MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh thu EVN tăng mạnh nhưng lợi nhuận liên tục lao dốc, giảm hơn 50% sau 3 năm

Năm 2013, lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là trên 10.000 tỷ đồng, nhưng tới 2015 chỉ còn 4.595 tỷ đồng. Cùng thời gian này, doanh thu của "nhà đèn" tăng từ 187.785 tỷ lên 243.509 tỷ đồng.

Báo cáo của EVN về Kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016 và 03 năm giai đoạn 2013 – 2015 của Tập đoàn Điện lực cho biết, tổng doanh thu của Tập đoàn không ngừng tăng lên trong các năm, song lợi nhuận sau thuế lại giảm dần.

Cụ thể, trong giai đoạn 2013 - 2015, EVN đạt tổng doanh thu tương ứng là 187.785 tỷ đồng; 209.245 tỷ đồng; 243.509 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn lại giảm dần qua các năm, tương ứng là 10.369 tỷ đồng; 5.352 tỷ đồng và 4.595 tỷ đồng. Số tiền mà EVN nộp ngân sách trong ba năm trên tương ứng khoảng 15.000 tỷ đồng.

Với một Tập đoàn có số vốn điều lệ đến hết năm 2015 là 160.000 tỷ đồng, tổng tài sản tính đến 31/12/2014 là 578.068 tỷ đồng, mức lãi như vậy được xem là khá thấp. Tuy nhiên, việc có lãi trở lại sau nhiều năm báo lỗ, đặc biệt là khoản lỗ lớn từ năm 2010 lên tới trên 23.000 tỷ đồng do mua điện giá cao và chênh lệch tỷ giá, cùng hàng nghìn tỷ đồng lỗ do đầu tư ngoài ngành, thì việc EVN đã có lãi là thông tin tích cực.

Kể từ năm 2007 đến nay, việc liên tục điều chỉnh giá điện là một trong những nguyên nhân giúp cho EVN dần phân bổ được các khoản lỗ. Tính đến nay, giá điện đã được điều chỉnh 10 lần và kể từ lần điều chỉnh ngày 16/3/2015 đến nay thì giá điện đã được giữ ổn định.

Mặc dù liên tục điều chỉnh tăng giá, song được biết đến nay các khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá vẫn chưa được tính hết vào giá điện. Đây là một trong những lý do khiến cho số lãi của EVN trong giai đoạn qua giảm dần, để bù đắp các khoản lỗ tỷ giá từ những năm trước để lại.

Báo cáo của EVN cũng cho biết, trong giai đoạn 2013 – 2015 mỗi năm EVN rót hàng trăm nghìn tỷ đồng vào hoạt động đầu tư phát triển, tăng từ 98.076 tỷ đồng năm 2013 lên 120.909 tỷ đồng năm 2015. Trong đó, vốn ngân sách chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ ở mức dưới 500 tỷ đồng, còn lại là vốn vay và các nguồn vốn khác.

Tình hình đầu tư vốn của EVN tính đến 31/12/2015 tại 09 Tổng công ty mà Tập đoàn này nắm 100% vốn là 106.186 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty con là công ty cổ phần nhìn chung phát triển mạnh và có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư của EVN tại doanh nghiệp.

Trong giai đoạn trên, hầu hết các công ty tư vấn xây dựng điện đều chia cổ tức theo tỷ lệ 15% đến 25% vốn điều lệ, đem lại lợi suất cổ tức hàng năm là từ 11,2% đến 15,7% cho EVN. Hoạt động các công ty cơ khí điện lực cũng đều có lãi, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư của EVN tại doanh nghiệp.

Theo EVN, giai đoạn 2013 – 2015 Tập đoàn đã hoàn thành vượt kế hoạch được giao, đáp ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tổng sản lượng EVN cung ứng lên hệ thống điện quốc gia là 430,7 tỷ kWh, tổng sản lượng điện thương phẩm là 387,6 tỷ kWh.

EVN cũng hoàn thành công tác đầu tư xây dựng các công trình nguồn và lưới điện vượt chỉ tiêu so với kế hoạch. Với tổng số vốn đầu tư là 338.378 tỷ đồng, hoàn thành đưa vào phát điện 18 tổ máy thuộc 11 dự án với tổng công suất 6.434 MW.

Ngoài ra, EVN thực hiện giảm tổn thất điện năng xuống còn 7,94%, thấp hơn mức 8% Chính phủ giao.Tính đến cuối năm 2015 cả nước số xã có điện đạt 99,8% và số hộ dân nông thôn được sử dụng điện đạt 98,76%.

Hà Sơn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên