MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu vào EU và những lưu ý cho doanh nghiệp

17-05-2014 - 16:56 PM | Doanh nghiệp

Việc nắm bắt đầy đủ thông tin về thị trường EU sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện sự tuân thủ pháp lí và yêu cầu của EU về hàng hóa XK.

Trong những năm qua, quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và EU đã liên tục tăng trưởng. Từ đầu năm nay EU đã áp dụng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho hàng XK Việt Nam. Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU dự kiến sẽ kết thúc đàm phán vào cuối năm 2014 đang tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam có sức cạnh tranh hơn khi tiếp cận thị trường EU.

Tuy nhiên để tận dụng lợi thế bản thân từng doanh nghiệp cũng như nền kinh tế phải nâng tầm để thích ứng với những khuôn khổ thể chế và luật chơi chung nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, biến thách thức thành cơ hội.

Tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - EU do Phái đoàn EU tại Việt Nam và Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM (VCCI TP.HCM) phối hợp tổ chức tại TP.HCM ngày 13-5, ông Jaen Jacques Bouflet, Tham tán Công sứ Phái đoàn EU tại Việt Nam nhận định, GSP là ưu đãi đơn phương EU dành cho Việt Nam vì thế sẽ chịu sự xét duyệt 3 năm 1 lần và các hạng mục được ưu đãi sẽ luôn có sự thay đổi.

Do vậy các doanh nghiệp cần sẵn sàng chuẩn bị cho việc không được hưởng GSP. Tuy nhiên, khi FTA được kí kết, tỉ lệ GSP sẽ không quan trọng vì FTA có nhiều ưu đãi về thuế quan hơn GSP. Điều cần làm là các doanh nghiệp cần chuẩn bị một cách đầy đủ nhất để nắm bắt cơ hội do FTA mang lại thông qua việc truy cập thông tin đầy đủ nhất về thị trường này. Việc nắm bắt đầy đủ thông tin về thị trường EU sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện sự tuân thủ pháp lí và yêu cầu của EU về hàng hóa XK.

Từ góc độ của cơ quan quản lí nhà nước, ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - Bộ Công Thương cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam phải học được cách quản lí và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của người tiêu dùng ở châu Âu và việc các doanh nghiệp tham gia vào hệ thống phân phối bán buôn và các chuỗi bán lẻ tại EU là cách tốt nhất để có thể trực tiếp tiếp xúc với nhu cầu của người tiêu dùng của thị trường này.

Ngoài ra, việc tham gia vào các hệ thống phân phối của EU còn giúp doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu, bán được giá cao hơn và quan trọng là duy trì đầu ra ổn định. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam khi XK trực tiếp vào hệ thống phân phối EU cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn do yêu cầu chất lượng, quy chuẩn cao, đàm phán tài chính khó khăn, lượng cung hàng lớn, khả năng bị phụ thuộc nếu không xây dựng được thương hiệu…

Là một thị trường quan trọng đối với ngành thủy sản, trong những năm gần đây sản lượng XK thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU luôn ổn định với mức tăng trưởng trên 35%/năm. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Ngô Văn Sinh, Trưởng phòng chất lượng Thủy sản, Trung tâm Chất lượng Nông Lâm Thủy Sản vùng 4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, XK sang thị trường EU ngày càng khó khăn do nội dung các rào cản ngày càng nhiều, yêu cầu kiểm soát mầm bệnh ngày càng cao. Và sự chênh lệch về trình độ và sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp ngày càng khốc liệt.

Theo ông Ngô Văn Sinh, để xuất được hàng sang EU, ngoài việc phải nằm trong danh sách quốc gia và doanh nghiệp được EU công nhận, các doanh nghiệp còn phải đáp ứng các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn dịch bệnh cho từng loài thủy sản, tuân thủ các quy định nguồn gốc từ nguyên liệu NK và có giấy chứng nhận vệ sinh của cơ quan thẩm quyền (đúng mẫu theo từng nhóm sản phẩm). Ngoài ra, hàng hóa XK vào EU phải qua trạm kiểm soát biên giới (BIPs) với các nội dung nghiêm ngặt liên quan đến chứng thư XK…

Theo ông Frank Juettner, Tổng giám đốc Công ty TUV Rheinland Việt Nam, thị trường EU rất khắt khe về các quy định bảo vệ môi trường và sức khỏe con người và nếu không đáp ứng được các yêu cầu về kĩ thuật hàng hóa XK sẽ bị loại ra khỏi thị trường. Tại EU có rất nhiều tổ chức kiểm tra sản phẩm cho người tiêu dùng và có các chính sách trả hàng và lấy tiền lại nếu hàng hóa không đáp ứng đủ các yêu cầu về kĩ thuật. Vì vậy muốn thành công ở thị trường EU các doanh nghiệp phải có chiến lược tuân thủ hàng rào kĩ thuật thông qua việc tìm hiểu kĩ quy định của EU, yêu cầu của người mua và tìm được đối tác tin cậy, lâu dài.

Chia sẻ với các doanh nghiệp tại diễn đàn, ông Lê Kỳ Anh chuyên viên phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, tuân thủ các quy định của EU, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội thâm nhập được vào thị trường khác. Theo ông Lê Kì Anh, các doanh nghiệp XK sang thị trường EU có thể tìm kiếm những thông tin chính thống và hữu ích cho mình thông qua Cổng thông tin Export Helpdesk. Tại Export Helpdesk các doanh nghiệp có thể tim kiếm được các thông tin về thuế NK và thuế nội địa của từng nước trong EU, các tiêu chuẩn kỹ thuật mà sản phẩm phải đáp ứng. Các quy định cụ thể và chi tiết về xuất xứ của từng mặt hàng, quy định của liên minh hải quan, quy định thương mại quốc tế và các mặt hàng hạn chế NK…

Theo Nguyễn Huế


thunm

Báo Hải quan

Trở lên trên