Doanh thu lũy kế qua kênh thanh toán điện tử của Vietjet Air đạt hơn 2 tỷ USD
"Trước đây, chúng ta thường nghe vay tiền để mua nhà, mua xe hơi thôi. Nhưng hiện nay, khách hàng có thể vay tiền để mua vé máy bay mà không cần phải trả tiền mặt", đại diện Vietjet Air cho biết.
Chia sẻ tại Hội thảo Xã hội không tiền mặt - Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam mới đây, bà Nguyễn Thị Thúy Bình - Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air (VJC) cho biết, ngay từ năm 2011 hệ thống thanh toán của Công ty đã tiến tới kết nối dần với toàn bộ hệ thống thẻ ATM của tất cả các ngân hàng Việt Nam bên cạnh hệ thống thẻ quốc tế Visa, Master, Amex, JCB và tiếp theo là kết nối các ví điện tử.
Những năm qua, Vietjet Air đã phát triển các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt cho khách hàng mua vé và khách hàng là đại lý bán vé. Tính đến hiện tại, doanh thu từ hệ thống này ghi nhận hơn 2 tỷ USD từ bán vé và các dịch vụ bảo hiểm… thậm chí công tác thương mại của hãng cũng thông qua thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt.
Trong đó, đối với khách hàng là đại lý bán vé, Vietjet Air đã phát triển giải pháp kết nối với hệ thống thanh toán của ngân hàng và tự động được kích hoạt tài khoản bán vé. Hiện tại, Vietjet có hơn 20.000 đại lý bán vé online theo phương thức này.
Đối với khách hàng mua vé trực tiếp, hãng có các giải pháp tiện ích thanh toán online bằng thẻ tín dụng, thẻ ATM, e-banking, mobile banking, ví điện tử, QR payment...
"Trước đây, chúng ta thường nghe vay tiền để mua nhà, mua xe hơi thôi. Nhưng hiện nay, khách hàng có thể vay tiền để mua vé máy bay mà không cần phải trả tiền mặt", bà Bình cho biết.
Trong năm 2019, Vietjet Air hy vọng sẽ cung cấp cho người tiêu dùng khoảng 500.000 tới một triệu vé máy bay theo phương thức cho vay tiêu dùng trực tuyến với khoản vay tối đa vào mức 15 triệu đồng.
Về kinh doanh, quý 1/2019 Vietjet Air ghi nhận doanh thu tăng gần 9% lên 13.637 tỷ đồng. Lợi nhuận gập thu về tương ứng đạt 2.246 tỷ, tăng 24%.
Mặt khác, doanh thu tài chính tăng từ 104 tỷ lên 113 tỷ đồng, trong kỳ do phát sinh khoản dự phòng giảm giá cổ phiếu PVOIL (OIL) hơn 140 tỷ đồng dẫn đến chi phí tài chính tăng mạnh từ 199 tỷ lên 356 tỷ đồng.
Cùng với các khoản chi phí bán hàng và quản lý tăng đáng kể, lần lượt ghi nhận 205 tỷ và 140 tỷ đồng, theo đó Vietjet Air quý đầu năm đạt lãi trước thuế 1.647,5 tỷ, lãi ròng 1.463 tỷ, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2018.
So với kế hoạch 58.393 tỷ doanh thu và 6.219 tỷ LNTT, 3 tháng đầu năm Vietjet Air đã thực hiện được 23,3% và 26,5% chỉ tiêu cả năm.
Trí Thức Trẻ