Dồn lực cho xuất khẩu tôm nước lợ
Để đảm bảo chỉ tiêu xuất khẩu tôm nước lợ đạt trên 4,2 tỷ USD, các địa phương cần lưu ý tập trung tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm tôm bằng các giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến; không sử dụng hóa chất, kháng sinh; đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết…
- 09-03-2018Tôm Việt vào Mỹ có thể phải chịu thuế cao hơn 21 lần?
- 27-02-2018Giá tôm nguyên liệu lên xuống thất thường, thách thức người nuôi
- 26-02-2018Giá tôm sú đã tăng trở lại
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Vũ Văn Tám, trong năm nay sẽ tiếp tục có nhiều áp lực lớn đối với công tác quản lý nhà nước với ngành tôm, trước hết là đảm bảo chỉ tiêu xuất khẩu tôm nước lợ đạt trên 4,2 tỷ USD.
Điều này xuất phát từ bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, dịch bệnh tôm, ô nhiễm môi trường, các rào cản kỹ thuật như thuế chống bán phá giá, vấn đề bảo hộ sản xuất trong nước của các thị trường nhập khẩu…
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, năm nay cũng có những tín hiệu khả quan cho ngành tôm Việt Nam như Việt Nam đã đảm bảo tự sản xuất, cung ứng đủ giống tôm sú bố mẹ sạch bệnh; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bạc Liêu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và khởi công; chuỗi sản xuất tôm bước đầu hình thành…
Ông Văn Như Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thuỷ sản (Tổng cục Thủy sản- Bộ NN&PTNT) cho rằng nuôi tôm nước lợ công nghiệp rất dễ nâng cao giá trị, nhưng còn phụ thuộc vào thị trường. Đặc điểm của nhóm này là cần nguồn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, có hệ thống kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh. Do đó, bằng mọi giá phải lôi kéo được doanh nghiệp vào cuộc.
“Lợi thế của chúng ta là nuôi tôm sinh thái, tôm quảng canh với khoảng 560.000 ha. Cần tổ chức lại sản xuất, ứng dụng các tiến bộ sản xuất giống, chăm sóc để đẩy năng suất trung bình lên 700kg/ha/năm vào năm 2025. Với đối tượng tôm càng xanh, hiện chúng ta đã có thị trường, đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc”, ông Cẩn nhấn mạnh.
Thực tế đã chứng minh, vùng nước mặn, nước lợ ở đồng bằng sông Cửu Long là môi trường sống thích hợp của tôm càng xanh. Nhưng, công tác sản xuất giống trong nước rất kém. Đến năm 2025, cần phải nghiên cứu, sản xuất cung ứng giống tôm càng xanh đảm bảo chất lượng, đủ số lượng từ 2 - 3 tỷ con giống. Với tôm hùm, chúng ta phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên và chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, kém ổn định cần phải đẩy mạnh đàm phán thương mại để nâng tỷ lệ xuất khẩu chính ngạch tôm hùm.
Để giải quyết những khó khăn của ngành tôm hiện nay, cần phải thực hiện tốt nhóm nhiệm vụ phát triển hệ thống chế biến, tiêu thụ, phát triển thị trường và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm tôm của Việt Nam.
Mới đây, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện tốt Quyết định 79/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các nội dung hướng dẫn văn bản số 1623/BNN-TCTS của Bộ NN&PTNT về triển khai Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam, xây dựng kế hoạch cụ thể tại địa phương.
Trong đó, các địa phương cần lưu ý tập trung tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm tôm bằng các giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến; không sử dụng hóa chất, kháng sinh; đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết…
Thứ trưởng Vũ Văn Tám giao Tổng cục Thủy sản tăng cường kiểm tra trách nhiệm quản lý chất lượng tôm giống bố mẹ nhập khẩu đã phân cấp cho các địa phương; phối hợp tăng cường kiểm tra chất lượng tôm giống, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh tôm giống và công khai trên Website của Tổng cục Thủy sản...
Với Cục Thú y, nhiệm vụ được giao là phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm dịch, phòng chống dịch bệnh tôm, tháo gỡ rào cản kiểm dịch ở các thị trường nhập khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu
Ngoài ra, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm soát chặt việc lưu thông, buôn bán tôm giống trôi nổi, nhất là các chợ tôm giống tự phát; quản lý tốt chất lượng vật tư đầu vào và nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu...
Chinhphu,vn