quyết liệt cùng công an các quận - huyện, đã giải tỏa hơn 80 trường hợp cá nhân trông giữ xe trái phép xung quanh khu vực bến xe Mỹ Đình, đường Phạm Hùng. Giải tỏa dứt điểm bãi xe dù đằng sau bến xe Mỹ Đình. Xử lý trên 1.700 lượt vi phạm xe ôtô chạy sai luồng tuyến, dừng đón trả khách sai quy định, thậm chí cả xe của bến Yên Nghĩa lên bến Mỹ Đình bắt khách… Qua quá trình thống kê, có 381 lượt phương tiện đón trả khách sai quy định tại bến Mỹ Đình, 110 lượt phương tiện đón trả khách sai quy định tại khu vực Giáp Bát, 63 lượt xe vi phạm tại bến Yên Nghĩa, còn lại là ở các bến khác. Trên cơ sở đó, Thanh tra sở cũng kiến nghị Sở GTVT cắt 51 nốt của 16 đơn vị vận tải khách liên tỉnh. Đặc biệt, Sở GTVT Hà Nội đã tiến hành cắt 8 nốt của Cty TNHH VTDL Khai Nguyên là đơn vị có nhiều xe vi phạm và tái phạm.

H.Nguyên

Theo Quang Hiệu

thunm

Báo lao động

Trở lên trên