Doanh thu gần như bằng 0 trong khi phải gánh chi phí mặt bằng cao giữa mùa Covid-19, các thương hiệu F&B lần lượt rời bỏ "đất vàng"
Từng chia sẻ về vấn đề này, bà Patricia Marques – Tổng Giám Đốc Starbucks Việt Nam - nhận định: "Chúng tôi nhận thấy trong Covid-19, doanh thu của các cửa hàng ở các quận trung tâm như quận 1 hoặc đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ đã không tốt như trước. Trong khi, doanh thu tại cửa hàng ở các quận như Phú Nhuận thì ngược lại".
Từng chi mạnh tiền để săn đón các mặt bằng đắc địa, nhiều thương hiệu F&B có thời điểm đổ dồn về quận trung tâm Tp.HCM. Bất chấp chi phí bỏ ra lớn, trước Covid-19 doanh thu tăng trưởng mạnh cùng lượng khách đông đúc, chiến lược săn ‘đất vàng’ theo đó mang lại nhiều lợi ích cho các thương hiệu.
Nhưng, từ năm 2020, Covid-19 bùng phát và trở nên nghiêm trọng trong làn sóng thứ 4, nhiều tháng liền phải đóng cửa do giãn cách xã hội, doanh thu gần như bằng 0 trong khi vẫn phải chịu các chi phí khiến nhiều đơn vị lao đao.
"Vấn đề không phải là chúng tôi không trả được 35.000 USD/năm để bán những sản phẩm có giá 70.000 đồng, mà vấn đề là ở đó đã ít khách đi"
Mới nhất, The Coffee House Signature tại góc đắc địa Phạm Ngọc Thạch tuyên bố đóng cửa gây nhiều bất ngờ và tiếc nuối trong lòng tín đồ cà phê hàng quán. Từng là cửa hàng mang đầy tự hào của người đứng đầu trong công cuộc cao cấp hoá dịch vụ, việc đóng cửa The Coffee House Signature theo Công ty là động thái nằm trong hướng đi mới.
"Việc đóng cửa cơ sở nằm trong lộ trình phát triển của chuỗi. Đây cũng là một trong những động thái nhằm tối ưu chi phí vận hành trong mùa dịch. Mình cắt giảm những thứ kém hiệu quả, chưa phù hợp để dồn lực cho những chuyển đổi mới", CEO The Coffee House Lê Bá Nam Anh cho biết.
Thay thế, giữa bối cảnh bình thường mới The Coffee House định hướng sẽ là thương hiệu dịch chuyển. Trong đó, Công ty sẽ ra mắt mô hình mới từ cuối năm nay. Khi mà, giữa áp lực đại dịch, những cửa hàng cố định cho thấy những sự không phù hợp như chi phí quá lớn, đặc biệt chi phí thuê mặt bằng, khiến dòng tiền cả doanh nghiệp mất cân đối.
Trước đó, Starbucks cũng thông báo đóng cửa chi nhánh Starbucks Rex tại địa chỉ 141 Nguyễn Huệ. Toạ lạc ngay trung tâm và gần phố đi bộ, Starbucks Rex là địa điểm mà những bạn trẻ lui tới thường xuyên nhất, đặc biệt vào buổi tối và cuối tuần rất khó có thể lấy được chỗ ngồi.
Dù vậy, từ năm 2020 ngay khi đại dịch bùng phát, Starbucks đã sớm có sự thay đổi, cụ thể sẽ thu hẹp cửa hàng tại các quận trung tâm vì hiệu quả không đạt được như kỳ vọng. Trong đó, năm 2020 Starbucks cũng đóng một cửa hàng ở Đề Thám (quận 1) khi hết hạn hợp đồng và nhận thấy tiềm năng tăng trưởng ở đây không còn cao.
Từng chia sẻ về vấn đề này, bà Patricia Marques – Tổng Giám Đốc Starbucks Việt Nam - nhận định: "Chúng tôi nhận thấy trong Covid-19, doanh thu của các cửa hàng ở các quận trung tâm như quận 1 hoặc đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ đã không tốt như trước. Trong khi, doanh thu tại cửa hàng ở các quận như Phú Nhuận thì ngược lại".
Lúc bấy giờ, đại dịch không chỉ khiến thương hiệu mất khách du lịch quốc tế và chuyên gia mà cả khách Việt. Bởi, do lo ngại Covid-19, các gia đình ở các khu vực ngoại ô không còn xuống trung tâm vào cuối tuần mà sẽ chọn giải trí ở gần nhà. Và do đó, chiến lược năm 2021 Starbucks sẽ đánh mạnh vào các khu vực ngoài trung tâm.
"Vấn đề không phải là chúng tôi không trả được 35.000 USD/năm để bán những sản phẩm có giá 70.000 đồng, mà vấn đề là ở đó đã ít khách đi", bà Patricia Marques bày tỏ.
Bà Patricia Marques – Tổng Giám Đốc Starbucks Việt Nam.
Cũng trong năm ngoái, một động thái gây nhiều chú ý khác: Soya Garden chính thức đóng cửa cửa hàng flaship cuối cùng ở miền Nam tại ngã 6 Phù Đổng – vị trí đắt địa nhất của Tp.HCM.
Được biết, chuỗi cửa hàng Soya Garden đã đóng cửa tại nhiều điểm quan trọng tại TP.HCM. Nói về điều này, đại diện là ông Hoàng Anh Tuấn thẳng thắn thừa nhận để tồn tại Soya Garden cần ưu tiên tính hiệu quả.
Mô hình bán online, vận chuyển, giao nhận lên ngôi
Thực tế từ năm 2020 tới nay, thị trường F&B chứng kiến sự ra đi lặng lẽ của nhiều đơn vị. Ảnh hưởng của dịch bệnh, quán phải đóng cửa trong khi phải gánh chi phí nhượng quyền, mặt bằng cao... khiến nhiều đơn vị phải lần lượt rời bỏ "đất vàng".
Trong báo cáo ngành, Savills Việt Nam cho biết kể từ đợt dịch bùng đại dịch Covid-19 vào cuối tháng 4/2020, thị trường bán lẻ đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, trả mặt bằng hoặc thu hẹp mô hình kinh doanh. Tính đến quý 2/2021, tỷ lệ lấp đầy của các trung tâm thương mại, khối đế bán lẻ đạt 94%, giảm so với cùng quý năm trước.
Ở diễn biến khác, tính đến tháng 7/2021, khảo sát của Savills Việt Nam ghi nhận tỷ trọng doanh thu của kênh trực tuyến (online) so với tổng doanh thu của hãng trung bình tăng 1,5-2 lần so với trước Covid-19, thể hiện tiềm năng tăng trưởng doanh thu khổng lồ nên các hãng đều dốc sức đầu tư cho mảng này.
Đây cũng chính là sự chuyển hóa trong cung cách thị trường bán lẻ F&B Việt Nam giai đoạn hậu đại dịch, dự kiến là sân chơi của thương mại điện tử và hệ thống vận chuyển, giao nhận và hàng hóa chuẩn chỉnh. Trong đó, các hộ kinh doanh ăn uống vừa và nhỏ hoặc các tiểu thương khởi nghiệp ngành F&B hoàn toàn có thể tham gia vào thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki, Facebook, Instagram,... để tận dụng lượng khách sẵn có khổng lồ trên sàn, tìm đúng đối tượng khách hàng mục tiêu của mình có nhu cầu ăn uống chuyên biệt hoặc phổ biến, tùy vào mục tiêu và định vị riêng của thương hiệu, Savills cho hay.
Ở góc độ người trong cuộc, CEO The Coffee House cũng đồng tình rằng những mô hình giao hàng, bán mang đi, phục vụ tại nhà và văn phòng sẽ lên ngôi trong tình hình mới; đi kèm với đó là sản phẩm, kênh bán và thiết kế chuỗi cung ứng phù hợp với mô hình mới này. Đây là nguyên nhân khiến The Coffee House cần phải tư duy lại toàn bộ các cấu thành của mô hình kinh doanh để đáp ứng được sự dịch chuyển này.