Động cơ đốt trong, xe chạy bằng xăng sẽ "chết", tương lai của công nghiệp ô tô nằm ở đâu?
Xu hướng dịch chuyển từ động cơ chạy bằng xăng và piston sang chạy bằng điện và pin đang ngày càng rõ nét. Do đó đã đến lúc nghĩ về cái chết của động cơ đốt trong – cỗ máy vẫn đang được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.
- 06-09-2017Nhìn vào giấc mơ ô tô còn dang dở của cựu Thủ tướng Malaysia, Vinfast học được gì?
- 06-09-2017Chặng đường 33 năm lăn bánh đến đích thương hiệu xe hơi 100% nội địa của ngành ô tô Malaysia
- 05-09-2017Chặng đường "vịt hóa thiên nga" của hãng xe ô tô tư nhân tăng trưởng nhanh nhất Trung Quốc
Tháng 12/1893, tờ báo của Pháp Le Petit Journal than khóc rằng “óc sáng tạo của con người vẫn chưa thể tìm thấy 1 cỗ máy có thể thay thế sức ngựa trong các phương tiện di chuyển”. Tháng 7 năm 1894, tờ báo này tổ chức 1 cuộc đua dành cho các loại xe không cần ngựa kéo. 102 “thí sinh” tham gia gồm nhiều loại phương tiện chạy bằng hơi nước, dầu, điện, khí nén và thủy lực nhưng chỉ có 21 đủ điều kiện chạy hết quãng đường đua dài 126km.
Chiến thắng đã thuộc về động cơ đốt trong. Và trong 100 năm sau đó, động cơ đốt trong đã thay đổi cả thế giới.
Dấu chấm hết cho động cơ đốt trong?
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại thì theo Economist, những tiến bộ vượt bậc của công nghệ sản xuất pin đang hỗ trợ rất lớn cho những chiếc xe điện. Trong cuộc đua năm 1894, không có chiếc xe điện nào đủ tiêu chuẩn để đứng vào vạch xuất phát vì pin chỉ cho phép chạy tối đa 30km. Ngày nay, những chiếc xe điện sử dụng pin lithium-ion có thể làm tốt hơn rất nhiều. Chiếc Chevy Bolt của General Motors có thể chạy được liền mạch 383km, trong khi 1 chiếc Model S của Tesla chạy được hơn 1.000km sau mỗi lần sạc.
Ngân hàng UBS nhận định ngay trong năm 2018 tổng chi phí để sở hữu 1 chiếc xe điện sẽ ngang bằng với 1 chiếc xe chạy bằng xăng (tuy nhiên nhà sản xuất sẽ phải chịu lỗ). UBS còn lạc quan dự báo xe điện sẽ chiếm 14% tổng doanh số xe hơi bán ra trên toàn cầu vào năm 2025, so với con số khiêm tốn 1% hiện nay.
Một vài tổ chức khác đưa ra những dự báo kém lạc quan hơn, nhưng xu hướng chung là mọi người đều tin vào tương lai của xe điện bởi chi phí cho mỗi kwh đã giảm từ mức 1.000 USD của năm 2010 xuống chỉ còn 130 – 200 USD ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó các nước còn siết chặt quy định về môi trường, ví dụ như tháng trước Anh đã tự thêm mình vào danh sách đang ngày càng dài hơn gồm các nước sẽ sử dụng hoàn toàn xe điện với quy định đến năm 2050 tất cả những chiếc xe mới sẽ phải đạt chuẩn khí thải bằng 0.
Xu hướng dịch chuyển từ động cơ chạy bằng xăng và piston sang chạy bằng điện và pin đang ngày càng rõ nét. Do đó đã đến lúc nghĩ về cái chết của động cơ đốt trong – cỗ máy vẫn đang được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.
Để đánh giá những tác động của xu hướng này, trước tiên hãy nhìn lại cách mà động cơ đốt trong đã định hình cuộc sống hiện đại. Dường như cả thế giới đã được xây dựng lại để phục vụ các loại xe có động cơ với những khoản đầu tư khổng lồ rót vào hệ thống đường sá và cả sự ra đời của vùng ngoại ô với những trung tâm mua sắm và nhà hàng drive-through. Gần 85% người lao động Mỹ sống ở ngoại ô và di chuyển bằng xe hơi để vào vùng trung tâm làm việc. Ngành sản xuất ô tô là 1 động lực giúp nền kinh tế tăng trưởng cũng như giúp mở rộng tầng lớp trung lưu không chỉ ở Mỹ mà trên khắp thế giới.
Hiện nay có khoảng 1 tỷ chiếc ô tô lưu thông trên đường và hầu hết đều chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Dù nhiều lúc đứng im, những chiếc xe hơi ở Mỹ có thể tạo ra số năng lượng nhiều gấp 10 lần các nhà máy điện. Động cơ đốt trong chính là cỗ máy hùng mạnh nhất trong lịch sử thế giới.
Tuy nhiên, xe điện đang đẩy ngành ô tô vào giai đoạn khó khăn. So với những chiếc xe phổ biến hiện nay, xe điện đơn giản hơn nhiều với ít linh kiện hơn, thậm chí giống với những chiếc máy tính được gắn thêm bánh xe. Điều đó đồng nghĩa chúng cần đến ít nhân công hơn cũng như ít ngành công nghiệp phụ trợ hơn. Nhiều công nhân tại những nhà máy không sản xuất xe điện đang lo sợ trong tương lai gần sẽ bị mất việc làm. Thị trường bảo dưỡng và linh kiện thay thế cũng sẽ thu hẹp đáng kể. Những thương hiệu cao cấp có thể vẫn nổi bật nhờ kiểu dưỡng và sự sắc sảo, nhưng còn thị trường xe có giá trị thặng dư thấp và phục vụ đại trà sẽ khó lòng cạnh tranh nổi về chi phí.
Tất nhiên là ai cũng muốn sở hữu 1 chiếc xe của riêng mình. Tuy nhiên, xe điện cùng với sự phổ biến của công nghệ tự lái và dịch vụ đi chung xe sẽ khiến nhu cầu sở hữu xe giảm đi. Hơn nữa dịch vụ đi chung xe phát triển cũng giúp các thành phố thay thế những bãi đỗ xe (chiếm đến 24% diện tích ở một số nơi) bằng những ngôi nhà mới.
Chặng đường phát triển những chiếc xe tự lái an toàn và tiện dụng vẫn còn rất dài, nhưng dù chưa đi được đến đích thì xe điện vẫn mang đến rất nhiều lợi ích về môi trường và sức khỏe. Những chiếc xe được sạc điện ở các trạm tập trung sẽ hiệu quả hơn là đốt cháy xăng trong những cỗ máy riêng biệt. Theo số liệu của Ủy ban bảo vệ tài nguyên quốc gia Mỹ, ngay bây giờ dù chỉ chiếm 1 phần nhỏ nhưng xe điện đã giúp giảm 54% lượng khí thải carbon so với xe chạy bằng xăng. Con số này sẽ tăng lên khi những chiếc xe điện được hoàn thiện hơn. Tổ chức Y tế thế giới kết luận khí thải carbon là nguy cơ môi trường lớn nhất đe dọa sức khỏe của con người. Ô nhiễm không khí ngoài trời khiến 3,7 triệu người chết mỗi năm. 1 nghiên cứu khác cho thấy khí thải từ xe hơi khiến 53.000 người Mỹ thiệt mạng mỗi năm, lớn hơn cả con số 34.000 người chết vì tai nạn giao thông.
Lithium sẽ có sức mạnh như dầu mỏ?
Xe điện cũng sẽ tác động mạnh đến ngành dầu mỏ. Gần 2/3 lượng dầu tiêu thụ ở Mỹ là cho xe cộ trên đường, phần còn lại cũng được sử dụng để làm các sản phẩm như xăng và dầu diesel. Royal Dutch Shell cho rằng chỉ còn hơn 1 thập kỷ nữa nhu cầu về dầu mỏ sẽ đạt đỉnh.
Không ai muốn bị bỏ lại với những thùng dầu không được sử dụng đến, đầu tư trong ngành dầu khí sẽ giảm, đặc biệt là những vùng xa xôi có chi phí cao như vùng cực. Ngược lại, các nước như Saudi Arabia có lượng dự trữ lớn và chi phí khai thác thấp sẽ đứng trước áp lực phải bơm dầu lên trước khi quá muộn. Mặc dù thị trường khí đốt vẫn tồn tại, giá dầu biến động sẽ khiến các nước dựa quá nhiều vào nguồn thu dầu mỏ phải chịu nhiều sức ép.
Thế giới chuẩn bị săn lùng 1 loại tài nguyên khác: lithium. Giá lithium carbonate đã tăng từ mức 4.000 USD/tấn trong năm 2011 lên hơn 14.000 USD. Nhu cầu về cobalt và nguyên tố hiếm phục vụ xe điện đang tăng lên rất nhanh. Liệu điều này có biến đất nước giàu lithium Chile trở thành “tân Saudi Arabia”? Không hẳn là như vậy. Những viên pin lithium-ion mà xe điện đã sử dụng có thể được sử dụng lại và sau đó được tái chế.
Động cơ đốt trong vẫn sẽ được sử dụng trong các phương tiện đường thủy và hàng không trong ít nhất là mấy chục năm nữa. Tuy nhiên, trên đường bộ, xe điện sẽ sớm đem đến cho con người sự tự do và thuận tiện theo cách rẻ hơn và sạch hơn. Tuy nhiên vì xu hướng chuyển sang xe điện sẽ đảo ngược xu thế phổ biến ở các nước phát triển hiện nay là lượng tiêu thụ điện giảm, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải hỗ trợ bằng cách đảm bảo sẽ có đủ nguồn cung, đồng thời đặt ra các tiêu chuẩn cho các trạm sạc công cộng cũng như quy trình tái chế pin. Họ cũng phải giải quyết những vấn đề xã hội do các việc làm cũ mất đi.
Thế kỷ 21, xe điện tự lái sẽ khiến thế giới biến đổi 1 cách căn bản theo những cách khó có thể dự đoán, giống như cách mà các động cơ đốt trong đã thay đổi thế giới trong thế kỷ 20. Nhưng đó sẽ là 1 con đường không hề bằng phẳng. Hãy “siết chặt dây an toàn”.