MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồng bằng sông Cửu Long muốn xuất khẩu điện sang Singapore, liệu có khả thi?

Xuất, nhập khẩu điện sang các quốc gia lân cận như Lào, Campuchia,Trung Quốc là xu thế tất yếu chuyển dịch năng lượng. Tuy nhiên, việc xuất khẩu điện từ các tỉnh ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sang Singapore liệu có khả thi không khi mà chi phí đầu tư cáp truyền dẫn vượt biển rất lớn.

Đồng bằng sông Cửu Long muốn xuất khẩu điện sang Singapore, liệu có khả thi? - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành hai nước chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác phát triển chung giữa PTSC và Công ty Sembcorp Utilities Pte. Ltd. (SCU) trong việc phát triển dự án điện gió ngoài khơi để xuất khẩu sang Singapore. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Singapore đầu tư lớn để chuyển đổi năng lượng xanh

Chia sẻ với Nhadautu.vn , ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong buổi làm việc với đoàn công tác của Quốc hội mới đây, tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau đã thống nhất đề xuất Quốc hội, Chính phủ cho phép 3 địa phương xúc tiến việc đàm phán với doanh nghiệp Singapore về hợp tác đầu tư nhà máy điện gió ngoài khơi và xuất khẩu điện trực tiếp bằng đường cáp trên biển sang Singapore.

Theo ông Thiều, cơ sở để tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, Sóc Trăng đề xuất bán điện cho Singapore là căn cứ "Biên bản Ghi nhớ về Quan hệ Đối tác kinh tế xanh, kinh tế số Việt Nam - Singapore" đã được đại diện hai Chính phủ Việt Nam - Singapore ký kết vào ngày 9/2/2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã ban hành Quyết định số 912/QĐ-TTg ngày 2/8/2023 về việc thành lập Tổ Công tác liên ngành để triển khai thực hiện Biên bản này, đây là cơ sở pháp lý về xuất khẩu năng lượng tái tạo sang Sigapore.

"Từ cơ sở pháp lý được hai Chính phủ ký kết, doanh nghiệp Singapore đã tiếp cận với địa phương và đưa ra đề xuất đầu tư nhà máy điện gió, điện hydro xanh ngoài khơi và đầu tư cả đường dây cáp vượt biển để xuất khẩu điện trực tiếp sang Singapore mà không phải phát lên lưới điện quốc gia Việt Nam. Theo Quy hoạch Sơ đồ điện VIII, 3 địa phương Bạc Liêu, Cà mau, Sóc Trăng có tiềm năng phát triển 60.000 MW năng lượng tái tạo nên việc hợp tác với nhà đầu tư khai thác và xuất khẩu năng lượng sẽ góp rất quan trọng tạo sự đột phá phát triển kinh tế-xã hội địa phương", người đứng đầu chính quyền tỉnh Bạc Liêu kỳ vọng.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, với yêu cầu chuyển đổi năng lượng, Singapore đã phát hành hồ sơ yêu cầu nhập khẩu khoảng 4.000MW năng lượng sạch từ các tỉnh ven biển ĐBSCL và Cà Mau được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cùng các địa phương có tiềm năng xây dựng Đề án xuất khẩu điện, trình Bộ Công Thương thẩm định.

"Hiện đã có đơn vị nước ngoài đặt hàng đầu tư, mua điện, nếu không triển khai kịp thời sẽ mất cơ hội. Tuy nhiên, xuất khẩu điện là vấn đề rất mới đối với các tỉnh ven biển miền Tây, do đó địa phương rất cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn để địa phương hoàn thành đề án đầu tư, xuất khẩu điện sang Singapore", ông Hải đề xuất.

Được biết, nhân chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào ngày 10/2 vừa qua, đại diện Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) và Sembcorp Utilities Pte. Ltd (SCU) đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư, xuất khẩu điện sang Singapore từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ, Tổng Giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường cho biết: Thực hiện chủ trương của lãnh đạo Chính phủ về việc thiết lập mối quan hệ "Đối tác kinh tế số, kinh tế xanh" giữa Việt Nam và Singapore, Tập đoàn Sembcorp Industries (Tập đoàn có vốn sở hữu của Chính phủ Singapore) đã trao đổi, thống nhất cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giao cho Sembcorp Utilities Pte Ltd (SCU) và PTSC triển khai thực hiện việc hợp tác đầu tư trang trại điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với công suất ban đầu dự kiến khoảng 2,3 GW và xuất khẩu điện trực tiếp sang Singapore qua đường cáp ngầm cao thế dưới biển.

Thỏa thuận quy định chi tiết về cơ chế hợp tác, cơ chế ra quyết định, tỷ lệ góp vốn giữa các bên, kế hoạch triển khai các công việc chuẩn bị, triển khai dự án cũng như kế hoạch thành lập công ty liên doanh khi đạt đầy đủ các điều kiện.

Cũng theo ông Cường, việc đầu tư tuyến cáp vượt biển dài hàng ngàn km để truyền tải điện là một thách thức về công nghệ và nguồn vốn, tuy nhiên trên thế giới hiện nay đã có nhiều dự án tương tự được triển khai rất thành công như dự án cáp ngầm North Sea Link dài 720 km, công suất 1.400 MW kết nối lưới điện và chia sẻ nguồn điện từ năng lượng tái tạo giữa Na Uy và Vương quốc Anh.

"Để đạt mục tiêu phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ Singapore có kế hoạch nhập khẩu đáp ứng 30% nhu cầu điện năng vào năm 2035 từ các nguồn năng lượng sạch và sẵn sàng đầu tư lớn cho chuyển đổi năng lượng. Trong khi đó Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN có nguồn năng lượng gió ngoài khơi quy mô lớn (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, về mặt kỹ thuật, tiềm năng gió ngoài khơi của Việt Nam vào khoảng 599 GW). Chúng tôi nhận thấy dự án xuất khẩu năng lượng sạch sang Singapore là cơ hội cho dự án năng lượng gió ngoài khơi của Việt Nam cũng như cơ hội cho các quốc gia có tiềm năng trong lĩnh vực này", ông Cường nhận định.

Đồng bằng sông Cửu Long muốn xuất khẩu điện sang Singapore, liệu có khả thi? - Ảnh 2.

Các địa phương ven biển khu vực ĐBSCL có tiềm năng khai thác điện gió rất lớn. Ảnh TL

Vì sao đang thiếu điện nhưng vẫn xuất khẩu điện?

Theo Quy hoạch điện VIII, hệ thống điện Việt Nam vừa có xuất khẩu vừa có nhập khẩu điện, phù hợp với xu hướng chung trên thế giới. Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ nhập khẩu lên tới khoảng 5.000 MW (có thể tăng lên 8.000 MW nếu điều kiện cho phép) và dự kiến phấn đấu xuất khẩu điện từ 5.000 - 10.000 MW điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Theo chuyên gia cao cấp năng lượng Đào Nhật Đình - Thường trực Hội đồng khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Xuất, nhập khẩu điện là xu thế tất yếu của chuyển dịch năng lượng. Chỉ khi hệ thống kết nối rộng mới có thể bù trừ được những thay đổi trong tiêu thụ điện ở từng quốc gia. Do vậy mà ngay ở những "cường quốc" về năng lượng như Đức, Đan Mạch, Ba Lan… vẫn phải vừa xuất khẩu vừa nhập khẩu năng lượng.

Đối với Việt Nam, hiện nay công suất lắp đặt và hòa lưới điện mặt trời, điện gió đang tăng lên. Trong khi nguồn điện này không ổn định vì điện mặt trời chỉ phát vào ban ngày, điện gió thì vào tháng 3 - 6 công suất khả dụng rất thấp. Mặt khác các dự án năng lượng tái tạo tập trung nhiều ở khu vực miền Nam. Trong khi miền Nam thừa điện nhưng do công suất truyền tải điện từ Nam ra Bắc bị giới hạn ở mức 2.000 MW, nên khó truyền tải để bổ sung năng lượng cho miền Bắc vào thời điểm nắng nóng, thiếu điện.

Việt Nam đã thực hiện xuất, nhập khẩu năng lượng từ nhiều năm sang Trung Quốc, Lào, Campuchia. Xuất, nhập khẩu năng lượng đã trở thành xu hướng tất yếu và cần thiết.

Theo Báo cáo kinh tế thường niên năm 2022 do nhóm chuyên gia Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright và Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) biên soạn thì khu vực ĐBSCL có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo lớn, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối.

Trong đó, điện gió trên đất liền và gần bờ có khả năng khai thác trên gần 70.000MW, điện mặt trời có khả năng khai thác 31.500MW. Với lợi thế đường bờ biển dài, dư địa cho phát triển điện gió ngoài khơi ở ĐBSCL rất rộng mở, đặc biệt ở các tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh. Phát triển điện gió là một trong những ngành được đặt nhiều kỳ vọng và ưu tiên trong thời gian tới.

Nhờ thế mạnh về nông nghiệp, ĐBSCL cũng có tiềm năng điện sinh khối lớn nhất trong 7 vùng sinh thái trên toàn quốc.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ: Theo Quy hoạch điện VIII, vùng ĐBSCL sẽ là trung tâm năng lượng sạch của cả nước. Nếu các vướng mắc về quy định thu hút đầu tư được tháo gỡ thì ĐBSCL sẽ là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Triển vọng thu hút nguồn vốn FDI vào khu vực ĐBSCL cũng được kỳ vọng tăng đột biến nhờ các dự án đầu tư năng lượng sạch.

Theo Phú Khởi

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên