MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồng bộ nhiều giải pháp cho giai đoạn “nước rút”

Thời gian để “về đích” mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) không còn nhiều. Trong giai đoạn “nước rút” này, theo ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Thời gian để “về đích” mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) không còn nhiều. Trong giai đoạn “nước rút” này, theo ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Đồng bộ nhiều giải pháp cho giai đoạn “nước rút” - Ảnh 1.

Cần thực hiện nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn ĐTC năm 2023. Ảnh minh họa

Thưa ông! Trong bối cảnh nhiều lĩnh vực của nền kinh tế bị sụt giảm, ĐTC là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng năm 2023. Ông có thể phân tích rõ hơn vấn đề này?

Năm 2023, bối cảnh thế giới có những khó khăn, suy thoái, như tổng cầu thế giới suy giảm do các nền kinh tế lớn và cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ để giảm chi tiêu. Tổng cầu tiêu dùng cuối cùng trong nước suy yếu. Về thể chế, chúng ta xác định thể chế là một động lực tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để cải cách, đổi mới thể chế, cần thời gian. Còn lại động lực cuối cùng là ĐTC. Đây là lĩnh vực mà chúng ta hoàn toàn có thể chủ động được. Cho nên, ĐTC là một động lực rất mạnh, gần như là động lực quyết định tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay.

Vậy, ông đánh giá như thế nào về bức tranh giải ngân ĐTC từ đầu năm đến nay?

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, bức tranh giải ngân ĐTC năm nay, tổng mức đầu tư của năm nay cao hơn năm ngoái khá lớn. Bức tranh giải ngân vốn ĐTC đã phản ánh những nỗ lực của Chính phủ khi rất nhiều Bộ, ngành, tỉnh, thành phố có mức giải ngân vốn ĐTC cao hơn tỷ lệ trung bình của toàn nền kinh tế.

Kết quả giải ngân đã phản ánh nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành. Nó phát đi một tín hiệu là sự bứt phá về giải ngân vốn ĐTC trong những tháng còn lại của năm. Bởi, thực tế thời gian qua cho thấy, tỷ lệ giải ngân những tháng sau cao hơn những tháng trước và tốc độ tập trung cao hơn. Điều này cũng tạo cơ sở để chúng ta có thể giải ngân được khoảng 95% kế hoạch vốn ĐTC của cả năm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng bộ nhiều giải pháp cho giai đoạn “nước rút” - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Bích Lâm

Bên cạnh kết quả tích cực, vẫn còn nhiều Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. Thậm chí, một số Bộ, ngành, địa phương xin trả lại vốn kế hoạch năm 2023. Nguyên nhân của thực trạng này là do đâu, thưa ông?

Bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ trung bình của toàn nền kinh tế, thậm chí một số Bộ, ngành trả lại vốn đầu tư phản ánh thực trạng công tác chuẩn bị đầu tư còn sơ sài, chưa tốt. Năng lực của các nhà đầu tư, các nhà thầu còn hạn chế, yếu kém. Tinh thần, trách nhiệm của lãnh đạo một số Bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt và chưa thực sự vào cuộc để triển khai giải ngân với quyết tâm cao.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp lý còn bất cập, chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn. Chẳng hạn, quy định về đấu thầu, khi có biến động về mức giá thì các dự án đã trúng thầu có mức giá không còn phù hợp với mức giá trước đó. Hiện nay, mức giá đã thay đổi, các nhà thầu không thể thực hiện được bởi càng làm càng lỗ.

Tổng vốn ĐTC năm 2023 tăng 23% so với năm 2022, trong khi thời gian để hoàn thành 95% kế hoạch vốn của cả năm 2023 không còn nhiều. Theo ông, chúng ta cần làm gì để có thể hoàn thành mục tiêu này?

Trước hết, giải pháp đầu tiên là gắn trách nhiệm và tinh thần trách nhiệm của những người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương. Như tôi đã đề cập đến tính cương quyết trong triển khai giải ngân vốn ĐTC ở các địa phương trên cả nước, chúng ta phải gắn tinh thần trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các dự án thì mới có thể kịp thời giải ngân.

Việc điều chỉnh kế hoạch vốn ĐTC từ dự án này sang dự án khác, từ Bộ này sang Bộ khác, tôi cho là rất đúng và rất trúng. Chúng ta phải làm sớm để những dự án thiếu vốn có thể tiếp tục triển khai, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Ông Nguyễn Bích Lâm

Thứ hai, phải nâng cao năng lực của các chủ đầu tư, đặc biệt là các nhà thầu. Các nhà thầu mà không có năng lực thì rất khó có thể triển khai thực hiện giải ngân vốn ĐTC.

Thứ ba, tôi cho rất quan trọng, đó là vấn đề giải phóng mặt bằng. Mặt bằng chậm gây khó khăn, trở ngại trong triển khai thực hiện vốn ĐTC. Tôi nghĩ, Chính phủ phải có những quy định riêng, tách giải phóng mặt bằng thành một dự án đầu tư độc lập, xử lý trước và có những quy định đặc thù; đồng thời phải có cơ chế, cách đền bù thỏa đáng để người dân sẵn sàng nhường lại đất cho dự án.

Thứ tư, có cơ chế điều chỉnh kịp thời về giá cả. Đơn cử, khi giá nguyên nhiên liệu, giá vật tư trong san lấp, thi công thay đổi thì phải có cơ chế bù giá, điều chỉnh giá kịp thời. Rất nhiều dự án đấu thầu với một mức giá, nhưng khi bắt đầu triển khai thì mức giá cao lên, nhà thầu không dám làm. Chúng ta phải có cơ chế điều chỉnh giá sao cho phù hợp. Các cơ chế này không gì khác là Chính phủ phải có quy định cụ thể, kịp thời.

Thứ năm, xây dựng, phân bổ vốn ĐTC sao cho không bị dàn trải, mà cần tập trung cho những cơ sở hạ tầng quan trọng và chúng ta tập trung toàn bộ sức lực để triển khai thực hiện.

Ông kỳ vọng như thế nào về kết quả giải ngân vốn ĐTC năm 2023?

Năm nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất khẩn trương; đồng thời, các Bộ, ngành và toàn hệ thống chính trị cũng vào cuộc quyết liệt. Ngay từ đầu năm, Thủ tướng đã thành lập 5 Tổ công tác để đôn đốc triển khai thực hiện giải ngân vốn ĐTC, ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 về các giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn ĐTC, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cho nên, tôi kỳ vọng, với sự sát sao, vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và với tinh thần, trách nhiệm của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, chúng ta cố gắng giải ngân vốn ĐTC ở mức cao nhất và đạt hiệu quả tốt nhất.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.


Theo Hồng Nhung

Báo kiểm toán

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên