MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Donald Trump làm tổng thống, hàng rào bảo hộ thương mại Mỹ sẽ tác động tới Việt Nam ra sao?

Theo những điều ông Donald Trump cam kết trong quá trình tranh cử, có thể nhìn thấy một viễn cảnh môi trường bảo hộ thương mại từ Mỹ tăng cao, hàng hoá của những nước có thặng dư xuất khẩu lớn với Mỹ sẽ gặp khó khăn.

Ngày 9/11, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã có kết quả đầy bất ngờ khi ứng cử viên đảng Cộng hoà Donald Trump giành chiến thắng. Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa có báo cáo chuyên đề tác động từ tổng thống Mỹ mới đắc cử, trong đó đánh giá về những tác động mà Việt Nam có thể bị ảnh hưởng dưới thời của ông Donald Trump.

TPP sẽ không thành

Quan điểm phản đối các Hiệp định Thương mại tự do và đưa ra các chính sách mang tính bảo hộ thương mại cao, tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hoá từ các nước khác, đặc biệt là những nước mà ông Trump cho rằng có sự thao túng tiền tệ là một trong những điểm nhấn trong quá trình tranh cử của vị tỷ phú này, báo cáo của BVSC chỉ rõ.

Theo đó, đối với các hiệp định thương mại tự do, ông Trump đề xuất đàm phán lại các điều khoản của NAFTA (Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ), rút khỏi TPP và các hiệp định khác đang chờ đàm phán.

“Tác động rõ nhất đối với Việt Nam là việc TPP sẽ còn khá ít cơ hội được thực thi dưới thời Tổng thống Donald Trump. Các doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ TPP như dệt may, da giày, logistics... sẽ mất đi yếu tố mang tính đòn bẩy này”, báo cáo của BVSC cho biết.

Hơn nữa, BVSC còn chỉ ra khả năng thu hút các dòng vốn FDI mới hoặc mở rộng quy mô của các dự án FDI đã đầu tư vào Việt Nam trong các năm gần đây để đón đầu TPP có thể chững lại khi mà cơ hội để TPP được thực thi không còn.

Trên thực tế, theo thông tin mới nhất được đăng tải trên tờ Wall Street Journal, Hiệp định TPP đang dần đi vào "ngõ cụt" khi Quốc hội Mỹ phát tín hiệu cho thấy họ sẽ không xem xét đến TPP trong kỳ họp cuối cùng của Tổng thống Obama.

"Nhà trắng sẽ từ bỏ TPP sau cuộc bầu cử" là điều đã được lãnh đạo từ phía 2 đảng Cộng hoà và Dân chủ trong Quốc Hội tuyên bố. Mặt khác, các quan chức thuộc nội các của ông Obama cũng thừa nhận TPP không còn đường tiến. Nói cách khác, không cần đến khi Donald Trump thực hiện cam kết thì TPP đã khó có thể hoàn tất.

Hệ quả của việc bảo hộ thương mại

Trong quá trình tranh cử, ông Trump từng đề xuất việc áp mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng ngoại nhập, ví dụ hàng từ Trung Quốc có thể lên đến 45%, các mặt hàng xuất xứ từ Mexico lên đến 35% và mức thuế 15%-45% đối với hàng hóa đến từ các quốc gia có dấu hiệu thao túng tiền tệ.

Các nước có tiềm năng bị áp mức thuế cao có cả liên minh Châu Âu, Nhật, Hàn Quốc, cùng với Trung Quốc và Mexico đã bao gồm 5 trong 6 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.

Theo BVSC, điều đáng lo ngại là nếu các mức thuế này được áp dụng, hành động trả đũa từ những nước trên có thể xảy ra với việc áp dụng các mức thuế cao tương đương với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

“Dù hiện ông Trump mới chỉ chủ trương đàm phán lại các điều khoản thương mại với hai đối tác là Mexico và Trung Quốc nhưng quan điểm bảo hộ này có thể sẽ còn tiếp tục chi phối đối với các đối tác mà Mỹ có thâm hụt thương mại”, báo cáo lo ngại.

Trong 9 tháng đầu năm, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị 28,3 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Mỹ với giá trị trên 1 tỷ USD bao gồm: dệt may (8,6 tỷ USD); giày dép (3,3 tỷ USD); điện thoại (3,1 tỷ USD), máy vi tính và sản phẩm điện tử (2,1 tỷ USD),…

Kể từ năm 2006 đến nay, Việt Nam cũng luôn có thặng dư thương mại với Mỹ với giá trị ngày càng tăng (gần nhất năm 2015 Việt Nam xuất siêu 25 tỷ USD sang Mỹ).

Do đó, với quan điểm cứng rắn của ông Trump về bảo hộ sản xuất trong nước có thể sẽ khiến ông áp dụng các chính sách tăng thuế đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ từ tất cả các đối tác thương mại. Nếu điều này xảy ra, xuất khẩu của Việt Nam nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng.

Như vậy có thể nhìn thấy viễn cảnh môi trường bảo hộ thương mại toàn cầu tăng cao, khiến lưu chuyển hàng hóa toàn cầu gặp trở ngại, trong bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục yếu, viễn cảnh khủng hoảng kinh tế là rủi ro có thể xảy ra.

Ngoài ra, khi cánh cửa vào thị trường Mỹ khép chặt hơn, hàng hóa của Trung Quốc sẽ phải tìm kiếm các thị trường thay thế.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên