MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Yêu cầu PVN đánh giá lại các dự án

24-09-2012 - 21:01 PM | Doanh nghiệp

Trước đó, Thủ tướng yêu cầu PVN cần có phương án sắp xếp lại các doanh nghiệp cấp II, III và IV, thu gọn đầu mối để thực sự tập trung vào 5 lĩnh vực kinh doanh chính.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa giao Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có báo cáo tổng hợp, đánh giá các dự án đã và đang thực hiện đầu tư trong giai đoạn từ 2006 đến tháng 6/2012.

Trên cơ sở này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tổ chức đánh giá lại sự cần thiết, hiệu quả đầu tư các dự án của PVN và các đơn vị thành viên, kể cả các dự án đầu tư ra nước ngoài. Các công việc trên phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/10/2012.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng có ý kiến chỉ đạo về Đề án tái cơ cấu PVN. Thủ tướng yêu cầu PVN cần có phương án sắp xếp lại các doanh nghiệp cấp II, III và IV, thu gọn đầu mối để thực sự tập trung vào 5 lĩnh vực kinh doanh chính, gồm: Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; lọc - hóa dầu; công nghiệp khí; công nghiệp điện; dịch vụ dầu khí chất lượng cao.

Theo đánh giá của Chính phủ, trong những năm qua, PVN luôn giữ được vai trò của một tập đoàn kinh tế mạnh, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, phát triển ngành dầu khí khá nhanh và đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến chế biến dầu khí, sản xuất phân bón, điện, dịch vụ dầu khí chất lượng cao, cũng như mở rộng hoạt động ra nước ngoài. Tuy nhiên, hoạt động của PVN cũng có những điểm yếu. Chẳng hạn, đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính không có hiệu quả, có nơi thua lỗ kéo dài, mô hình tổ chức và cơ chế quản lý nội bộ còn nhiều bất cập, thành lập dàn trải, quá nhiều công ty cháu (doanh nghiệp cấp III), gây khó khăn cho quản lý, giám sát của chủ sở hữu và đã ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả hoạt động chung của PVN.

Trước đó, vào tháng 7/2012, khi chia sẻ với báo giới về tổng các khoản đầu tư ra ngoài ngành, ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch PVN cho hay, có khoảng 5.000 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành và có hai trường hợp đặc biệt mà PVN đề xuất lên Chính phủ không thoái vốn hoàn toàn, trong đó có Tổng công ty Tài chính Dầu khí (PVFC), bởi đây là tổ chức cần thiết để thực hiện thu xếp vốn cho PVN, không sinh ra theo phong trào, nên PVN kiến nghị chỉ thoái vốn xuống còn 20%.

Tuy nhiên, Thông báo 309/TB-VPCP cũng lưu ý việc không duy trì PVFC, đồng thời yêu cầu PVN có phương án xử lý cụ thể, chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Hiện PVFC đã đề xuất tới Ngân hàng Nhà nước việc chuyển đổi mô hình hoạt động sang theo mô hình ngân hàng.

Theo Hạnh Giang

Vef

thanhhuong

Trở lên trên