Doanh nhân Đỗ Thùy Dương: Thời này không còn công việc ổn định cả đời, lộ trình thăng tiến theo năm, muốn thành công bạn chỉ có một cách duy nhất!
Chủ động trong công việc, chủ động khiến bản thân nổi bật bằng thành tích và tiềm năng chính là cách tốt nhất giúp bạn thành công!
- 09-09-2020Bạn thấy mình ở đâu trong 10 năm tới? Muốn thành công nhất định phải biết nâng tầm ảnh hưởng của bản thân!
- 07-09-2020Bài học kinh doanh "biến đống phế liệu thành vàng" của người Do Thái: Dùng sự khôn ngoan để kiếm tiền, đó mới là sự giàu có chân chính
- 06-09-2020Đứng trước cơ hội làm ăn 80% mọi người tin tưởng, tỷ phú Lý Gia Thành tuyệt đối sẽ không làm: Hành động của người giàu có, người bình thường sẽ không thể nào hiểu được!
Mỗi người chúng ta đều mong muốn có được thành công trong công việc, sự nghiệp. Tuy nhiên, không ít người có tâm lý ỷ lại, trông chờ vận may trong công việc chưa không hề chủ động nắm bắt những cơ hội. Tinh thần làm chủ không chỉ gói gọn trong việc tạo dựng một doanh nghiệp riêng, xây dựng một đế chế để thay đổi thế giới; việc làm chủ còn có thể hiểu theo nghĩa chủ động làm chủ được cuộc đời mình, cuộc sống và môi trường xung quanh.
Bàn về vấn đề "tinh thần làm chủ trong công việc", doanh nhân Đỗ Thùy Dương - Người sáng lập công ty Cổ phần Hội tụ nhân tài TalentPool đã có những chia sẻ rất tâm đắc:
"Be the CEO of your JOB" là chủ đề tôi nhận được nhiều lời mời chia sẻ doanh nghiệp nhất bởi đó là "nỗi ưu phiền" lớn nhất của giới quản lý khi người lao động không có tinh thần làm chủ công việc.
Người Mỹ mỗi khi được khen tặng vì thành tích họ trả lời đơn giản "That's my job" - đó là việc của tôi. Câu nói đơn giản và khẳng định việc đã giao cho tôi, tôi có trách nhiệm hoàn thành nó, đó là lẽ thường.
Người Châu Á khiêm nhường hơn, tư duy tập thể hơn, mỗi khi được khen tặng đều cúi đầu bảo "nhờ mọi người giúp đỡ cả". Nghe qua thì tốt thôi, khiêm tốn, thật thà nhưng chưa dũng cảm. Không tự hào vì thành tích thì rất có thể sẽ không quyết liệt vì trách nhiệm.
5 biểu hiện của một nhân viên thiếu tinh thần làm chủ công việc
Các nhà quản lý cấp trung thường nhắc tới 5 biểu hiện chính của một nhân viên thiếu tinh thần làm chủ công việc bao gồm.
Thứ nhất, không bao giờ phản biện sếp hoặc góp ý trong cuộc họp bảo làm gì thì làm đó đúng kiểu "việc của anh, anh bảo tôi làm thì làm thôi, làm theo cách anh đã bảo, được thua gì là việc của anh".
Thứ hai là chỉ lo việc của mình đã được giao, còn vì sao cần làm việc đó, ai sẽ nhận việc tiếp theo, họ cần chất lượng như thế nào, khi làm việc này thì tổ chức triển khai thế nào để không phát sinh ra việc nọ không ai quan tâm. Làm hết phần việc mình được giao, có vô lý, có sai sót, có làm phát sinh chi phí hay nhiệm vụ cho người khác hay không mặc kệ.
Thứ ba là bỏ cuộc khi gặp khó khăn trong nội bộ, vì nghĩ là việc chung mà bộ phận khác gây khó khăn cho mình thì cứ bỏ đó, đợi sếp mình về mình trả lại, đâu phải việc nhà tôi đâu mà tôi phải lo. Tôi đâu có thẩm quyền giải quyết ông đồng nghiệp khó chịu.
Thứ tư thì thậm chí khi doanh nghiệp tổ chức các lớp đào tạo để phát triển kỹ năng thì cũng miễn cưỡng tham gia vì nghĩ đang "đi học cho tổ chức" mà không nhận thấy cơ hội để phát triển bản thân. Lúc nào cũng sợ thiệt, sợ mệt vì đã bận việc còn phải học.
Thứ năm là luôn tìm lý do chứ không tìm giải pháp: Khi lập kế hoạch hoặc giao chỉ tiêu thì không có phản ứng gì thậm chí không phản biện, nhưng hễ có phát sinh thì đều tìm cách để chứng minh là chỉ tiêu quá cao, nhiệm vụ quá khó, thậm chí mang cả hoàn cảnh gia đình ra để giải trình cho việc chậm tiến độ hoặc không hoàn thành nhiệm vụ.
Đừng nghĩ những việc này chỉ có ở bộ phận hỗ trợ kinh doanh (shared services, back offices) do tỷ lệ thu nhập của họ ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ kết quả vận hành hệ thống nên chưa có tư duy hiệu quả.
Không ít người làm bán hàng, kinh doanh vẫn than vãn "khách hàng khó tính, thị trường cạnh tranh, đối thủ lưu manh…". Thực tình ai đi làm kinh doanh, và kinh doanh bất kỳ ngành nghề nào trên đời này cũng gặp những khó khăn như vậy.
Việc dễ thì không tới mình và tất cả những khó khăn đó đều là một phần của luật chơi cả. Nếu không thể thích ứng thì anh chọn việc khác làm chứ không thể chọn làm kinh doanh mà mong khách hàng dễ dãi, thị trường độc quyền và đối thủ mang khách hàng tới sẻ cho mình như đồng đội. Nhưng cũng chính những người này khi có doanh số hoặc lợi nhuận thì đều kỳ vọng được thưởng những món lớn hoặc khi có khách hàng tốt thì nhanh chóng nghĩ cách ra làm riêng để hưởng lợi một mình.
Tóm lại, những người không có tinh thần làm chủ công việc thường suy nghĩ: Việc của sếp giao cho mình, nghĩa là việc đó của sếp. Việc công ty giao cho mình, nghĩa là việc đó của công ty, mình làm được tới đâu thì làm, khó quá trả lại hoặc kêu ca than vãn. Tìm lý do để giải thích, chứng minh, trình bày thay vì tìm giải pháp để hoàn thành công việc.
Mỗi người phải giành quyền làm chủ sự nghiệp, định đoạt tương lai bản thân bằng chính năng lực của mình
Khởi sự kinh doanh không dành cho riêng ai và không phải ai cũng có khả năng vận hành và làm chủ một doanh nghiệp riêng của mình. Nhưng bất kỳ người đi làm nào cũng có thể gia tăng hiệu suất và nâng cao uy tín cũng như giá trị của bản thân tại nơi làm việc bằng tinh thần làm chủ công việc.
Một ví dụ là khi tôi đi nói chuyện hội thảo, lãnh đạo cấp cao của tổ chức bảo: Ai muốn thăng tiến, được bổ nhiệm vào vị trí nào cứ chủ động gặp ông, ông sẽ đưa ra thử thách để bạn được cơ hội chứng minh khả năng của mình nhưng không có bất kỳ ai tiếp cận ông.
Sau đó thì đặt câu hỏi ngược lại là "Tổng giám đốc nghĩ tôi phù hợp cho vị trí nào trong tương lai của tổ chức". Quản lý gần 2 vạn người mà phải nghĩ coi ai phù hợp với vị trí nào thì rất lâu mới đến lượt một quản lý nhỏ được nhớ tên, chỉ có tự làm mình nổi bật nhờ thành tích và tiềm năng phù hợp với vị trí mà mình nhắm đến mới là cách thức thăng chức hiệu quả.
Thời buổi này:
- không còn sự ổn định trong công việc
- không còn cả đời chỉ làm một việc hoặc trong một tổ chức
- không còn lộ trình thăng tiến kiểu bậc thang cứ vài năm một cấp
Doanh nghiệp không chỉ trả lương và những đãi ngộ cá nhân, mà còn đầu tư cho nhân sự bằng uy tín thương hiệu, môi trường làm việc, hệ thống quản lý, mạng lưới khách hàng….để từ đó mỗi người có thể phát huy tốt nhất tiềm năng của mình và trưởng thành trong sự nghiệp. Còn nhân sự sẽ phải giành quyền làm chủ sự nghiệp của mình, định đoạt tương lai của mình bằng hiệu suất và uy tín.
Khi đạt thành quả tốt đều có thể được ghi nhận, thăng tiến và ngay cả khi người chủ doanh nghiệp hoặc người quản lý có vì lý do này, lý do khác mà chưa có đãi ngộ, thăng tiến phù hợp thì uy tín, thương hiệu cá nhân của một nhân sự làm việc hiệu quả đã lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển dụng và giá trị của nhân sự đó trên thị trường đã liên tục gia tăng
Hãy dành ít phút rà soát lại công việc của mình, lắng nghe phản hồi của sếp và đồng nghiệp xem mình có những dấu hiệu trên không bởi một dấu hiệu nghĩa là mất thêm một năm thăng tiến để có thể theo kịp đồng nghiệp hoặc thậm chí cả đời không tiến lên phía trước được.
Chủ động đánh giá vấn đề và đưa ra các giải pháp thực thi hiệu quả, chính là cách tốt nhất để chứng minh năng lực, hiệu suất cũng như tầm ảnh hưởng của bản thân trong công việc cũng như giá trị bản thân trên thị trường lao động.