MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘Độc lạ’ môn học tại VinUni: Bài thi hết môn kéo dài 36 tiếng, sinh viên cạnh tranh khốc liệt như trên thương trường

20-03-2024 - 10:22 AM | Sống

"Sáng tạo thích ứng nhanh" là một môn học mới mẻ tại Việt Nam, gần giống với môn "khởi nghiệp" tại các trường kinh doanh. Đây là môn học nền tảng, rèn luyện khả năng tư duy cho các nhà lãnh đạo tương lai.

Một tiết học kéo dài 36 tiếng, nghe tưởng chừng rất vô lý nhưng đó lại là hoạt động trong cuộc thi VinUni Hackathon - một hình thức kết thúc môn học "Sáng tạo thích ứng nhanh" (Agile Innovation) tại Trường ĐH VinUni.

Theo đó, VinUni Hackathon là một cuộc thi thường niên, thường được tổ chức vào đầu tháng 12 hàng năm với sự tham gia của toàn bộ sinh viên năm nhất.

‘Độc lạ’ môn học tại VinUni: Bài thi hết môn kéo dài 36 tiếng, sinh viên cạnh tranh khốc liệt như trên thương trường- Ảnh 1.

Nhóm Villvista với chiến thắng chung cuộc tại bài thi hết môn "Sáng tạo thích ứng nhanh" - Ảnh: VinUni

Để hoàn thành môn học, sinh viên không phải lên lớp ngồi làm bài thi như theo cách tổ chức dạy học truyền thống. Toàn bộ sinh viên được chia thành nhiều nhóm, các thành viên cùng nhóm phải hợp tác để cùng nhau tìm giải pháp cho đề tài được giao (trong suốt 36 tiếng), sau đó phải bảo vệ phần thi của mình trước ban giám khảo. Quá trình này đòi hỏi các em kỹ năng tập trung cao độ trong làm việc nhóm, kỹ năng nghiên cứu, đàm phán, sự khách quan, sáng tạo để có thể trình bày ý tưởng tốt nhất, được bình chọn bởi các thành viên trong đội.

Năm 2023, đội Villvista của em Phan Lê Trung, sinh viên năm nhất Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính đã giành chiến thắng. Mục tiêu của nhóm là xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa du khách, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững cho các làng quê.

Được biết, "Sáng tạo thích ứng nhanh" là một môn học mới mẻ không chỉ với đại học Việt Nam mà với nhiều đại học danh tiếng trên thế giới. Thầy Marc Kramer - giảng viên phụ trách môn học này ở VinUni đồng thời một doanh nhân, từng giảng dạy 10 năm tại Trường kinh doanh Wharton, ĐH Pennsylvania (Mỹ), cho rằng việc đưa môn "Sáng tạo thích ứng nhanh" vào VinUni là một ý tưởng tuyệt vời.

Môn học này gần giống môn "Khởi nghiệp" trong các trường kinh doanh nhưng là dạy cho sinh viên đa ngành (sức khỏe, kỹ thuật – công nghệ…), nên cách tiếp cận được thay đổi. Sinh viên dù học ở ngành nào, cũng đều được được tiếp xúc với tinh thần đổi mới sáng tạo ngay khi bước chân vào giảng đường ĐH.

Theo thầy Marc Kramer, môn học này giúp sinh viên có nhiều kỹ năng để trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc, gồm quan sát, đặt câu hỏi, trừu tượng hóa, giải quyết vấn đề và tư duy sáng tạo. Đây là môn học có phạm vi nội dung rất rộng, có vai trò bệ phóng cho những môn học sau đó đi vào chi tiết hơn.

‘Độc lạ’ môn học tại VinUni: Bài thi hết môn kéo dài 36 tiếng, sinh viên cạnh tranh khốc liệt như trên thương trường- Ảnh 2.

Thầy Marc Kramer với các sinh viên VinUni tại cuộc thi Hackathon 2023 - Ảnh: VinUni

"Chúng tôi dạy các em từ sớm về cách suy nghĩ thấu đáo các vấn đề và đưa ra các giải pháp có thể được thương mại hóa và tạo việc làm tại Việt Nam. Chúng tôi tập trung vào các kỹ năng phù hợp với sinh viên đa ngành, chẳng hạn như tư duy hệ thống, phân tích phản biện, tư duy phê phán. Đây là những kỹ năng rất quan trọng với sinh viên thuộc bất kỳ ngành nào", thầy Marc chia sẻ trên VOV.

Theo thầy Marc, qua những học kỳ dạy "Sáng tạo thích ứng nhanh", thầy nhận thấy điều mà môn học mang lại cho sinh viên là giúp các em nhận ra những vấn đề vĩ mô mà Việt Nam đang phải đối mặt. Mặt khác, môn học này giúp các em hiểu được giá trị của sự sáng tạo và cách thuyết phục người khác tin tưởng vào khả năng sáng tạo của bản thân, cách hợp tác với người khác khi giải quyết vấn đề.

"Kết thúc môn học, chúng tôi mong sinh viên đạt được hai điều. Một là cách suy nghĩ, hai là cách hành động. Suy nghĩ từ các bài toán nhỏ cho đến cái nhìn tổng quát về bức tranh toàn cảnh. Còn cách hành động là tiếp cận vấn đề đa góc độ", thầy Marc nhấn mạnh.

Tổng hợp


Nguyễn Phượng

Theo Nguyễn Phượng

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên