Doanh thu tăng gấp đôi lên 1.200 tỷ, chuỗi nhà thuốc Long Châu vẫn lỗ hơn 100 tỷ đồng
Hiện, chi phí đầu tư cho một nhà thuốc Long Châu dao động từ 400 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, thực tế còn phụ thuộc vào diện tích cửa hàng, khu vực toạ lạc.
Ghi nhận tại BCTC hợp nhất kiểm toán của FPT Retail (FRT), tính đến cuối năm 2020, FRT đang sở hữu 88,5% vốn của tại chuỗi dược phẩm Long Châu. Vốn điều lệ của đơn vị này được tăng mạnh từ 100 tỷ lên 254 tỷ đồng.
Về kinh doanh, mảng dược ghi nhận 1.190 tỷ đồng - tăng gấp đôi so với năm 2019; khấu trừ chi phí vẫn còn lỗ 113 tỷ đồng (năm 2019 lỗ 42 tỷ). Hiện, chi phí đầu tư cho một nhà thuốc Long Châu dao động từ 400 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, thực tế còn phụ thuộc vào diện tích cửa hàng, khu vực toạ lạc.
Được biết, năm 2020 là năm FRT đầu tư mạnh vào chuỗi Long Châu. Cụ thể, doanh nghiệp đã mở thêm 130 cửa hàng so với cuối năm 2019 (từ 70 đơn vị lên 200 đơn vị tính đến cuối năm 2020). Kết quả, chi phí bán hàng và quản lý tăng mạnh, gây ảnh hưởng làm giảm 95% lợi nhuận sau thuế hợp nhất, từ 204 tỷ xuống còn 10 tỷ đồng.
Là một trong những doanh nghiệp đi sau trong xu hướng bán lẻ ICT, FRT đã có giai đoạn chiến đấu mạnh mẽ và đứng thứ hai thị trường. Hôm nay, một chiến lược bán lẻ tương tự đang diễn ra tại chuỗi nhà thuốc Long Châu, ban lãnh đạo nhấn mạnh năm 2020 được xem là năm bản lề để FRT tập trung toàn bộ nguồn lực cho giai đoạn mở rộng quy mô sau khi tìm ra công thức thành công.
Chính thức M&A chuỗi Long Châu từ năm 2017, dược phẩm được coi là "ván cược" đồng thời là động lực tăng trưởng dài hạn của FRT. Thực tế, dược là ngành rất tiềm năng song cũng nhiều thử thách.
Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), dân số Việt Nam đang trải qua giai đoạn tốc độ già hóa nhanh nhất từ trước tới nay, tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên là 6,5% vào năm 2017, dự kiến sẽ đạt 21% vào năm 2050.
Mặt khác, sức khỏe luôn là một trong số các quan ngại hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam. Mức độ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ y tế có xu hướng tăng lên. Thống kê cũng cho thấy, chi tiêu dành cho thuốc theo đầu người tại Việt Nam năm 2018 khoảng 68 USD, dự báo con số này sẽ tăng lên 163 USD trong năm 2025.
Trong đó, các doanh nghiệp dược hiện có xu hướng đồng loạt tái cấu trúc mạnh mẽ, chuyển dịch từ kênh ETC (bán hàng qua đấu thầu, bán buôn) sang kênh OTC (bán hàng trực tiếp qua các nhà thuốc). Đặc biệt từ sau năm 2013, quy định mới về chọn thuốc trúng thầu tại các bệnh viện lại ưu tiên thuốc giá thấp, việc phát triển kênh OTC nhằm củng cố vị thế, đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường trở thành ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp.
Từ năm 2018, kênh OTC đã chiếm 30% thị trường thuốc, tương đương khoảng 1,6 tỷ USD chia cho 57.000 cửa hàng bán thuốc. Đây vẫn là một sân chơi lớn còn nhiều tiềm năng trong khi chưa có bất kỳ đơn vị nào chiếm hẳn ưu thế trên thị trường bán lẻ dược phẩm, giới phân tích nhận định.
Và hôm bay, sự xuất hiện các chuỗi nhà thuốc như Pharmacity, VinFa, Long Châu, Guradian đã và đang mang đến cho hoạt động bán lẻ dược một bức tranh và tiềm năng mới, thông qua mô hình chuỗi tiện nghi, hiện đại.
Riêng Long Châu, thương hiệu đang có lợi thế về thâm niêm kinh doanh gần 20 năm, quy mô mỗi cửa hàng lớn với đơn vị lưu kho gấp 7 lần nhà thuốc thông thường. Khảo sát của một CTCK thấy, doanh thu trung bình/tháng của Long Châu cao vượt trội so với các chuỗi khác trên thị trường. Nguyên nhân chính do Long Châu có SKU (lượng đầu thuốc trong kho hàng) nhiều gấp 6 - 7 lần so với các nhà thuốc khác.
Mỗi cửa hàng thuốc Long Châu đạt doanh thu 136.000 USD; trong khi chuỗi Pharmacity là 11.000 USD, Phano là 18.000 USD, Eco là 25.000 USD và An Khang là 32.000 USD.
Về phía FRT, chia sẻ về cuộc chơi lớn trong mảng dược, Chủ tịch Nguyễn Bạch Điệp từng cho hay: "Việc mở một chuỗi kinh doanh mới thì chắc chắn phải lỗ trong vài năm, sau đó mới bắt đầu hoà vốn. Riêng ngành bán lẻ thì có một câu chuyện: một ngày số shop mở mới nhỏ hơn số shop đã tồn tại thì cơ hội hoà vốn đang đến, thông thường là như thế".
Trong đó, khi doanh nghiệp quyết định đầu tư mở rộng thì FRT đã có một sự tự tin nhất định, tức đã có công thức thành công cho chuỗi. Về sau, khi chúng ta đạt đến một quy mô đủ lớn thì việc đàm phán với nhà cung cấp… sẽ tốt hơn. Cuối cùng về quản trị, tức chi phí chúng ta triển khai cho đội ngũ back-office để hỗ trợ khối kinh doanh sẽ tối ưu hơn. Vì số shop lớn thì doanh thu ghi nhận nhiều, trong khi chi phí cố định cũng ở mức đó thôi, hiệu quả kinh doanh sẽ ngày càng cải thiện.
Nhịp sống kinh tế