MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đổi 26 tỷ USD để lấy bệnh ung thư: Cái kết đắng của anh nông dân cực khổ tiết kiệm cả đời thành tỷ phú, ngậm ngùi chẳng biết làm gì với số tiền khổng lồ ở tuổi 85

16-02-2024 - 18:40 PM | Sống

Kiếm nhiều tiền để làm gì khi không thể hưởng thụ? Đây là câu chuyện về anh nông dân cực khổ cả đời thành đại gia dầu mỏ nhưng chẳng thể tiêu số tiền mình kiếm được.

Theo tờ Business Insider (BI), cái tên Autry Stephens có lẽ chẳng mấy quen thuộc với mọi người trên thế giới, nhưng đây lại là cái tên được nhắc đến nhiều nhất những ngày gần đây trong giới đại gia dầu mỏ đất Mỹ.

Mới đây, ông Stephens, 85 tuổi đã bán công ty Endeavor Energy Resources của mình cho Diamondback Energy với giá 26 tỷ USD, qua đó trở thành đại gia dầu mỏ giàu nhất nước Mỹ.

Thế nhưng nguyên nhân chính cho thương vụ này chẳng phải vì Stephens đã chán làm việc muốn sống hưởng thụ hay muốn nghỉ hưu, mà là ông bị phát hiện mắc bệnh ung thư.

"Tôi có chút buồn vì sẽ nhớ những nhân viên ở công ty. Họ cứ như một gia đình nhỏ với tôi vậy", tỷ phú Stephens ngậm ngùi.

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), bản thân Stephens ban đầu cực lực phản đối việc bán Endeavor vì đây là tâm huyết của bản thân xây dựng nên từ năm 1979. Vị tỷ phú này muốn để con gái Lyndal Greth của mình thừa kế di sản và tiếp tục phát triển công ty.

Đổi 26 tỷ USD để lấy bệnh ung thư: Cái kết đắng của anh nông dân cực khổ tiết kiệm cả đời thành tỷ phú, ngậm ngùi chẳng biết làm gì với số tiền khổng lồ ở tuổi 85- Ảnh 1.

Ông Autry Stephens

Thế nhưng việc phát hiện mắc ung thư đã làm thay đổi tất cả. Vậy là Diamondback Energy sau khi đánh bại ExxonMobil và Conoco Phillips trong cuộc đấu thầu căng thẳng đã mua lại được đế chế nhà Stephens.

Khắc khổ

Theo WSJ, tỷ phú Stephesn dù rất giàu với cả một đế chế dầu mỏ nhưng lại sống cực kỳ khắc khổ, tiết kiệm. Ông vẫn lái chiếc Toyota Land Cruiser đời cũ đi làm và bay những chuyến bay thương mại của Southwest Airlines.

Những người quen thân với Stephens cho biết hầu như vị đại gia này chẳng bao giờ rút tiền chi tiêu cá nhân từ công ty mà sống rất tiết kiệm. Chỉ đến khi gần đây bị chẩn đoán ung thư thì mới bắt đầu rút tiền chi tiêu chữa bệnh.

"Tôi chỉ quan tâm đến công việc kinh doanh", ông Stephens ngậm ngùi thừa nhận về cuộc sống của mình trước khi phát hiện mắc bệnh.

Cho đến tận năm 74 tuổi, trong khi nhiều tỷ phú khác nghỉ ngơi, hưởng thụ khối tài sản kếch xù thì Stephens vẫn làm việc chăm chỉ, hàng ngày đi đến công ty để tìm xem nên khai thác mỏ dầu ở đâu.

Nhìn vào cuộc sống, cách ăn mặc, làm việc của Stephens thì chẳng mấy ai biết vị đại gia này có tài sản lên đến 15 tỷ USD trước cả khi bán công ty. Với thương vụ mới này, ông Stephens sẽ có thêm 8 tỷ USD tiền mặt và 18 tỷ USD cổ phiếu.

Thế nhưng cho dù có thêm bao nhiêu tỷ USD đi chăng nữa thì Stephens cũng không tránh được sự thật rằng mình chẳng biết tiêu chúng thế nào.

"Tôi vẫn chưa nghĩ về chuyện tiêu số tiền này thế nào", ông Stephens thừa nhận.

Thậm chí ngay cả với di sản của mình, dù đã cố đưa người con gái Lyndal vào Hội đồng quản trị nhưng do có con nhỏ nên nhiệm vụ thừa kế này là quá sức với cô. Trong khi đó người con trai của Stephens thì lại chẳng quan tâm đến công việc kinh doanh của gia đình.

Đổi 26 tỷ USD để lấy bệnh ung thư: Cái kết đắng của anh nông dân cực khổ tiết kiệm cả đời thành tỷ phú, ngậm ngùi chẳng biết làm gì với số tiền khổng lồ ở tuổi 85- Ảnh 2.

Ông Autry Stephens chỉ vào những mỏ dầu của mình trên bản đồ

Chính vì lẽ đó mà Stephens quyết định bán đứt công ty lấy tiền mặt sau khi phát hiện mắc ung thư, dù vô cùng tiếc nuối.

"Phần lớn nhân viên của tôi sẽ có công việc ổn định khi bán lại công ty cho Diamondback. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến tôi đồng ý từ bỏ đế chế đáng tự hào của mình", ông Stephens nói.

Từ anh nông dân đến tỷ phú dầu mỏ

Lớn lên trong một cộng đồng làm nông tại De Leon-Texas, bản thân ông Stephens không nhận được nhiều sự giáo dục khi cha của ông chỉ học hết lớp 4 và phải đi bán máy dò dạo cho Massey Ferguson.

Dẫu vậy, bản thân Stephens cũng cố gắng tốt nghiệp đại học Texas chuyên ngành kỹ sư dầu mỏ. Kể từ đây, sau nhiều năm làm việc trong nghề, ông Stephen có một số vốn nhỏ cho mỏ riêng của mình vào năm 1979 và đến năm 1996 thì thành lập hãng Big Dog Drilling.

Ban đầu Stephens chỉ chuyên kinh doanh các thiết bị khai thác, xây dựng giếng khoan hay vận chuyển, nhưng vị tỷ phú này cũng mua lại các mỏ khai thác cho riêng mình và không bao giờ bán lại chúng. Dần dần, công việc kinh doanh ổn định ngay cả khi cuộc khủng hoảng năng lượng thập niên 1980-1990 diễn ra.

Mãi đến năm 2000 thì cái tên Endeavor mới được ra đời khi ông chuyển toàn bộ các dự án, công ty đầu tư của mình vào một tập đoàn mới. Sau đó 5 năm, Endeavor mua lại Perenco và gia tăng sản lượng thêm 25%.

Bước sang giai đoạn khủng hoảng 2008 và sau đó là khủng hoảng năng lượng 2014, ông Stephens đã cố gắng để giữ công ty khỏi bị phá sản, dù Endeavor cũng đã đứng bên bờ vực đóng cửa.

Đổi 26 tỷ USD để lấy bệnh ung thư: Cái kết đắng của anh nông dân cực khổ tiết kiệm cả đời thành tỷ phú, ngậm ngùi chẳng biết làm gì với số tiền khổng lồ ở tuổi 85- Ảnh 3.

Thiết bị khai thác dầu của ông Autry Stephens tại Texas

Bí quyết của vị tỷ phú này là rất hạn chế vay vốn mà chủ yếu dùng tiền mặt của mình để thu mua các mỏ dầu, qua đó tránh được cơn bão lãi suất. Dẫu vậy ông cũng đã phải đóng cửa gần hết các mỏ khải thác của mình do kinh doanh thua lỗ.

May mắn thay, công nghệ khoan dầu đá phiến năm 2016 bùng nổ khiến toàn bộ ngành dầu mỏ Mỹ thăng hoa, trong đó có cả Endeavor. Giá dầu vượt ngưỡng 100 USD/thùng khiến Endeavor sống lại thần kỳ.

Cho đến trước khi thương vụ sáp nhập được công bố, đế chế của Stephens có tổng mức vốn hóa lên đến 27 tỷ USD.

Sau thương vụ này, bản thân ông Stephesn sẽ đứng thứ 64 thế giới trong bảng xếp hạng Bloomberg Billionaires Index về những tỷ phú giàu nhất hành tinh.

Dù giàu có đến vậy nhưng Stephens cũng chẳng bất ngờ gì mấy khi vị tỷ phú này cho biết có rất nhiều người làm giàu nhanh mà phá sản cũng nhanh trong ngành dầu mỏ. Thêm nữa với căn bệnh ung thư ở tuổi 85, Stephens giờ đây chắc chẳng hứng thú gì nhiều ngoài việc quan tâm vun vén cho những đứa con của mình lúc cuối đời.

*Nguồn: BI, Bloomberg, WSJ

Theo Băng Băng

Đời sống & pháp luật

Từ Khóa:
Trở lên trên