MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đối đầu Trung-Mỹ khiến người dân Singapore, Hàn Quốc, Philippines lo lắng

15-06-2023 - 04:37 AM | Tài chính quốc tế

Cuộc đối đầu gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến 9/10 người được khảo sát tại ba quốc gia châu Á gồm Singapore, Hàn Quốc, Philippines lo lắng. Hơn 90% số người được hỏi tại ba quốc gia nói trên đã bày tỏ lo ngại rằng Washington và Bắc Kinh đang bước vào một 'cuộc đối đầu địa chính trị mới'.

Đối đầu Trung-Mỹ khiến người dân Singapore, Hàn Quốc, Philippines lo lắng - Ảnh 1.

Khi đề cập đến hậu quả của căng thẳng gia tăng giữa hai cường quốc, những người trả lời khảo sát ở Singapore ít lo lắng hơn về mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia và các vấn đề chính trị trong nước so với các nước láng giềng của họ ở Hàn Quốc và Philippines.

Cuộc khảo sát của EGF cho thấy khoảng một nửa số người được hỏi ở Singapore, Hàn Quốc và Philippines chọn "căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc" là một trong những "thách thức cấp bách" nhất mà đất nước họ phải đối mặt. Mối quan tâm ít hơn là đại dịch, bất ổn chính trị và nhân quyền. Chỉ có những thách thức kinh tế và biến đổi khí hậu được ghi nhận cao hơn mối quan hệ Mỹ-Trung.

Khoảng 81% người Philippines và 67% người Hàn Quốc cho rằng căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington có khả năng gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của đất nước họ. Chỉ khoảng 1/3 người Singapore có chung mối lo ngại như trên.

“Hầu hết đều nghĩ rằng hậu quả của sự cạnh tranh khốc liệt hơn giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là tiêu cực”, một báo cáo được công bố ngày hôm qua (12/6) bởi Eurasia Group Foundation (EGF) cho hay. Cuộc khảo sát được thực hiện trên tổng cộng 1.500 người trưởng thành ở ba quốc gia Singapore, Hàn Quốc và Philippines.

Gần 1/4 (tương đương 24,5%) những người trả lời khảo sát cho biết họ "rất lo lắng" về cuộc đối đầu Mỹ-Trung.

Cuộc thăm dò đã đặt ra câu hỏi chi tiết về quan điểm đối với Mỹ, Trung Quốc và sự cạnh tranh giữa hai bên. Kết quả cho thấy 62% số người được hỏi tin rằng "an ninh quốc gia của họ sẽ gặp rủi ro" nếu căng thẳng giữa hai cường quốc gia tăng.

Đa số thấp hơn - 57% kỳ vọng "chính trị của đất nước họ sẽ tăng cường khi các đảng chính trị chọn phe trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc", báo cáo của EGF - tổ chức có trụ sở tại New York, cho hay.

Nghiên cứu của EGF là nghiên cứu mới nhất trong chuỗi bằng chứng ngày càng tăng cho thấy nhiều quốc gia trong khu vực đang lo lắng về việc bị cuốn vào vòng xoáy tranh giành quyền lực giữa hai bờ Thái Bình Dương.

Tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao vào tháng 3, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cảnh báo rằng mối quan hệ Mỹ-Trung là vấn đề "đáng lo ngại nhất", với căng thẳng giữa hai bên gây cảm giác "nguy hiểm" trên khắp thế giới.

Cũng trong sự kiện này, tại tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nhấn mạnh sự cần thiết phải có "những hàng rào bảo vệ nhất định" để ngăn chặn cạnh tranh địa chính trị - hiện tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao - dẫn đến "sự chia rẽ trong thế giới công nghệ". .

Trong số ba quốc gia được EGF khảo sát, Singapore duy trì lập trường không liên kết giữa hai cường quốc, trong khi Hàn Quốc và Philippines là đồng minh theo hiệp ước của Mỹ.

Seoul và Manila đã chứng kiến sự thay đổi chính sách đối ngoại đối với Washington khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tăng cường nỗ lực tập hợp các đồng minh để thành lập một mặt trận thống nhất chống lại Bắc Kinh.

Cả ba quốc gia đều là thành viên của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Mỹ lãnh đạo - một sáng kiến lớn của chính quyền Biden nhằm cung cấp cho các nước châu Á một giải pháp thay thế cho mối quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh - cũng như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực do Trung Quốc hậu thuẫn.

Bất chấp những dấu hiệu tan băng gần đây, với một số cuộc gặp cấp cao, Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cường tranh chấp trên nhiều mặt trận, từ eo biển Đài Loan đến cuộc chiến chip.

Bắc Kinh cáo buộc Washington thành lập "các khối riêng biệt" để kiềm chế và đàn áp Trung Quốc, trong khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuần trước cho biết họ "không yêu cầu bất kỳ ai lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin hồi cuối tuần vừa rồi đã nói với các nhà báo rằng "chúng tôi hy vọng rằng các cơ quan ngoại giao của Mỹ trên toàn cầu sẽ hành động theo cam kết mà Ngoại trưởng Blinken đưa ra".

"Chúng tôi sẽ lắng nghe những gì Mỹ nói nhưng quan trọng hơn, chúng tôi sẽ theo dõi những gì họ làm".

Theo Kiệt Linh

VnMedia

Trở lên trên